» » Nâng cao chất lượng gạo là điều kiện sống còn

VINAGRI NewsSau hàng loạt những tín hiệu không vui từ thị trường thế giới, xuất khẩu gạo của Việt Nam năm nay được dự báo là khó khăn hơn nhiều những năm qua. NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Sơn Hà (ảnh), Phó TGĐ Tổng Cty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) xung quanh những giải pháp đối phó với những khó khăn từ thị trường.


Được biết, hiện vụ đông xuân ở ĐBSCL đang chuẩn bị thu hoạch và sẽ được mùa. Ông có cho rằng việc này sẽ gây áp lực lên giá lúa gạo?

- Thực tế, vụ đông xuân ở ĐBSCL tuy được mùa nhưng lại chậm hơn so với mọi năm. Mọi năm thì khoảng giữa tháng 2 là đã thu hoạch xong. Nhưng năm nay do ảnh hưởng của những trận lũ lụt từ năm ngoái, nên việc gieo sạ của bà con nông dân chậm, chắc đầu tháng 3 mới thu hoạch lúa. Hiện ở ĐBSCL lúa nguyên liệu tồn kho là không nhiều.

Việc được mùa ở ĐBSCL khiến cho nguồn cung gạo trong nước tăng lên, trong khi nguồn cầu chưa có nhiều chuyển biến. Việc này đương nhiên ảnh hưởng đến việc thu mua gạo của nông dân cũng như giá XK của DN.

Có thông tin Thái Lan đang chuẩn bị xả hàng tồn kho với hơn chục triệu tấn, giá lại thấp. Ông đánh giá thế nào?

- Trong thời gian sắp tới, chúng tôi dự báo tình hình tiêu thụ gạo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thái Lan, do biến động chính trị, nên họ đang có kế hoạch giải phóng hàng tồn kho khoảng 16 triệu tấn gạo giá thấp, chỉ khoảng 370-380 USD/tấn, gạo 5% tấm. Trong khi đó, gạo Việt Nam đang bán tại các thị trường truyền thống là 400-410 USD/tấn.

Các thị trường lớn của Việt Nam như Philippines, Indonesia, Malaysia cũng chưa có kế hoạch NK gạo từ Việt Nam. Trong khi đó, thị trường thương mại của Việt Nam như châu Phi thì chưa thật ổn định.

Còn việc XK tiểu ngạch cho đến thời điểm này diễn ra thế nào, thưa ông?

- Nếu như mọi năm ở thời điểm này, việc XK qua đường tiểu ngạch (thương mại biên giới) tương đối thuận lợi do nguồn cung sẵn, nhu cầu của bạn hàng cũng cao. Tuy nhiên, năm nay, như đã nói ở trên, do vụ đông xuân bị chậm nên nguồn gạo trong nước ít. Ở một số cửa khẩu, do phía bạn đóng cửa biên giới nên việc giao hàng cũng khó khăn.

Để đẩy mạnh thương mại biên giới trong thời gian tới, đón đầu nguồn cung gạo trong nước, hiện Vinafood 1 đang bàn với các đơn vị thành viên ở vùng có cửa khẩu thúc đẩy đàm phán với bạn hàng để XK gạo.

Ngoài việc XK tiểu ngạch, Vinafood 1 có những giải pháp gì để đối phó với những khó khăn trong năm 2014, thưa ông?

- Tổng Cty đang cố gắng để duy trì các thị trường truyền thống như Cu-ba, Trung Quốc, Haiti… Bên cạnh đó đẩy mạnh xúc tiến thương mại sang các thị trường tiềm năng. Ngoài ra, Vinafood 1 đang tập trung xây dựng thương hiệu gạo riêng của DN gắn với vùng nguyên liệu và sản xuất theo chuỗi. Đồng thời, tiếp tục phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn tại Đồng Tháp và Nam Định.

Chúng tôi cho rằng, những năm trước đây, thế mạnh của Việt Nam là XK gạo cấp thấp, giá cạnh tranh. Nhưng sắp tới, chúng ta nên đầu tư vào những giống lúa chất lượng cao để nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo, đây là điều kiện sống còn trong việc XK gạo.

Đối với Bộ NN-PTNT, chúng tôi đề nghị nên chỉ đạo các DN, nông dân tập trung trồng lúa chất lượng cao, tạo thương hiệu cho gạo Việt Nam nói chung và thương hiệu XK cho các DN nói riêng.

Đối với Bộ Công thương, cần tạo điều kiện cho các DN về cơ chế XK, tăng cường xúc tiến thương mại, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia Hiệp định TPP, bởi lúc đó, khi có gạo chất lượng cao, chúng ta mới đáp ứng được tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Mexico…

Năm 2013, Vinafood 1 XK được 730 nghìn tấn gạo, chiếm hơn 10% tổng lượng XK gạo của cả nước. Từ đầu năm đến nay, DN cũng đã ký và sẽ giao trong quý I được 150 nghìn tấn. Thời điểm này, TCty đang thực hiện cấp gạo đi các thị trường tập trung hiện có như Cu-ba, Trung Quốc, đồng thời khai thác tối đa các thị trường thương mại, nơi chiếm khoảng 50% lượng gạo XK của TCty.

Tân Yên/ Báo Nông nghiệp Việt Nam

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: