VINAGRI News - Tính đến thời điểm này, sau hai đợt xả nước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), toàn miền Bắc đã có khoảng 400 ngàn ha lúa được ngậm nước. Con số này chiếm 60% tổng diện tích vụ đông xuân 2013 -2014 được gieo cấy theo kế hoạch. Các địa phương vẫn đang tập trung nhân lực, vật lực để đón đợt xả nước cuối cùng, kỳ vọng một vụ mùa bội thu...
Rộn ràng xuống đồng, người nông dân mong đợi một vụ mùa bội thu - Ảnh: Hoàng Long
Hà Nội:
Những ngày này, trên khắp các cánh đồng huyện Phúc Thọ, Thanh Oai, Thạch Thất, Ba Vì…, người ta chứng kiến không khí rộn ràng xuống đồng của bà con nông dân. Những thửa ruộng đã được làm đất kỹ chờ đón nước. Theo bà Nguyễn Thị Nụ (xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất), vụ Đông Xuân năm nay, thời tiết nắng ấm nên rất thuận lợi cho bà con nông dân xuống đồng sớm. Bà Nụ cho biết, nhận được khuyến cáo sớm của cán bộ ngành thủy lợi về việc tích nước và tiết kiệm nước, nhiều bà con nông dân ở Thạch Thất đã xuống đồng sớm và tranh thủ lượng nước từ đợt xả nước thứ hai để gieo cấy vụ Đông – Xuân.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, vụ Đông – Xuân này, toàn thành phố phấn đấu gieo cấy 102.000ha lúa, năng suất dự kiến đạt 61,2 tạ/ha, sản lượng 624.240 tấn. Khung thời vụ tốt nhất là trà xuân muộn, cấy tập trung từ giữa cho đến cuối tháng 2. Để đảm bảo gieo cấy đúng thời vụ, hoàn thành kế hoạch đặt ra, Sở đã chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã có phương án và chính sách hỗ trợ, đảm bảo đủ giống, vật tư cho sản xuất. Đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp thủy lợi xây dựng phương án, kế hoạch chống hạn, cấp đủ nước đổ ải, tưới dưỡng...
Hà Nam:
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, vụ Đông Xuân 2013 - 2014, toàn tỉnh có kế hoạch gieo cấy 32.564 ha. Để đón trọn vẹn 3 đợt xả nước từ 3 hồ thủy điện lớn, Hà Nam đã lên kế hoạch làm thuỷ lợi vụ Đông Xuân 2013 - 2014 trên phạm vi toàn tỉnh với khối lượng nạo vét lên đến 4.095.095 m3, đây là khối lượng lớn nhất từ trước tới nay.
Với những dự đoán trước đó của cơ quan khí tượng thủy văn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh đã chuẩn bị sẵn nhân lực, vật lực lắp đặt sẵn các máy bơm dã chiến để bơm nhiều cầu, tranh thủ đưa nước vào hệ thống kênh tiêu, ao hồ tạo nguồn cho các trạm bơm nhỏ hoạt động. Đặc biệt, các cán bộ ngành thủy lợi của tỉnh đã bám sát, theo dõi lịch xả nước của các hồ thượng nguồn nên trong hai đợt xả nước vừa qua, toàn tỉnh đã cơ bản lấy đủ nước khi diện tích ruộng được cấp nước đã lên đến 81,6%.
Đại diện Chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Nam cho biết, để đảm bảo một mùa vụ đạt kết quả cao về năng suất, chất lượng, diện tích gieo trồng, tỉnh tiếp tục quán triệt bà con nông dân thực hiện quy trình tưới tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ, áp dụng hình thức tưới luân phiên, vùng xa tưới trước, vùng gần tưới sau nhằm tránh lãng phí nước gây ngập úng tại vùng đầu kênh, khô hạn vùng cuối kênh.
Ảnh: Hoàng Long
Hưng Yên:
Ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên đã xác định, mực nước sông Hồng, sông Luộc trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vụ Đông Xuân 2013-2014 sẽ ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Trên sông Hồng, tại Trạm thủy văn thành phố Hưng Yên mực nước trung bình các tháng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,2-1,2m. Tình trạng hạn hán sẽ xảy ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.
Xác định được khó khăn này, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Hưng Yên, ông Nguyễn Văn Phú cho biết, Sở đã lên kế hoạch chuẩn bị trước công tác thủy lợi, nạo vét kênh mương để đón nước phục vụ đổ ải vụ Đông – Xuân 2013 – 2014. Để kịp thời đón được nước về các đồng ruộng trên địa bàn tỉnh, trước đó, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phải cày xong 100% diện tích trước 30-12 để đất được ải, nỏ, đảm bảo chất lượng đất ải, đồng thời khuyến cáo bà con làm đất kỹ nhuyễn để giữ nước tốt, đảm bảo chất lượng gieo cấy.
Nói về tình hình chuẩn bị cho việc trữ nước đổ ải vụ Đông Xuân 2013 – 2014, bà Lê Thị Oanh - Cụm trưởng Trạm bơm Văn Giang (Văn Giang, Hưng Yên) cho hay: "Từ ngày 13-1, trạm bơm đã bắt đầu nhận được nước, chúng tôi đã huy động toàn bộ 20 cán bộ, công nhân của trạm thay nhau trực 24/24h, để trông coi, đảm bảo máy bơm vận hành tốt, bơm nước đủ phục vụ đổ ải cho hầu hết các ruộng đồng đang cần nước của 3 huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ”.
Vĩnh Phúc:
Đợt xả nước các hồ thuỷ điện lần 2 vừa qua (từ ngày 25-1 đến 29-1) có ý nghĩa quyết định đến công tác lấy nước đổ ải gieo cấy vụ Đông Xuân 2013 - 2014 của tỉnh Vĩnh Phúc. Hệ thống thuỷ lợi của tỉnh đã vận hành tối đa công suất của các trạm bơm để đưa nước từ sông Hồng, sông Lô vào nội đồng.
Vài năm trở lại đây, tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh sản xuất vụ đông và mở rộng diện tích trà lúa xuân muộn. Vì thế, trong đợt xả nước lần 1 của các hồ thuỷ điện phía Bắc, tỉnh chỉ lấy nước phục vụ đổ ải làm đất, gieo mạ cho một số địa phương đã thu hoạch xong cây vụ đông, còn phần lớn diện tích vẫn chưa có nước. Mặt khác, do những khó khăn về địa hình, ít hồ chứa lớn nên từ năm 2010 đến nay, công tác lấy nước phụ thuộc rất lớn vào hoạt động xả nước của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Với việc tập trung nguồn lực ngay từ những ngày đầu vụ, sau đợt xả nước lần hai từ ba hồ thủy điện, Vĩnh Phúc đã cơ bản đón được nước tưới theo kế hoạch cho vụ mùa Đông Xuân 2013 – 2014 cho hơn 25.000 ha.
Sau những ngày đón Tết Giáp Ngọ, tranh thủ thời tiết nắng ấm và nguồn nước có được sau hai lần xả nước từ các hồ thủy điện, bà con nông dân các địa phương trên địa bàn Thủ đô Hà Nội lại nô nức xuống đồng làm đất, lấy nước, gieo cấy vụ xuân 2014 với một khí thế tập trung, phấn khởi.
Gần 10 năm trở lại đây, công tác xả nước cho vụ Đông – Xuân đã được ngành điện phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện thường niên. Cũng như mọi năm, năm nay Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục thực hiện ba đợt xả nước với khối lượng hơn năm tỷ m3, đây cũng là lượng nước lớn nhất được xả kể từ năm 2006 đến nay. Trong đó có hai đợt đã được thực hiện vào các ngày trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, từ ngày 14-1 đến 18-1 và từ 25-1 đến 29-1. Và với hai đợt xả nước này, toàn miền Bắc đã có khoảng 400 ngàn ha lúa được ngậm nước.
Minh Phương/ Báo Đại Đoàn Kết
Không có nhận xét nào: