VINAGRI News - Là mặt hàng thiết yếu đối với mỗi gia đình nhưng rau xanh luôn khiến các bà nội trợ phải đau đầu lựa chọn bởi nỗi lo rau nhiễm độc, thiếu an toàn. Vấn đề ngày càng trở nên nhức nhối khi hiện nay, tại nhiều chợ đầu mối, việc quản lý mặt hàng này vẫn diễn ra khá lỏng lẻo, chồng chéo, thiếu hiệu quả.
Thua từ cổng chợ
Kết quả cuộc điều tra về an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản phẩm rau tại các chợ bán buôn của Hà Nội do Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) thực hiện năm 2013 cho thấy, tại Hà Nội, chưa có chợ bán buôn nào có các phân khu riêng cho rau an toàn (RAT). Do đó, tỷ lệ RAT được cung ứng tại các chợ bán buôn còn rất hạn chế. Theo ước tính của đại diện Ban Quản lý (BQL) chợ Long Biên (Long Biên), chợ Hôm Đức Viên (Hai Bà Trưng) và chợ Đồng Xa (Cầu Giấy), lượng RAT cung ứng tại các chợ này chỉ dưới 10%.
Trong khi BQL chợ rau Vân Nội (Đông Anh) không xác định được tỷ lệ RAT do chợ hiện đang trong tình trạng họp nhờ chợ Vân Trì (Đông Anh). Đối với chợ Đền Lừ (Hoàng Mai), Ban Quản lý chợ cũng không xác định được lượng RAT thực tế được cung ứng do không có hoạt động khai báo của người bán hàng và không có phân khu riêng cho nguồn RAT.
Rau sạch bán ở siêu thị cũng không xác định được thực sự có sạch hay không
Trong khi đó, nhận thức về RAT của cả người bán và người mua còn rất thấp. Cuộc điều tra mới đây của IPSARD đối với mặt hàng rau tại các chợ đầu mối Hà Nội đưa ra kết quả, rau an toàn không bán được ở chợ đầu mối và chưa chợ nào có khu dành riêng bán rau an toàn.
Đa số (73% người người bán buôn và 95% người mua được hỏi) ở chợ đầu mối đều không phân biệt được rau nào là an toàn. Ngay cả BQL các chợ cũng không biết, có đơn vị cho rằng không có chức năng kiểm soát rau an toàn hay truy xuất nguồn gốc hàng hóa, trong khi việc kiểm tra rau an toàn của lực lượng chức năng là rất hiếm hoi. Chỉ có 60% số người mua rau thực sự quan tâm đến ATTP.
Đặc biệt đáng ngại là có tới 30% số người buôn bán rau được điều tra cho rằng, không cần thiết phải cung cấp RAT do kinh doanh mặt hàng này có lãi thấp, chi phí sản xuất cao, trong khi đầu ra không ổn định cả về giá cả và chất lượng. Người kinh doanh RAT cũng chưa nhận được sự ưu đãi đáng kể so với người kinh doanh rau thường. Như việc từ cuối năm 2011, Hà Nội cũng thí điểm dán nhãn an toàn cho rau, củ, nhưng khi vào chợ đầu mối cũng không được ưu đãi gì hơn, trong khi người sản xuất phải thêm chi phí dán nhãn, tem.
Ông Cao Văn Phương, Tổ trưởng Tổ quản lý chợ đêm Mai Dịch cho biết: “Rau ở đây cứ phải rẻ, trông tươi ngon mới bán được, tiểu thương chả quan tâm có phải rau sạch, RAT hay không. Người bán nào chỉ cần bán đắt hơn 1, 2 nghìn đồng/cân rau đã bị ế cả đống hàng rồi, nói chi đến rau sạch (giá đắt hơn 3-4 lần), có cố gắng len chân vào chợ thì cũng không thể cạnh tranh được”. Cũng theo ông Phương, năm 2012, Công ty Đức Cường đưa rau được chứng nhận an toàn theo tiêu chuẩn VietGap vào chợ đầu mối Mai Dịch, nhưng ế ẩm nên chỉ 2-3 tháng sau đã bỏ đi.
Tình cảnh người bán rau sạch “đến rồi đi” cũng diễn ra tại chợ đầu mối họp hàng đêm tại chân cầu vượt Ngã Tư Sở. Còn tại chợ đêm Hợp tác xã Văn Quán (phường Văn Quán, đường Chiến Thắng, quận Hà Đông), cũng là chợ đầu mối, mỗi đêm cung cấp hàng chục tấn thực phẩm, rau củ cho những người mua bán lại cho quán ăn, nhà hàng, bếp ăn tập thể, nhưng cũng không có quầy nào bán rau sạch. Những người mua buôn ở đây khẳng định, mang rau sạch đến đây cũng không thể bán được vì giá cao.
Quản lý thả nổi
Theo nhóm nghiên cứu của IPSARD, sở dĩ việc đưa RAT vào thị trường đã có kế hoạch từ 15 năm nay nhưng chưa đạt được hiệu quả, một trong những lý do là sự bất cập của cơ chế quản lý ATTP tại chợ đầu mối. Ông Trần Công Thắng, Trưởng bộ môn Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách (IPSARD) đánh giá: Công tác quản lý ATTP nói chung và đối với sản phẩm rau nói riêng chưa được thực hiện một cách sát sao tại chợ đầu mối Hà Nội. Nhiều đợt kiểm tra chỉ mang tính phong trào.
Điều này thể hiện khá rõ ở chỗ, tại các chợ, chưa có hoạt động giám sát, quản lý thường xuyên đối với ATTP. Chỉ 2/5 BQL chợ cho biết có biện pháp quản lý ATTP với các sản phẩm tại chợ. Đó là, BQL chợ Đồng Xa và chợ Đền Lừ tiến hành rà soát các hộ bán RAT. Đối với 3 chợ còn lại là chợ đầu mối Long Biên, chợ rau Vân Nội, chợ Dịch Vọng Hậu sở dĩ chưa áp dụng các biện pháp quản lý ATTP đối với sản phẩm rau vì cho rằng đây không phải là chức năng của BQL chợ.
Bên cạnh đó, công tác quản lý ATTP với sản phẩm rau tại chợ bán buôn cũng gặp khó khăn do có quá nhiều ban, ngành cùng tham gia, cơ chế hành chính chồng chéo, thiếu hiệu quả. Thành phần ban chỉ đạo kiểm tra liên ngành là những cán bộ kiêm nhiệm từ các cơ quan, ban, ngành khác nhau và nhìn chung chỉ tổ chức các đoàn thanh tra liên ngành vào một số thời điểm trong năm như tết Nguyên đán, tháng phong trào vệ sinh ATTP…
Ngoài ra, một hạn chế khác là lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP của nước ta rất hạn chế, chỉ có khoảng 300 người. Trong khi đó, tại các quốc gia khác như Thái Lan, chỉ riêng thủ đô Bangkok đã có trên 5.000 cán bộ thanh tra về thực phẩm, Nhật Bản là 12.000 người…
Chính sự kiểm soát lỏng lẻo của cơ quan chức năng cộng với việc người mua, tiểu thương đều thờ ơ với rau sạch, nên mặt hàng này khó tìm được vị trí của mình ở các chợ đầu mối cũng như trên thị trường.
Minh An/ Petrotimes
Không có nhận xét nào: