VINAGRI News - Năm 2013, giá cao su tự nhiên giảm mạnh, đồng thời nguồn cung cao su trên thế giới tiếp tục vượt cầu khiến cho các DN cao su tự nhiên gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, nhóm ngành săm lốp lại hưởng lợi khá lớn từ những biến động này, giúp cho lợi nhuận cả năm có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Khai thác cao su tự nhiên. Ảnh: ST.
Việt Nam có lợi thế về nguồn nguyên liệu cao su tự nhiên dồi dào, giá nhân công rẻ, thuế xuất khẩu săm lốp là 0%, trong khi thuế xuất khẩu của Trung Quốc- quốc gia xuất khẩu săm lốp lớn nhất thế giới là 8%. Hiện các DN săm lốp của Việt Nam đang xuất khẩu sang 122 nước trên thế giới, trong đó đứng đầu là thị trường Mỹ (23,3%).
DN cao su tự nhiên giảm lãi
Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý IV-2013 của Công ty CP Cao su Hòa Bình (HRC), năm 2013, mặc dù mảng hoạt động kinh doanh chính của HRC vẫn duy trì doanh thu trên 400 tỷ đồng, nhưng lãi thuần chỉ ở mức ít ỏi 2,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhờ hoạt động khác, cụ thể là việc thanh lý cây cao su, đã mang lại lợi nhuận đáng kể cho công ty trong năm vừa qua, đạt 79,2 tỷ đồng lợi nhuận khác, vực dậy kết quả kinh doanh trong kỳ. Cuối năm 2013, HRC liên tục đưa ra nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thanh lý cây cao su già. Kết quả HRC lãi ròng 65 tỷ đồng trong năm 2013, giảm 26,8% so với năm 2012.
Trước đó, trong năm 2012, lợi nhuận của HRC cũng chủ yếu đến từ hoạt động khác. Kết thúc năm công ty thực hiện 95,4% kế hoạch lợi nhuận đã được Đại hội cổ đông thường niên thông qua.
Tương tự, Công ty CP Cao su Thống Nhất (TNC) cũng chỉ đạt 40 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 50% so với năm 2012. Tại các công ty khác, lợi nhuận cũng sụt giảm khá cao so với năm trước. Cụ thể, Công ty CP Cao su Tây Ninh (TRC) giảm 33% so với năm 2012; Công ty CP Cao su Đồng Phú (DPR) giảm 29%, Công ty CP Cao su Phước Hòa (PHR) giảm 37%.
Theo đánh giá của các DN, giá cao su sụt giảm chính là nguyên nhân chính tác động khiến lợi nhuận sụt giảm. Trước tình hình đó, nhiều công ty cao su đã liên tục điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận và giá bán. Cụ thể, PHR điều chỉnh giá bán từ 62 triệu đồng/tấn xuống còn 51,3 triệu đồng/tấn; lợi nhuận trước thuế giảm từ 500 tỷ đồng xuống còn 354 tỷ đồng.
DPR cũng giảm giá bán cao su bình quân 10 triệu đồng/tấn so với kế hoạch ban đầu (từ 62 triệu đồng/tấn xuống 52 triệu đồng/tấn), lợi nhuận trước thuế điều chỉnh giảm từ 515 tỷ đồng xuống 320 tỷ đồng. TNC cũng thực hiện 2 lần điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận trước thuế từ 43 tỷ đồng xuống 40 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), trong các năm tới, ngành cao su thiên nhiên sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Với thực trạng chênh lệch cung cầu hiện vẫn đang ở mức cao, sự sụt giảm của giá cao su thiên nhiên dự báo sẽ tiếp tục kéo dài. Tuy nhiên, với các chính sách can thiệp của các nước sản xuất lớn đi kèm với việc sức cầu có thể phục hồi nhẹ, mức giảm của giá cao su sẽ không mạnh như các năm qua.
Săm lốp hồ hởi báo lãi
Trong khi các DN cao su tự nhiên rơi vào cảnh lợi nhuận teo tóp thì các DN săm lốp lại hồ hởi báo lãi với mức lợi nhuận khả quan, vượt xa kế hoạch đã đề ra. cả 3 DN ngành săm lốp niêm yết trên sàn chứng khoán là Công ty CP Cao su Sao Vàng (SRC), Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) và Công ty CP Cao su Miền Nam (CSM) cùng đạt kết quả kinh doanh khả quan với mức lợi nhuận vượt xa kế hoạch đã đề ra.
Theo kết quả kinh doanh quý IV-2013 của SRC, doanh thu bán hàng trong kỳ của công ty giảm nhẹ 0,7% so với quý IV-2012, nhưng nhờ giá vốn hàng bán giảm tới trên 5% nên lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt tới 50 tỷ đồng, tăng 22% so với quý IV-2012.
Cùng với đó, chi phí tài chính trong kỳ giảm gần một nửa chủ yếu do chi phí lãi vay ngân hàng giảm đã giúp lợi nhuận trước thuế trong kỳ của công ty đạt tới 18,5 tỷ đồng, tăng 32% so với quý cùng kỳ năm trước. Lũy kế cả năm, SRC thu về 87 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 36% so với năm 2012. Với kết quả này, SRC đã vượt gần 34% kế hoạch lợi nhuận trước thuế đã được đại hội cổ đông thông qua hồi đầu năm 2013.
Tương tự, Công ty CP Cao su Miền Nam (CSM) cũng đạt 360 tỷ đồng trong năm 2013, tăng 42% so với năm 2012. Lợi nhuận trước thuế của CSM vượt 75% kế hoạch năm và đạt 481 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2012. Công ty CP Cao su Đà Nẵng cũng đạt 500,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 20% so với năm 2012 và vượt 20% kế hoạch đề ra.
Theo đánh giá của BSC, hiện tại, năng lực của các DN trong nước đủ cung cấp cho thị trường nội địa đối với các dòng sản phẩm săm lốp xe đạp và xe máy; trong khi nguồn cung các sản phẩm săm lốp ô tô tải và săm lốp ô tô con chủ yếu đến từ các DN nước ngoài.
Trong thời gian tới, sau khi dự án nhà máy mới của DRC (khánh thành ngày 29-6-2013) và CSM (dự kiến đi vào hoạt động từ quý I-2014) đi vào hoạt động, dự kiến công suất sản xuất săm lốp ô tô sẽ tăng thêm 1,6 triệu lốp/năm, đáp ứng nhu cầu trong nước, giảm nhập khẩu và hướng tới thị trường xuất khẩu.
Nguyễn Hiền/ Báo Hải Quan
Không có nhận xét nào: