» » » Không thay đổi, ngành mía đường sẽ “chết”

VINAGRI NewsĐại diện cho các DN, Hiệp hội mía đường Việt Nam đã “lên tiếng” phản đối quyết định chỉ cho XK đường RS mà không cho XK đường RE của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, dù có được giải quyết bế tắc này đi chăng nữa, nếu không có sự “lột xác” thì nguy cơ ngành mía đường sẽ “chết” vẫn  đến rất gần.

Năng suất mía Việt Nam vào diện thấp nhất trong khu vực. Ảnh: ST

Siết xuất khẩu

Mới đây, Bộ Công Thương đã có công văn gửi UBND tỉnh Lào Cai về việc bán và trao đổi mặt hàng đường niên vụ 2013 - 2014 qua cửa khẩu phụ Bản Vược (Bát Xát - Lào Cai). Theo công văn này, trước mắt Bộ Công Thương chỉ cho phép các DN được bán, trao đổi đường kính trắng RS, còn đường RE sẽ cho phép khi đã đảm bảo đủ nhu cầu sản xuất trong nước.

Thời gian thực hiện đến hết ngày 30-6-2014 hoặc khi có cân đối chính thức cung cầu của Bộ NN&PTNT khi vụ 2013 - 2014 kết thúc. Cũng theo công văn này, Bộ Công Thương cho phép 10 DN thương mại XK tổng cộng 200.000 tấn đường RS. Đặc biệt, để đảm bảo việc quản lý chặt chẽ và tránh bị lợi dụng, vụ mía đường năm 2013 - 2014, Bộ này chỉ cho phép tối đa 15 DN thương mại được tham gia bán, trao đổi mặt hàng đường qua cửa khẩu phụ Bản Vược.

UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục thẩm định hồ sơ và giới thiệu bổ sung các DN đủ điều kiện, đồng thời giám sát không tiếp tục cấp phép cho DN có vi phạm, kiểm tra chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ, chủng loại và số lượng đường khi thực hiện bán và trao đổi qua biên giới.

Lý do khi đưa ra quyết định này được Bộ Công Thương lý giải là nhằm đảm bảo đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước bởi hiện nay các DN trong nước thường sử dụng đường RE để chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, các DN mía đường đã kịch liệt phản đối quan điểm quản lý này của Bộ Công Thương.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), việc ngừng XK đường tinh luyện RE để đảm bảo sản xuất trong nước sẽ tạo sự không công bằng giữa các DN trong nước. Bởi lẽ, nếu các DN sản xuất sử dụng đường có nhu cầu dự trữ làm nguyên liệu để sản xuất, chế biến các sản phẩm thì việc dự trữ này phải do chính các DN thực hiện. Các DN sản xuất đường tinh luyện không có vai trò đi trữ đường giúp cho các nhà sản xuất trong nước, trong khi đang chịu gánh nặng lớn về tồn kho và lãi suất.

Hơn thế, ông Long cho rằng, sự “phân biệt, đối xử” giữa DN sản xuất và DN tiêu thụ đường không chỉ gây khó khăn cho ngành đường mà còn khiến cho các DN đường đứng trước nguy cơ bị thiệt hại lớn và càng đẩy ngành đường đi vào khó khăn. Nếu chỉ cho xuất đường RS mà không cho xuất đường RE thì càng gây tình trạng ế ẩm, tồn kho lớn của đường RE, buộc các DN phải tung hàng ra bán trên thị trường nội địa với giá thấp.

Việc này sẽ đẩy giá đường tụt xuống, bán bằng với giá đường RS, gây thiệt hại lớn cho nhà máy sản xuất đường RE. Trong khi đó, các khách hàng nước ngoài đều có nhu cầu NK cả 2 loại đường trên, nên VSSA cho rằng cần căn cứ vào mức giá bán nào có lợi cho DN để có chính sách tiêu thụ phù hợp.

Không thể “cứu” bằng chính sách

Theo số liệu của VSSA, tổng nguồn cung vụ đường năm 2013 - 2014 dự kiến là hơn 2 triệu tấn, trong khi ước tiêu thụ chỉ khoảng 1,4 triệu tấn, nên lượng đường dư thừa sẽ lên đến khoảng 646.080 tấn, chưa kể lượng đường nhập lậu khá lớn cũng sẽ làm mức dư thừa tăng cao hơn.

Trong khi đó, lượng đường tinh luyện RE dự kiến sản xuất trong niên vụ này là 594.000 tấn, chiếm 37,12%, chưa kể đường tồn kho. Do vậy, VSSA đã đề nghị Bộ NN&PTNT kiến nghị với Bộ Công Thương được xuất khoảng 500.000 - 600.000 tấn đường. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho đường có nguồn gốc sản xuất trong nước xuất qua cửa khẩu phụ Bản Vược, DN đường cho rằng cần hạn chế và không nên cho đường tạm nhập - tái xuất tranh giành cửa xuất này.

Chưa biết quyết định của Bộ Công Thương có gì thay đổi để giải thoát cho các DN mía đường hay không nhưng những khó khăn mà ngành mía đường đang gặp phải xuất phát từ chính sự yếu kém của ngành mà một giải pháp mang tính hành chính sẽ không giải quyết nổi.

Vấn đề cốt lõi khiến ngành mía đường rơi vào tình cảnh “thê thảm” là do năng suất rất thấp, trữ lượng đường rất thấp trong khi chi phí đầu tư cao mặc dù chính sách hỗ trợ ngành mía đường đã được Chính phủ giải quyết (chính sách tài chính, giải quyết nguồn vốn hỗ trợ, không phải vay lãi suất cao...).

Về năng suất, mía đường Việt Nam thuộc loại thấp trong khu vực. Trong khi ở Quảng Tây (Trung Quốc) và Thái Lan thường đạt năng suất hơn 100 tấn mía cây/ha, thu về hơn 100 triệu đồng/ha thì Việt Nam vẫn lẹt đẹt từ 50-60 tấn/ha. Về giá thành, giá đường Việt Nam luôn ở mức cao hơn so với đường Thái Lan từ 10 đến 30%.

Trong hội nghị tổng kết ngành Công Thương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng tỏ ra lo ngại đối với vấn đề bảo hộ DN trong nước. Dẫn chứng từ ngành mía đường, Thủ tướng nói: “Chống buôn lậu chỉ là ngọn, gốc rễ vấn đề là chúng ta làm sao cạnh tranh được khi đường làm ra chất lượng thấp. Làm sao kêu Chính phủ bảo vệ được trong khi mình năng suất mía chỉ đạt 60-70 tấn/ha còn các nước là hàng trăm tấn/ha”.

Như vậy, dù có được tiếp tục XK đường RE thì đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời chứ không thể là giải pháp lâu dài để “cứu” ngành mía đường, nhất là đến năm 2015 khi thuế XNK đường bằng 0% (Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN-AFTA có hiệu lực). Việc cần làm nhất của DN ngành mía đường lúc này là đổi mới công nghệ, hạ giá thành sản xuất, đầu tư vùng nguyên liệu để có được mía chất lượng, năng suất cao, từ đó hạ giá thành từ trồng trọt đến sản xuất đường.

Phan Thu/ Báo Hải Quan

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: