VINAGRI News - “Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam nhiều đầu mối, thường cạnh tranh nhau nên khi Trung Quốc hủy đơn hàng với Thái Lan sẽ tăng thêm cơ hội cho Việt Nam nhưng việc tổ chức xuất khẩu còn nhiều vấn đề. Chúng ta cần phải tổ chức lại chiến lược xuất khẩu”.
GS.TSKH Nguyễn Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký Hội giống cây trồng Việt Nam đã chia sẻ như vậy. Theo GS Kính, chuyện các doanh nghiệp “đi đêm” là “con dao” hai lưỡi, không chỉ doanh nghiệp này hại doanh nghiệp kia mà ảnh hưởng đến cả lợi ích quốc gia.
Việc tổ chức xuất khẩu nhiều ‘vấn đề’
GS Kính nhắc lại câu chuyện trước đây các doanh nghiệp luôn cạnh tranh hợp đồng, xuất khẩu dưới giá sàn để rồi sau đó Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã phải ấn định từ tháng 6/2013 tăng giá loại gạo 25% tấm. Tức là giá các loại gạo xuất khẩu khác như gạo 5% tấm, 10% tấm, 15% tấm hay 20% tấm sẽ không được chào bán thấp hơn 375 USD/tấn.
Lâu nay, giá gạo Việt Nam đã tách khỏi mặt bằng giá gạo thế giới, trở thành nguồn cung cấp rất rẻ do nhiều yếu tố, như chất lượng gạo thấp, thương hiệu gạo không có; hoặc là tự mình cạnh tranh lẫn nhau, và cũng không biết cách làm thương hiệu.
Do giá chào mời xuất khẩu thấp, nên doanh nghiệp quay trở lại ép giá thu mua từ người nông dân. Chưa bao giờ, người nông dân đạt được đúng 30% lợi nhuận như Chính phủ mong muốn.
Theo GS Kính, những ví dụ kiểu như thế này không hiếm cho nên nay Trung Quốc đã hủy đơn hàng nhập khẩu gạo của Thái Lan thì “Việt Nam cần nắm bắt nhanh cơ hội này. Trên thực tế Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hạt gạo Việt Nam, song chúng ta cần có chiến lược bài bản, đi chắc và bền vững hơn”, GS Kính nói.
GS Kính cũng nhấn mạnh, cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ việc mua bán, tránh xảy ra tình trạng doanh nghiệp xuất khẩu ngấm ngầm hạ giá để cạnh tranh lẫn nhau; đồng thời vẫn ép giá ngược lại người trồng lúa.
Các cơ quan quản lý cần giám sát chặt để các doanh nghiệp không "đi đêm" hại lợi ích quốc gia và cả doanh nghiệp lẫn người dân
Phải có chiến lược xuất khẩu
Xung quanh câu chuyện xuất khẩu gạo cũng đã có không ít diễn đàn được tổ chức và nhiều ý kiến cũng được đưa ra. Theo đó giới chuyên môn cho rằng muốn nâng giá trị hạt gạo Việt Nam phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, nghĩa là không xuất khẩu gạo theo kiểu hàng chợ.
Cơ quan quản lý, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu chủ động tìm kiếm thị trường, tìm kiếm đơn hàng đặt hàng từ phía nhập khẩu. Chẳng hạn như, thị trường châu Âu muốn mặt hàng gạo gì, thị trường Mỹ muốn gạo gì. Lúc đó doanh nghiệp sẽ đặt hàng trực tiếp người nông dân, người nông dân tổ chức lại sản xuất, kinh doanh.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn từng nêu: Ở ta đang trồng nhiều giống lúa, trong đó có cả loại chất lượng cao và thấp. Một số doanh nghiệp mua và trộn lẫn các loại với nhau, dẫn đến gạo của Việt Nam khi xuất khẩu không giống các nước khác. Điều đó làm ảnh hưởng lớn tới uy tín của gạo Việt Nam và phải được điều chỉnh.
Do vậy GS Nguyễn Ngọc Kính cho rằng phải có chiến lược xuất khẩu bài bản. Chiến lược này không chỉ giúp cho việc chủ động xuất khẩu mà còn định hướng được cho vấn đề nghiên cứu.
“Ví dụ chúng ta định xuất khẩu gạo chất lượng cao vậy chiếm thị phần thế nào rồi mới định đoạt để làm số giống. Hay Thái Lan trồng gạo chất lượng cao rồi thì mình có nên đi vào chất lượng cao để cạnh tranh hay chỉ tập trung vào gạo trung bình thôi? Vấn đề này cần được xác định rõ và quan trọng là việc tổ chức xuất khẩu gạo phải đặt lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp với nhau thì mới thành công được”, GS Kính kiến nghị.
Tuy nhiên điều mà TS Kính lo ngại hơn nữa là việc tổ chức xuất khẩu hiện nay không theo một đầu mối nào mà kiểu mạnh ai doanh nghiệp đó làm. Dù rằng có hiệp hội đứng ra nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp không theo hiệp hội.
"Hơn nữa việc thành lập các công ty lương thực độc quyền nhưng cũng không thể hiện hết vai trò đầu mối nên có rất nhiều điều cần bàn ở đây", TS Kính nói.
Không riêng gì với gạo mà ngay cả chè, cafe, TS Kính cho biết cũng đang có tình trạng lộn xộn như vậy.
"Nên chăng chúng ta nhìn lại cơ chế, xóa bỏ thế độc quyền để các doanh nghiệp nào đủ lực cạnh tranh lành mạnh, tự xây dựng thương hiệu riêng có khi lợi hơn cho quốc gia", TS Kính đề xuất.
Bích Ngọc/ Báo Đất Việt
Không có nhận xét nào: