VINAGRI News - Hàng loạt khách ở thị trường được xem là “mối ruột” của Việt Nam quay sang mua gạo Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan… do có giá rẻ hơn. Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị về thông tin này, ông Trương Thanh Phong, chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), thừa nhận thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đang bị bít hết cửa ra.
Người dân chọn mua gạo thơm tại festival lúa gạo Sóc Trăng 2011. Ảnh: Lê Hoàng Yến
Ông Phong nói: “Cách nay hơn một tuần, Chính phủ Malaysia mời bốn nước gồm Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan để chào giá cung cấp cho họ 300.000 tấn gạo trắng. Đây là hợp đồng mở, không thông qua đấu thầu mà chỉ dựa trên giá chào bán. Nước nào chào thấp thì họ mua. Và gần như chắc chắn, Thái Lan đã dành được hợp đồng này với giá chào chỉ có 380 USD/tấn, thấp hơn khá nhiều so với ba nước còn lại”.
Tại sao lần này chúng ta lại mất hợp đồng vào tay Thái Lan thưa ông?
- Tôi xin khẳng định lại là Malaysia đúng là thị trường tập trung của Việt Nam từ nhiều năm nay, nhưng không có thoả thuận được ký kết cấp Chính phủ về mua bán gạo giữa hai nước. Trước đây, chỉ có thoả thuận ký giữa một số cơ quan cấp bộ, đặc biệt là VFA với phía Malaysia và trong những lần nhập khẩu gạo, họ cũng chỉ chọn duy nhất Việt Nam để chào giá nên chúng ta thường trúng thầu. Tuy nhiên, năm nay do tình hình thị trường có quá nhiều thay đổi, thế giới dư thừa gạo, giá đang rất rẻ và họ đã mời thêm nhiều nước chào nhằm để mua được gạo có mức giá rẻ nhất. So với gạo Việt Nam, gạo Thái Lan cùng loại có chất lượng thậm chí tốt hơn nhưng chỉ có giá 380 USD/tấn. Mức giá chào này của Thái Lan cũng thấp nhất so với ba nước còn lại.
Mất thị trường Malaysia sẽ ảnh hưởng như thế nào đến kế hoạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm nay thưa ông?
- Từ 2013 trở về trước, mỗi năm Malaysia thường mua của Việt Nam tới 70% tổng sản lượng gạo nhập khẩu. Thấp nhất cũng là 400.000 tấn, còn lại trung bình mỗi năm cũng từ 600.000 – 650.000 tấn trở lên và hợp đồng thường có từ quý 4 năm trước. Còn năm nay, mãi tới tháng 2 họ mới chào thầu, và kết quả là Việt Nam đã không giành được. Như vậy là chín tháng đầu năm chúng ta đã mất hết cơ hội xuất khẩu vào thị trường Malaysia. Chỉ còn lại quý 4 để có thể hy vọng vớt vát lại được khoảng 150.000 tấn, nếu không thì năm nay xem như chúng ta mất thị trường Malaysia. Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch xuất khẩu, đầu ra lúa gạo chắc chắn sẽ gặp khó khăn rất lớn.
Ngoài Malaysia đã mất, liệu các thị trường xuất khẩu gạo tập trung khác như Philippines hay Indonesia có thể thay thế được không, thưa ông?
- Đối với thị trường Philippines, đến giữa tháng 3 tới đây là chúng ta thực hiện hết đợt giao hàng 500.000 tấn theo hợp đồng ký hồi cuối năm ngoái. Cho đến hết quý 2, thị trường này cũng chưa có nhu cầu vì họ đang vào vụ thu hoạch. Trong thời gian này, Philippines vẫn còn thực hiện mua 163.000 tấn gạo theo chương trình nhập khẩu của WTO, nhưng Việt Nam không có trong danh sách phân bổ. Còn thị trường Indonesia thì năm 2013 đã không nhập khẩu gạo trắng. Năm nay nếu có nhập khẩu thì cũng đến tháng 9, tháng 10 mới tiến hành. Riêng với thị trường châu Phi, đây được coi là thị trường lớn thứ hai sau châu Á của Việt Nam. Nếu đem so sánh gạo trắng của Việt Nam xuất khẩu vào châu Phi thì hiện nay, chúng ta cũng không cạnh tranh được với giá của Ấn Độ, Pakistan, kể cả Thái Lan. Năm nay, theo tôi, xuất khẩu gạo Việt Nam chỉ còn lại thị trường Tây Phi, đang có nhu cầu nhập khẩu lớn. Và chúng ta cũng chỉ có khả năng chen chân được ở phân khúc gạo thơm, gạo nếp, còn gạo chất lượng cao như 5% có giá trên 400 USD/tấn thì không tài nào cạnh tranh nổi với Thái Lan.
Tôi cho rằng chúng ta chỉ còn thị trường Trung Quốc. Năm ngoái Trung Quốc nhập của Việt Nam cả thảy 3,6 triệu tấn gạo. Dự kiến năm nay họ vẫn có nhu cầu mua số lượng lớn. Ngay từ bây giờ, chúng ta phải xác định rõ kế hoạch để bán gạo vào thị trường này sao cho có hiệu quả nhất. Như tôi đã nói, chúng ta phải cạnh tranh khốc liệt với Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan nên Trung Quốc sẽ lợi dụng tình hình này để ép giá. Do đó nhiều khả năng giá bán năm nay sẽ rất thấp.
Nhưng tại thời điểm này, giá lúa gạo nội địa đang đứng ở mức cao? Điều này có đối lập với những lập luận trên đây của ông?
- Tôi cho rằng giá cao có mấy lý do. Một là do năm nay các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có rét đậm kéo dài vào thời điểm gieo sạ vụ đông xuân, cho nên thu hoạch chậm hơn 15 – 20 ngày khiến cho sản lượng lúa gạo đưa vào lưu thông ít nên giá tăng cao. Thứ hai là nhu cầu của các tỉnh miền Trung trong tháng 1 rất lớn vì năm ngoái các tỉnh này bị lũ lụt, thiếu đói. Thứ ba là tuy mới mở cửa nhập gạo ở cửa khẩu Lào Cai, nhưng Trung Quốc đang tổ chức thu mua rất lớn. Gạo từ miền Nam đưa ra biên giới nhiều nên chất lượng gạo có giá rất cao như loại hạt dài tại kho từ 8.300 – 8.400 đồng/kg. Với tình hình như vậy thì giá lúa gạo nội địa của Việt Nam đang ở ngưỡng cao so với khu vực. Nếu quy ra giá vốn xuất khẩu, loại gạo 5% phải vào khoảng 395 USD/tấn. Điều này dẫn đến xuất khẩu chính ngạch rất khó cạnh tranh.
Tuy nhiên, tình hình giá cao sẽ khó duy trì được lâu vì lúa đông xuân sắp thu hoạch, cao điểm nhất là vào khoảng 15.3 – 15.5. Trong thời điểm này, chúng ta có hơn 6 triệu tấn lúa hàng hoá trong tổng số hơn 10 triệu tấn toàn vụ. Tuỳ vào tình hình xuất khẩu, nếu trong cao điểm thu hoạch tháng 3, tháng 4 tới đây mà nhu cầu biên giới Trung Quốc tăng thì giá có thể sẽ không rớt sâu. Còn nếu như Trung Quốc biết chúng ta khó khăn, quay lại ép giá thì nông dân sẽ khó có thể bán được giá lúa cao. Vì như tôi đã phân tích, năm nay chúng ta chỉ còn trông chờ vào thị trường này để xuất khẩu.
Theo thông tin VFA mới nhận được, Thái Lan đang mở kho bán cho doanh nghiệp xuất khẩu 600.000 tấn gạo lấy tiền trả cho nông dân từ chương trình mua trợ cấp hồi năm ngoái. Tới đây, Thái Lan tiếp tục tháo kho nữa và dự kiến Chính phủ nào lên cũng phải bán hết số gạo còn tồn kho khoảng 16 triệu tấn để trả nợ nên gạo Thái sẽ chiếm hết thị trường. Ấn Độ cũng đang tồn kho gần 32 triệu tấn gạo, trong khi nhu cầu an ninh lương thực, đảm bảo lưu thông chỉ cần 14 triệu tấn. Do đó, năm nay VFA nhận định cạnh tranh xuất khẩu gạo sẽ khốc liệt hơn năm 2013.
Hoàng Bảy/ Báo SGTT thực hiện
Không có nhận xét nào: