» » » Dự báo xuất khẩu cá tra năm 2014 chỉ đạt 1,75 tỷ USD

VINAGRI NewsHiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius) dự báo, trong năm 2014, ngành cá tra Việt Nam còn quá nhiều bất cập cần giải quyết với kịch bản kim ngạch xuất khẩu cá tra cao nhất chỉ đạt 1,75 tỷ USD.

Ngành cá tra trong năm 2014 còn quá nhiều bất cập cần giải quyết với kịch bản kim ngạch xuất khẩu cá tra tối đa chỉ đạt 1,75 tỷ USD.

Nuôi và xuất khẩu cá tra đều giảm

Tổng cục thủy sản và chi cục thủy sản các tỉnh ĐBSCL, năm 2013, diện tích nuôi cá tra 5.556 ha (bằng 93% so với năm 2012) và diện tích thu hoạch là 4.168 ha (đạt 91% so với năm 2012), sản lượng 1.131 nghìn tấn (đạt 88% năm 2012), với năng suất đạt khoảng 270 tấn/ha (năm 2012 đạt 280 tấn/ha). Trong khi đó, diện tích nuôi chưa thu hoạch vào khoảng 1.400 ha, tương đương với sản lượng ước đạt khoảng 350 nghìn tấn. Các tỉnh có diện tích nuôi và sản lượng cao như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Bến Tre (chiếm khoảng 87% tổng diện tích và sản lượng của ĐBSCL).

Diện tích thu hoạch suy giảm mạnh từ giữa tháng 10 và giảm chỉ khoảng hơn 60ha/tuần vào tháng 11 và 12. Diện tích nuôi mới khá cao trong tháng 7, 8 (trung bình 100ha/tuần); suy giảm ở tháng 9, 10 (60ha/tuần) và đang ở mức thấp tháng 11, 12 (dưới 40ha/tuần). Cơ sở này cho thấy, sản lượng cá có thể giảm vào đầu năm 2014, diện tích nuôi mới giảm có thể do điều kiện thời tiết lạnh, suy kiệt về vốn, đang chờ đợi một mức giá mới… tuy nhiên còn tùy thuộc vào thị trường và phán quyết thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam lần thứ 9 của Bộ Thương mại Mỹ (POR9).


Theo số liệu Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá tra 11 tháng đầu năm 2013 đạt giá trị 1,59 tỷ USD, giảm 0,16% so với cùng kỳ năm 2012. Trung bình mỗi tháng xuất khẩu khoảng 120 - 150 triệu USD, ước đoán xuất khẩu năm 2013 vào khoảng 1,73 – 1,75 tỉ USD. Trong báo cáo của Tổng cục thủy sản dự báo năm 2013 xuất khẩu khoảng 1,8 tỉ USD. Xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ giảm liên tiếp trong khi EU lại có xu hướng tăng nhẹ trong những tháng gần đây, do vậy, EU đã vươn lên dẫn đầu, đứng thứ 2 là Hoa Kỳ.

Xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU trong 11 tháng đầu năm 2013 đạt giá trị 353,5 triệu USD (giảm 9,75% so với cùng kỳ năm 2012); Hoa Kỳ đạt giá trị 351,31 triệu USD (tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2012)... Số lượng thị trường tiêu thụ cá tra hiện tại khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, gần như đạt mức bảo hòa.

Còn nhiều chông gai

Khó khăn trở ngại lớn nhất của ngành cá năm 2014 là cung cầu không ổn định, chất lượng con giống giảm, giá nguyên liệu thấp hơn giá thành, giá các yếu tố đầu vào (thức ăn, thuốc,…) luôn tăng trong khi đầu ra bất ổn.

Nhu cầu nhập khẩu tại 2 thị trường chính là Hoa Kỳ và EU vẫn chưa hồi phục do kinh tế của các nước này vẫn chưa ổn định, nhập khẩu vào thị trường Trung Đông cũng giảm do các nội chiến khiến các doanh nghiệp ngần ngại trong khi xuất khẩu vào thị trường này. Cơ cấu thị trường xuất khẩu cá tra của Việt Nam những năm gần đây có sự dịch chuyển sang một số thị trường khác nhưng tỷ trọng nhập khẩu còn thấp. Hệ thống thông tin về ngành cá còn yếu, thiếu chính xác và cập nhật chưa kịp thời nên khó khăn trong việc dự báo cung cầu thị trường.

Sự liên kết của các tác nhân còn lỏng lẻo, phân phối lợi ích chưa hợp lý. Các tác nhân tham gia trong ngành chưa quan tâm đến lợi ích chung để phát triển bền vững ngành hàng. Hộ nuôi nông dân thu hẹp, vùng nuôi doanh nghiệp chế biến gia tăng, dẫn đến việc các doanh nghiệp không quan tâm tìm hiểu thị trường, tập quán thương mại và hành vi tiêu dùng của nước xuất khẩu, … gây nên mô hình phân tán.

Các chính sách phát triển ngành hàng cá tra đã có nhưng chưa đủ, chưa mạnh. Nghị định về cá tra đến nay vẫn chưa được ban hành. Nhìn chung, các chính sách hỗ trợ chưa thực sự hữu hiệu để làm nền tảng ổn định và thúc đẩy cho sự phát triển bền vững. Các hoạt động xúc tiến thương mại chưa được quan tâm và đầu tư để kích thích nhu cầu thị trường và nâng cao hình ảnh cá tra trên thị trường.  

Lãi suất cao trong thời gian qua kết hợp với việc sản xuất không hiệu quả đã làm cho các hộ nuôi và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về vốn trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các ngân hàng cho vay vốn càng dè dặt hơn đối với ngành cá tra do ảnh hưởng của các công ty thủy sản Bình An, Phương Nam, Sông Hậu... càng làm cho các doanh nghiệp và hộ nuôi khó khăn hơn về tài chính.

Chủng loại sản phẩm cá tra chưa đa dạng (sản phẩm fillet chiếm hơn 90%), các sản phẩm giá trị gia tăng ít và chủ yếu tiêu thụ trong nước; phụ phẩm của quá trình chế biến chưa được sử dụng hiệu quả để góp phần tăng giá trị ngành hàng.

Các doanh nghiệp có sự phân hoá mạnh về năng lực sản xuất, khả năng cạnh tranh, xu hướng phân khúc và lựa chọn thị trường ngày càng rõ nét. Từ yếu tố nội lực của doanh nghiệp dẫn đến sự thay đổi cấu trúc thị trường xuất khẩu của ngành cá. Ngoài hai thị trường chính EU và Mỹ, cá tra Việt Nam đã xâm nhập sâu hơn vào nhiều thị trường khác ở các châu lục. Chính sự dịch chuyển trên làm cho tình hình diễn biến về giá càng phức tạp và vấn đề quản lý chất lượng càng trở nên khó khăn hơn.

Xuất khẩu cá tra đạt tối đa 1,75 tỷ USD?

Trên tình hình ngành cá tra trong và ngoài nước thời gian qua, VN Pangasius dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2014 có thể diễn biến theo 2 kịch bản.

Trong tình huống xấu, kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt 1,65 tỷ USD, nếu tình hình nợ xấu tại các doanh nghiệp và hộ nuôi, sự kiệt quệ còn kéo dài của ngành từ năm 2013 có thể làm giảm sản lượng của ngành cá tra. Doanh nghiệp thiếu năng lực về vốn và năng lực quản lý, phát triển thị trường, sự tăng lên của các thị trường nhỏ chưa đủ để bù đắp lại nhu cầu của các thị trường chính; đồng thời nếu mức thuế trong quyết định cuối cùng POR9 của Bộ Thương mại Hoa Kỳ vào tháng 3/2014 của các doanh nghiệp cá tra Việt Nam cao hơn quyết định sơ bộ. Mặt khác, việc xem xét về Đạo luật Nông nghiệp Hoa Kỳ (Farmbill) có hiệu lực sẽ ảnh hưởng số lượng nhập khẩu cá tra vào Hoa Kỳ.

Kịch bản lạc quan hơn với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,75 tỷ USD, nếu vấn đề nợ xấu, sự phối hợp giữa hộ nuôi – doanh nghiệp – ngân hàng, cải thiện năng lực quản trị của doanh nghiệp được tháo gỡ, từ đó sẽ giúp cải thiện được năng lực của nội ngành để phát triển ngành hàng. Nghị định về sản xuất và tiêu thụ cá tra sớm ra đời, đề án xúc tiến thương mại ngành cá được thực hiện hỗ trợ về mặt thể chế, ổn định và phát triển ngành hàng. Nhu cầu ở thị trường Mỹ và EU được phục hồi; mức thuế bị áp của các doanh nghiệp sau khi xem xét POR9 ở mức thấp hơn quyết định sơ bộ và đạo luật Farmbill chưa có hiệu lực áp dụng.

Để giải quyết khó khăn của ngành cá tra trong năm 2014, theo VN Pangasius, các giải pháp trọng tâm là ổn định sản xuất, quy hoạch diện tích, sản lượng, thiết lập cơ chế quản lý, kiểm soát chất lượng, giá cả và các yếu tố kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất. Doanh nghiệp cần tăng cường liên kết với hộ nuôi giảm đầu tư vùng nuôi theo hướng khoảng 30% doanh nghiệp nuôi, 50% doanh nghiệp liên kết với người nuôi và 20% tự do để có sự cạnh tranh lành mạnh, hợp đồng trả tiền mua cá thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Cải thiện cơ chế cho vay trên cơ sở định giá tài sản, cho vay trên vốn lưu động. Ổn định chất lượng cá phi lê xuất khẩu, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu ngoài phi lê và xây dựng thương hiệu cho cá tra.

Thành Công/ Báo Công Thương

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: