VINAGRI NewsNhững diễn biến gần đây về lượng gạo tồn kho ở Thái Lan và kho dự trữ lớn ở Ấn Độ cho thấy, cán cân cung - cầu lúa gạo thế giới đang nghiêng về phía các quốc gia nhập khẩu gạo. Như vậy, rất khó để giá gạo thế giới trong năm nay không giảm. Thế nhưng, cũng manh nha có những yếu tố hỗ trợ giá gạo thế giới. Vì vậy, việc bắt kịp tín hiệu thị trường là điều cần thiết.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn ở Đồng Tháp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Thái Lan "đại náo" thị trường gạo thế giới?

Gần đây, có ý kiến cho rằng, Thái Lan sẽ buộc phải bán tháo số gạo tồn kho mà Chính phủ nước này đã mua theo chương trình trợ giá lúa gạo để giải phóng kho chứa và trả tiền cho nông dân, cho nên xuất khẩu gạo của nước ta năm 2014 này sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Thái Lan ở thị trường Trung Quốc. Còn ở thị trường châu Phi, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ do có kho gạo dự trữ khổng lồ. Tuy nhiên, tình hình có thể không đến nỗi bi đát như vậy.

Trong vòng gần 29 tháng qua, Chính phủ Thái Lan đã chi khoảng 27 tỉ đô la Mỹ để mua 55 triệu tấn lúa, tương ứng với hơn 35 triệu tấn gạo.

Thế nhưng, tính đến hết năm 2013, tổng lượng gạo xuất khẩu được chỉ hơn 15 triệu tấn, cho nên chỉ mới thu được 10,2 tỉ đô la Mỹ.Ngoài ra, hơn ba phần tư kho gạo dự trữ khổng lồ của Thái Lan vào cuối năm 2013 là gạo trắng rất khó bán, mặc dù Thái Lan đã phải “đại hạ giá” xuống chỉ còn bằng trên dưới 70% mức giá kỳ vọng 750-800 đô la Mỹ/tấn (giá xuất khẩu để không bị lỗ).

Nếu ai đó nói rằng, năm 2013 chúng ta đã phải cạnh tranh quyết liệt với Thái Lan trong xuất khẩu gạo thì chỉ đúng “chút xíu”, vì khoảng cách giá cả so với của nước ta trong cả 10 tháng đầu năm vẫn còn quá “mênh mông”.

Mặc dù vậy, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là, với kho gạo trắng dự trữ có thể đáp ứng khoảng 40% nhu cầu nhập khẩu của thế giới trong năm nay, liệu Thái Lan có tiếp tục giảm mạnh giá gạo trắng của mình hay không?

Nếu cứ nhìn vào kho gạo dự trữ thì đó là điều khó tránh khỏi, nhưng cũng có thể không hẳn như vậy.Trước hết, trên bình diện tổng thể, càng giảm mạnh giá bao nhiêu thì chính người Thái càng thua thiệt lớn bấy nhiêu. Đây là điều mà chính phủ mới nào của Thái Lan chắc chắn cũng phải cân nhắc.

Do vậy, có thể là Thái Lan sẽ chấp nhận giảm mạnh giá gạo trắng dự trữ lâu ngày, chất lượng bị giảm, nhưng vẫn giữ giá gạo mới và gạo vẫn bảo đảm chất lượng.

Bên cạnh đó, người Thái cũng còn hai lựa chọn khác để giảm áp lực cho giá gạo của mình. Đó là, với tập quán thích sử dụng gạo cũ hơn là gạo mới, vì gạo cũ cho cơm cứng hơn, còn cơm từ gạo mới quá mềm, cho nên Thái Lan sẽ chủ yếu xuất khẩu gạo mới, còn gạo cũ sẽ tập trung tiêu thụ trong nước, bởi tổng tiêu thụ gạo chiếm hơn 50% tổng sản lượng hàng năm.

Ngoài ra, Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan cho rằng, thay vì tăng tốc xuất khẩu và chịu thua thiệt về giá lớn hơn nữa, các nhà quản lý nên mạnh tay bán gạo cũ để sản xuất thức ăn chăn nuôi, hoặc sản xuất ethanol. Đây là điều không có gì lạ ở Thái Lan.

Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, vì lợi ích quốc gia, Thái Lan sẽ cố gắng tăng tốc xuất khẩu gạo, nhưng sẽ tiến hành một cách cẩn trọng, chứ không bán tháo để làm “sụp đổ” thị trường gạo thế giới và “tự bắn vào chân mình”. Đây rất có thể là nguyên nhân quan trọng khiến Bộ Nông nghiệp Mỹ đến thời điểm này cho rằng, niên vụ này Thái Lan sẽ chỉ xuất khẩu 8,5 triệu tấn, cũng có nghĩa là Chính phủ Thái Lan sẽ phải mất nhiều năm nữa mới giải tỏa hết kho gạo dự trữ khổng lồ hiện nay.

Xuất khẩu gạo Ấn Độ sẽ "hạ nhiệt"?

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, việc Thái Lan áp dụng chính sách trợ giá lúa gạo thái quá dẫn tới những thua thiệt quá lớn cho chính mình, còn Ấn Độ thì được hưởng lợi hầu như trọn vẹn, trong khi chúng ta không mấy “đụng hàng” với Ấn Độ và còn được lợi ở khu vực thị trường châu Á nhờ chính sách này của Thái Lan.

Chẳng hạn, sáu thị trường lớn ở Trung Đông và châu Phi là Nigeria, Bờ Biển Ngà, Nam Phi, Senegal, Iran, UAE đã nhập khẩu hơn 2,8 triệu tấn của Thái Lan và gần 2,8 triệu tấn của Ấn Độ năm 2011, nhưng hai năm vừa qua đã giảm nhập từ Thái Lan xuống chỉ còn 1,8 triệu tấn, rồi 1 triệu tấn, trong khi tăng vọt nhập từ Ấn Độ lên 4,8 triệu tấn và 4,1 triệu tấn.

Trong khi đó, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang bốn trong sáu thị trường châu Phi và Trung Đông này lần lượt là 700.000 tấn; hơn 500.000 tấn và 660.000 tấn.

Ngược lại, ở bảy thị trường nhập khẩu gạo chủ yếu của châu Á là Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Hồng Kông và Đài Loan, trong khi lượng xuất khẩu của Thái Lan trong ba năm qua “rơi tự do” từ gần 2 triệu tấn xuống 732.000 tấn, rồi 667.000 tấn, nhưng của chúng ta tăng vọt từ 4,3 triệu tấn lên gần 5,5 triệu tấn, còn năm 2013 tuy giảm mạnh xuống gần 3,9 triệu tấn, nhưng vẫn cao gấp 5,8 lần so với của Thái Lan, đơn giản chỉ vì tổng lượng nhập của ba trong sáu thị trường này đều giảm mạnh.

Trong khi đó, gạo của Ấn Độ hầu như vẫn chưa có chỗ đứng ở các thị trường này. Xét trên bình diện rộng hơn, ý kiến cho rằng, Ấn Độ có kho gạo dự trữ khổng lồ hơn cả Thái Lan, cho nên đây là yếu tố gây sức ép lớn lên thị trường xuất khẩu gạo thế giới là không có căn cứ. Bởi từ nhiều năm nay, Chính phủ Ấn Độ vẫn thường cho bán đấu giá lúa mỳ, nhưng chưa một lần cho bán gạo từ kho dự trữ này. Điều này có nghĩa là, khác hoàn toàn Thái Lan, gạo dự trữ của Chính phủ Ấn Độ chỉ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Thế nhưng, điều còn quan trọng hơn nữa là, xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong thời gian tới có thể sẽ giảm khá mạnh.

Cụ thể, theo dự báo mới nhất của tùy viên nông nghiệp Mỹ tại Ấn Độ, thay vì 10 triệu tấn như hiện nay, xuất khẩu gạo của nước này trong niên vụ tới sẽ giảm xuống 8 triệu tấn.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng này chắc chắn là việc thực hiện Luật An ninh lương thực, thực phẩm bắt đầu có hiệu lực trong năm nay sẽ dẫn đến tiêu dùng gạo của Ấn Độ tăng thêm 3 triệu tấn. Trong khi đó, dự báo sản lượng lúa niên vụ này sẽ giảm nhẹ, còn niên vụ tới cũng chỉ phục hồi như niên vụ trước.

Không những vậy, tuy vẫn không thật sự rõ ràng, nhưng đã xuất hiện những cảnh báo rằng, năm nay El” Nino có thể xuất hiện trở lại ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, còn La” Nina sẽ bao trùm khu vực châu Mỹ.

Rõ ràng, nếu triển vọng thời tiết không thuận cho nông nghiệp như vậy trở thành hiện thực, đặc biệt là đối với cây lúa nước, đây có thể là bước ngoặt đối với thị trường lúa gạo thế giới.

Nguyễn Đình Bích/ TBKTSG

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: