VINAGRI News - Trong khi nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã từng bước quy hoạch hoàn chỉnh và phân định rạch ròi giới hạn vùng nuôi từng loại tôm, thì vì lợi ích trước mắt, nhiều nơi nông dân đã “xé rào” nuôi tôm thẻ chân trắng ngay trên vùng quy hoạch tôm sú. Thậm chí, một số vùng ngọt cũng bị mặn hoá để nuôi tôm thẻ.
Ông Võ Hồng Ngoãn (Bạc Liêu) luôn theo đuổi mô hình nuôi tôm sú mật độ thưa.
Có tôm bán vẫn hơn không
Cuối năm ngoái, ông Phan Văn Mỹ, ở ấp Ba, xã Mỹ Long Nam (Duyên Hải – Trà Vinh) bắt đầu dè dặt nuôi tôm thẻ vì chưa hiểu kỹ thuật, vậy mà tới khi thu hoạch, chỉ với 2.000m2 ao nuôi đã thu về khoản tiền lời hơn 70 triệu đồng. Vụ nuôi mới đây, ông Mỹ tiếp tục thả nuôi hai ao tôm thẻ (6.000m2), nhưng ông bắt đầu cảm nhận được sự thất bại của loại tôm này. Dù kỹ thuật nuôi giống nhau, nhưng tôm ở một trong hai ao đã chết sớm. Tuy nhiên, “giá tôm nguyên liệu và sản lượng tôm thu được từ ao nuôi còn lại đã làm nên điều kỳ diệu”, ông Mỹ nói. Cách nay năm ngày, sau khi bán tôm ở ao còn lại, ông Mỹ còn lời 170 triệu đồng.
Là người nuôi tôm sú nhưng bị thất bại liên tục mấy năm liền, ông Phạm Văn Quắn ở ấp Bốn (xã Mỹ Long Nam) đã chuyển sang nuôi tôm thẻ hai vụ gần đây. Ông Quắn cho rằng, nuôi tôm thẻ dù chi phí cao gấp đôi tôm sú, nhưng người ta vẫn chọn nuôi tôm thẻ vì nếu dịch bệnh xảy ra khi tôm thẻ được khoảng hai tháng tuổi thì vẫn có thể huề vốn hoặc có chút tiền lời, còn nếu là tôm sú thì mất trắng. Chính vì vậy, diện tích nuôi tôm thẻ chỉ riêng ở ấp Ba hiện đã chiếm 60% diện tích cả đồng tôm vùng này. Chỉ có những người nuôi tôm ở các vùng thiếu điện như ông Dương Văn Út Ba (cuối ấp Bốn, Mỹ Long Nam) mới đành chịu đeo bám con tôm sú.
“Thấy người ta trúng tôm thẻ, đếm tiền mà tui thấy run mình hết trơn, nhưng ao nuôi của mình nằm ở vùng không có nguồn điện phục vụ chạy quạt nước nên phải đành chịu”, ông Út Ba nói.
Tỉnh Bến Tre đã công bố quy hoạch vùng nuôi các loại tôm từ mấy năm qua, nhưng quản lý việc thực hiện quy hoạch này là điều không dễ. Tại vùng ngọt hoá và phụ cận thuộc các xã Lộc Thuận, Phú Vang, Định Trung… (huyện Bình Đại), có không ít vườn dừa đã bị triệt hạ nhường chỗ cho các ao nuôi tôm thẻ. Ông Trần Văn Đức, phó chủ tịch hội nông dân xã Định Trung cho biết, lợi nhuận con tôm của xã này lên tới 122 tỉ đồng (năm 2011) đã mở đường cho tôm thẻ chiếm lĩnh gần như 100% diện tích nuôi tôm. “Từ đó tới nay, vụ nuôi nào cũng vậy, trong khi một số vùng bị thiệt hại, lỗ lã… thì cũng có những nơi thắng lớn”, ông Đức nhìn nhận.
Những nỗi lo
Theo UBND tỉnh Trà Vinh, trong tháng 1.2014, vùng nước lợ ước tính có khoảng 4.888ha đã thả tôm giống, trong đó có 2.674ha tôm sú, 412ha tôm thẻ chân trắng. Điều đáng chú ý là, cùng thời gian này chưa tới 1ha tôm sú bị thiệt hại thì diện tích tôm thẻ bị chết non đã lên tới gần 100ha.
Trước đó, tại hội nghị tổng kết ngành thuỷ sản năm 2013 của Trà Vinh, tổng cục Thuỷ sản đã dự báo, việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên thế giới sẽ phục hồi trong năm 2014 ở một số nước như: Trung Quốc, Thái Lan… Cùng lúc này, phong trào nuôi tôm thẻ trong nước đang phát triển rầm rộ, vượt quy hoạch. Song song với việc cảnh báo giá cả sẽ giảm trở lại, dịch bệnh cũng là vấn đề đáng lo ngại. Ông Trương Phước An, người nuôi tôm sú ở ấp Láng Cháo, xã Dân Thành (Duyên Hải – Trà Vinh), băn khoăn: “Xã có khoảng 2/3 diện tích vùng nuôi đã chuyển sang nuôi tôm thẻ. Thực tế này là mối đe doạ cho những người theo đuổi con tôm sú”. Theo ông An, nhiều người nuôi chưa hiểu biết nhiều về tôm thẻ, nhưng thấy người khác nuôi đạt đã vội chạy theo là điều hết sức nguy hiểm cho chính họ và cho cả vùng nuôi.
Người theo đuổi nghiệp nuôi tôm sú mật độ thưa, ông Võ Hồng Ngoãn (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), cho rằng, dịch bệnh khu vực châu Á khiến tôm nguyên liệu thiếu trầm trọng. Giá tôm vì vậy đã tăng cao ngất ngưởng, nhất là tôm thẻ chân trắng. Cùng lúc này, người nuôi tôm sú thất bại đa phần chuyển sang nuôi tôm thẻ, chạy theo đặc tính thời gian nuôi ngắn, sản lượng nuôi lớn – theo “khuyến dụ” của những nhà kinh doanh con giống, thuốc thú y thuỷ sản. Kết cục, tôm thẻ chân trắng vẫn không tránh khỏi hội chứng chết sớm.
Theo ông Ngoãn, chuyên gia Soraphat panakorn (Thái Lan) từng đưa ra phép so sánh, tôm thẻ chân trắng được ví như “cô gái yếu đuối” cần được chăm sóc cẩn thận hơn so với tôm sú – “chàng trai khoẻ mạnh”. “Người nuôi cần tránh suy nghĩ đơn giản là khi nuôi tôm sú thất bại thì chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ thành công”, chuyên gia Soraphat panakorn nhấn mạnh. Ông Ngoãn phân tích, chi phí đầu tư tôm thẻ chân trắng cao gấp 3 – 4 lần so tôm sú; mật độ thả trung bình từ 50 – 100 con/m2. Khi nuôi mật độ cao, tiêu thụ thức ăn nhiều kèm theo chất thải nhiều, sử dụng sản phẩm thuốc thú y thuỷ sản cũng nhiều, ô nhiễm môi trường cao là những nguy cơ làm phát sinh mầm bệnh. Ông Ngoãn khẳng định: “Nuôi tôm thẻ chân trắng đòi hỏi điều kiện hạ tầng ở mức hoàn chỉnh hơn hiện tại”. “Nếu nói tôm thẻ chân trắng ít mầm bệnh, dễ nuôi hơn tôm sú thì các nước đang bị dịch bệnh hoành hành như: Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia và mới đây nữa là Ấn Độ… họ đã khống chế dịch thành công từ lâu rồi, sốt giá nguyên liệu đã không xảy ra”, ông Ngoãn đặt vấn đề.
Là người có bề dày kinh nghiệm với con tôm sú nhưng cũng không ít lần thất bại, theo ông Ngoãn, người nuôi tôm rất cần được tiếp cận với những thông tin đầy đủ, chính xác. Các nhà quản lý cần công bố rộng rãi cho người nuôi về diện tích nuôi, mô hình, loại tôm nuôi. Sau mỗi vụ nuôi cần có phân tích rõ nguyên nhân và thông báo cụ thể số hộ, diện tích, vùng nuôi… thành công và thất bại của từng địa phương. Đó chính là cơ sở để người nuôi xác định phương hướng đầu tư, đồng thời những người nuôi ít vốn hoặc đang còn vướng nợ nần cũng có điều kiện để tham khảo và cảnh giác với các thủ thuật làm mê hoặc nông dân mà những nhà quản lý chưa thể kiểm soát hết.
Bài và ảnh: Ngọc Tùng/ Báo SGTT
Không có nhận xét nào: