» » Sớm ban hành quy trình quản lý bệnh đốm trắng thanh long

VINAGRI NewsThứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh vừa có buổi làm việc với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam về kết quả nghiên cứu và biện pháp phòng trừ bệnh đốm trắng trên cây thanh long.

Theo Thứ trưởng, thanh long là cây trồng đang có giá trị kinh tế cao nên vấn đề dịch bệnh xảy ra trong thời gian qua được lãnh đạo Bộ NN-PTNT đặc biệt quan tâm. Việc nghiên cứu để tìm ra giải pháp phòng trừ bệnh đốm trắng giúp nhà nông là một vấn đề rất cấp bách.

Thanh long nhiễm bệnh đốm trắng, nông dân méo mặt

Ông Nguyễn Thành Hiếu, đại diện nhóm nghiên cứu bệnh đốm trắng trên cây thanh long (Viện Nghiên cứu CĂQ miền Nam) cho biết: Bệnh đốm trắng trên cây thanh long còn gọi là bệnh đốm nâu, tắc kè… gây thiệt hại nghiêm trọng và có xu hướng ngày càng lan rộng. Bệnh do nấm N.dimidiatum gây ra. Bắt đầu xuất hiện rải rác vào năm 2008 tại Bình Thuận, Tiền Giang, từ 2011 trở lại đây thì bệnh tấn công mạnh và lây lan nhanh hơn. Mức độ bệnh xuất hiện ở các vườn dao động từ 20 - 25%, có vườn mất trắng làm tổn thất về kinh tế khá lớn.

Đến cuối 2013, bệnh đốm trắng gây hại tại Bình Thuận khoảng 1.200 ha, trong đó 800 ha nhiễm nhẹ, trung bình, 400 ha nhiễm nặng. Tại Tiền Giang diện tích nhiễm nhẹ, trung bình khoảng 2.420 ha, nhiễm nặng 80 ha. Tại Long An nhiễm nhẹ, trung bình 766 ha, nhiễm nặng 41 ha...

Bệnh gây hại trên bẹ non, nụ bông, trái non và giai đoạn chuẩn bị thu hoạch. Lúc đầu triệu chứng trên bẹ/trái là những chấm nhỏ li ti như kim, phát triển thành đốm tròn nhỏ màu trắng, vết bệnh trũng thấp so với bẹ, về sau vết bệnh có màu vàng cam và phát triển nhô lên những vết ghẻ màu nâu và đôi khi gây thối nhũn nếu bị bệnh tấn công nặng.

Trước thực trạng dịch bệnh ngày càng gây hại nghiêm trọng, Viện Nghiên cứu CĂQ miền Nam đã tiến hành nghiên cứu, khảo nghiệm bằng nhiều phương pháp khoa học, chuyển giao kỹ thuật và triển khai tập huấn “Quy trình quản lý tổng hợp sâu bệnh hại quan trọng trên thanh long” cho 480 nông dân ở Bình Thuận và 79 nông dân ở Tiền Giang.

Ngoài ra, Viện còn cử nhiều cán bộ đi kiểm tra, theo dõi định kỳ tại một số xã trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo, Tiền Giang. Đồng thời đưa ra quy trình “Quản lý bệnh đốm trắng trên thanh long tạm thời” để giúp nhà vườn nắm bắt và ứng dụng vào SX.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Viện Nghiên cứu CĂQ miền Nam đã đề xuất với Bộ NN-PTNT cho Viện tiếp tục nghiên cứu điều kiện phát sinh, phát triển của dịch bệnh đốm trắng, nghiên cứu biện pháp vệ sinh vườn, xây dựng và chuyển giao mô hình SX phân hữu cơ vi sinh, sử dụng thuốc BVTV… 

Đề nghị Bộ sớm ban hành quy trình quản lý bệnh đốm trắng tạm thời. Phân công nhiệm vụ triển khai công tác phòng chống bệnh cho các đơn vị. Ban hành một số loại thuốc BVTV trước mắt để phòng trừ kịp thời. Tổ chức tập huấn trên diện rộng và xây dựng mô hình quản lý bệnh theo từng vùng...

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo: Viện Nghiên cứu CĂQ miền Nam cần điều chỉnh bổ sung thêm vấn đề nghiên cứu canh tác tổng hợp vào đề tài nghiên cứu giống thanh long đang thực hiện. Bệnh đốm trắng thanh long là vấn đề "nóng" cần phải làm ngay, không nhất thiết chờ kết quả nghiên cứu cuối cùng.

Cục BVTV tập hợp kết quả nghiên cứu quy trình quản lý bệnh đốm trắng trên thanh long tạm thời của Viện Nghiên cứu CĂQ miền Nam, Viện BVTV và Trung tâm BVTV phía Nam để nhanh sớm đưa ra quy trình quản lý tạm thời trước 15/3/2014. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia bố trí kinh phí để tập huấn, chuyển giao quy trình quản lý dịch bệnh tạm thời tại Bình Thuận, Long An và Tiền Giang...

Thanh Phong/ Báo Nông nghiệp Việt Nam

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: