VINAGRI News - Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) mới đây đã họp tại Hà Nội và thông báo năm 2013 đã có trên 18 triệu nông dân ở 27 nước trồng cây biến đổi gen, tăng 5 triệu ha, tương đương 3% diện tích canh tác cây biến đổi gen toàn cầu.
Năm 2013 cũng đánh dấu việc đưa vào canh tác đại trà lần đầu tiên trên thế giới đối với ngô chịu hạn (được trồng ở Mỹ). Mỹ cũng là quốc gia tiếp tục đứng đầu về diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen với 70,2 triệu ha, chiếm 40% diện tích canh tác cây biến đổi gen trên toàn cầu.
Tổng diện tích lũy kế cây biến đổi gen trên toàn thế giới tới nay là 1,6 tỷ ha tương đương gấp rưỡi diện tích của một nước rộng bao la như Trung Quốc. Mỗi một nước trong số 10 quốc gia canh tác hàng đầu về cây trồng biến đổi gen năm 2013 đều có diện tích trồng trên một triệu ha chứ không còn “rón rén” như trước đây.
Đoàn nhà báo Việt Nam thăm ngô chuyển gen ở Mỹ
Trong số các nước canh tác cây trồng biến đổi gen có 8 nước công nghiệp và 19 nước đang phát triển. Đây là năm thứ hai diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen của các nước đang phát triển nhiều hơn so với các nước công nghiệp cho thấy sự tự tin của hàng triệu nông dân trên toàn thế giới. Phần đa nông dân thử trồng loại cây mới này đều tiếp tục trồng chúng cho các mùa vụ tiếp theo.
Trở lại thông tin về cây trồng chuyển gen chịu hạn, khoảng 2.000 nông dân ở vùng trồng ngô Corn Belt của Mỹ nơi thường bị hạn hán tàn phá mùa màng đã quyết định trồng 50.000 ha ngô biến đổi gen có khả năng chịu hạn đầu tiên trên thế giới. Công nghệ ngô biến đổi gen chịu hạn cũng đã được tặng cho châu Phi thông qua một dự án tài trợ bởi quỹ của những tỉ phú hàng đầu thế giới: Quỹ Gates và Buffet.
Dự kiến việc trồng ngô biến đổi gen chịu hạn ở châu Phi sẽ được thực hiện vào năm 2017 và có thể giúp cho hàng trăm triệu người ở lục địa đen này một hi vọng mới trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu mỗi lúc một khắc nghiệt hơn.
Một tin sốt dẻo nữa, Indonesia - nước đông dân thứ tư trên thế giới đã cho phép trồng mía biến đổi gen chịu hạn đầu tiên và có kế hoạch đưa loại cây trồng này ra canh tác đại trà vào năm 2014.
Trung Quốc chuyển mình
Từ năm 1996 đến năm 2012, cây bông biến đổi gen ở Trung Quốc đã làm lợi cho kinh tế trên 15 tỷ USD, riêng năm 2013 đạt 2,2 tỷ USD. Bông biến đổi gen đem lại những lợi ích quan trọng cho nông dân và môi trường ở Trung Quốc như giảm khoảng 50% lượng thuốc trừ sâu và tăng thu nhập cho nông dân trên cùng một diện tích canh tác.
Một số nhà quan sát dự đoán Trung Quốc có thể sớm mở đường cho việc phê chuẩn một số cây trồng biến đổi gen như ngô phytase - giống ngô đã nhận được phê duyệt về an toàn sinh học năm 2009. Nước này cũng có khả năng thúc đẩy mạnh mẽ cuộc cách mạng biến đổi gen đối với cây lúa nước - một cây lương thực quan trọng hàng đầu ở châu Á.
Lý do là TQ muốn bớt phụ thuộc vào nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu để duy trì 500 triệu con lợn và 13 tỷ con gia cầm như hiện nay.
Tăng trưởng diện tích cây trồng biến đổi gen ở các nước công nghiệp tiếp tục đi ngang do tỷ lệ áp dụng đã duy trì ở mức 90% hoặc cao hơn, ít cơ hội cho việc tăng thêm nhưng lại tăng tốc nhanh ở các nước đang phát triển, điển hình là Brazil. Nước này liên tục thu hẹp khoảng cách diện tích trồng cây biến đổi gen với Mỹ.
Cùng với “đầu tàu” Brazil diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen ở các nước đang phát triển tiếp tục mở rộng với tỷ trọng nông dân Mỹ La tinh, châu Á và châu Phi trồng lên tới 54% trong tổng diện tích canh tác cây biến đổi gen toàn cầu (tăng 2% so với năm 2012). Chênh lệch về diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen giữa các nước công nghiệp và các nước đang phát triển từ khoảng 7 triệu ha năm 2012 đã lên đến 14 triệu ha vào năm 2013.
Tính chung Nam Mỹ đã trồng 70 triệu ha, chiếm 41%; châu Á trồng 20 triệu ha, chiếm 11% và châu Phi trồng hơn 3 triệu ha, chiếm 2% diện tích canh tác cây trồng biến đổi gen. Thành công của cây trồng biến đổi gen ở các nước đang phát triển thường được giải thích là do quan hệ đối tác công tư.
Ví dụ, Brazil hợp tác với Tập đoàn BASF đã phát triển, và được phê duyệt loại đậu tương chống chịu thuốc diệt cỏ, sẵn sàng cho thương mại hóa. Không kém cạnh đối thủ ngoại, Cty EMBRAPA ở Brazil sử dụng hoàn toàn các nguồn tài nguyên nội địa cũng kịp thời phát triển loại đậu tương kháng virus của riêng mình.
Phá vỡ thế bế tắc
Các nước đang phát triển tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa cây trồng biến đổi gen. Các đặc tính cây trồng biến đổi gen mới liên tục được các quốc gia này phê duyệt trong năm 2013. Được coi là mẫu hình cho các nước nhỏ và nghèo khác, Bangladesh đã phá vỡ bế tắc của quá trình phê duyệt để thương mại hóa cà tím biến đổi gen thông qua đối tác với một công ty Ấn Độ (Cty Mahyco).
Khảo nghiệm ngô biến đổi gen ở Việt Nam
Giống cà này được trồng trên diện tích 50.000 ha bởi 150.000 nông dân. Trước đây sâu đục quả và đục rễ là nguyên nhân làm giảm 2/3 sản lượng cà tím dù nông dân đã phun thuốc rất nhiều lần. Giảm 70-90% lượng thuốc BVTV đối với cây này và tăng 30% sản lượng đã giúp đem lại lợi nhuận 1.870 USD/ha cho nông dân nơi đây.
Bangladesh cũng đang theo đuổi việc phê chuẩn gạo vàng và khoai tây biến đổi gen. Tại châu Phi, diện tích bông biến đổi gen của Burkina Faso và Sudan tăng mạnh, tương ứng là 50% và 300%. Ngoài ra 7 quốc gia khác đang tiến hành thử nghiệm thực địa cây trồng biến đổi gen ở những bước cuối cùng trước khi cho phép đưa ra canh tác đại trà gồm Cameroon, Ai Cập, Ghana, Kenya, Malawi, Nigeria và Uganda.
Ở “lục địa già” châu Âu, diện tích cây trồng biến đổi gen khiêm tốn đã tăng lên 15% trong vòng một năm trong đó Tây Ban Nha vẫn dẫn đầu châu Âu với diện tích trồng kỷ lục 136.962 ha, tăng 18% so với năm 2012. Romania duy trì diện tích trồng tương tự năm 2012, Bồ Đào Nha, Séc và Slovakia trồng ít hơn năm 2012... (Theo ISAAA đánh giá là do trở ngại về thủ tục của Châu Âu đối với người trồng)
Lợi ích thấy rõ
ISAAA cho biết từ năm 1996 đến năm 2012, trên phạm vi toàn cầu cây trồng CNSH đã có những đóng góp tích cực thông qua: Giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất (ước tính khoảng 377 triệu tấn) trị giá 117 tỷ USD; Đem lại lợi ích cho môi trường bằng cách loại bỏ 497 triệu kg thuốc trừ sâu, giảm 27 tỷ kg CO2 phát thải (tương đương với việc loại bỏ 12 triệu xe ô tô trên đường trong một năm); Bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách tiết kiệm 123 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp.
Giúp xóa đói giảm nghèo bằng cách giúp đỡ cho 16,5 triệu nông dân nhỏ và gia đình họ, tổng số hơn 65 triệu người…
+ Việc thiếu hệ thống quản lý thích hợp dựa trên khoa học và tiết kiệm chi phí, thời gian tiếp tục là trở ngại chính đối với việc áp dụng cây trồng biến đổi gen ở châu Phi và toàn thế giới.+ Cây trồng biến đổi gen đang minh chứng giá trị toàn cầu như một công cụ cho những nông dân nghèo, những người phải đối mặt với nguồn cung cấp nước giảm và áp lực gia tăng về cỏ dại, sâu bệnh cùng với biến đổi khí hậu.
Dương Đình Tường/ Báo Nông nghiệp Việt Nam
Không có nhận xét nào: