» » » Ca cao Việt Nam, bao giờ lên ngôi?

VINAGRI News - Hiện tượng thời tiết El Nino có thể gây thiệt hại cho các vùng trồng ca cao ở châu Phi, giá ca cao dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Đây có phải là cơ hội cho ngành ca cao Việt Nam?

Từ mươi ngày nay giá ca cao và cà phê tăng mạnh tại các sàn kỳ hạn và cả trên thị trường nội địa. Riêng giá hạt ca cao lên men đến sáng thứ Ba 25-2 tại tỉnh Daklak đang ở mức mức 56.500 đồng/kg, thấp đôi chút so với 57.200 đồng/kg cách đây hai tuần. Nếu như thời giá hiện tại của cà phê loại 2,5% đen vỡ chừng 38.000 đồng/kg, giá ca cao vẫn cao hơn gần 20.000 đồng/kg.

Diễn biến giá kỳ hạn ca cao tại Mỹ

Giá ca cao trên sàn kỳ hạn tại Mỹ đang dao động tại các mức cao nhất tính từ cuối năm 2011 đến nay, chung quanh mức 2.950-3.000 đô la/tấn, so với mức đỉnh trên 3.800 đô la/tấn thiết lập đầu năm 2011 (xin xem biểu đồ trên). 

Đợt tăng giá lần này có thể do có tin hiện tượng thời tiết El Nino sẽ làm tăng rủi ro khô hạn cho các vùng nguyên liệu ca cao chính ở châu Phi và châu Á.

Cuối tuần trước (21-2), các nhà khoa học thuộc Cục Khí tượng Thủy văn Australia và Trung tâm Dự báo Thời tiết Hoa Kỳ cảnh báo rằng có dấu hiệu cho thấy El Nino đang quay trở lại.

El Nino là hiện tượng thời tiết khắc nghiệt do nhiệt độ mặt biển Thái Bình Dương nóng lên theo chu kỳ bình quân từ 4 đến 12 năm xảy ra một lần, gây hạn hán và mất mùa đối với nhiều mặt hàng nông sản ở đầu này, trong khi đó đầu bên kia, phía nam bán cầu, sẽ hứng chịu nạn lụt lội và mưa ẩm thái quá.

Ca cao, nguyên liệu để sản xuất sô-cô-la, hiện nay được trồng tại những nước nhạy cảm với hiện tượng thời tiết khô hạn theo chu kỳ này. Tại châu Phi, Bờ biển Ngà (Ivory Coast) hiện là nước có sản lượng ca cao lớn nhất thế giới với chừng 1,4 triệu tấn/năm, tiếp theo là Ghana, với chừng 800 ngàn tấn/năm. Ở châu Á, nếu như 2005 là thời hoàng kim về sản lượng ca cao của Indonesia, thì trong năm 2014 ước chỉ còn 425.000 tấn.

Như vậy, ở châu Á, sản lượng ca cao Indonesia giảm dần từ 10 năm nay, chủ yếu do dịch bệnh, mất mùa và thay đổi khí hậu. Theo các nhà phân tích thị trường cao cao, không khéo năm nay Indonesia phải nhập khẩu ca cao từ các nước châu Phi để duy trì hoạt động của các nhà máy chế biến trong nước vì sản lượng ca cao trong nước không đủ cung cấp.

Tình hình tại hai nước xuất khẩu ca cao đứng đầu thế giới ở châu Phi cũng không khá gì hơn. Dịch bệnh và nấm mốc hại vườn cây đang gây lo ngại cho sản lượng ca cao thế giới trong vài năm tới. Các nhà phân tích cho rằng nếu không tìm cách phát triển diện tích và tăng năng suất ca cao, đến năm 2020 thê giới có thể thiếu hụt cả triệu tấn ca cao, không biết lấy đâu mà bù.

Giới công nghiệp ca cao, sô-cô-la đang mong Việt Nam lập thêm chuyện thần kỳ, đưa sản lượng ca cao lên nhanh để thỏa mãn người tiêu thụ và cứu thị trường sau các kỳ tích như nông dân nước ta đã từng ra tay trong các ngành  lúa gạo, cà phê, điều, tiêu… Đó là những ngành nông sản đạt được những tiến bộ vượt bậc, từ không tên tuổi nay Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hàng đầu thế giới các mặt hàng nông sản này.

Tuynhiên, dù đã có trên chục năm nghiên cứu và vận động, diện tích và sản lượng ca cao của nước ta vẫn chưa tiến triển như mong đợi, nếu không muốn nói hết sức ì ạch và khó nhọc.

Theo Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến cuối năm 2013 cả nước chỉ có chừng 22.000 héc ta ca cao và cho sản lượng chừng 6.500 tấn hạt. Sản lượng thấp do ca cao nước ta chỉ trồng xen canh trong các vườn điều, cao su tại Daklak hay dưới tán dừa ở Bến Tre.

Trước đây, trong thời gian từ cuối năm 2011 kéo dài sang năm 2012, giá kỳ hạn ca cao tại Mỹ có lúc dưới 2.000 đô la/tấn, nhiều nhà vườn tại Daklak đã phải chặt bỏ cây ca cao để tập trung cho các mùa khác có thu nhập hấp dẫn hơn. Mặt khác, do ca cao là loại cây phát triển sau, đầu ra xuất khẩu không được ổn định như cà phê, tiêu và hạt điều… nên mỗi khi giá có biến động bất lợi, ca cao thường là cây bị nông dân “bỏ rơi” trước tiên.

Tại một hội nghị cuối năm 2013, ngành ca cao đã đặt chỉ tiêu nâng sản lượng lên 15.000 tấn hạt cho năm 2020. Chỉ tiêu này được xem là một cố gắng lớn, nhưng với chừng ấy, so ra ca cao Việt Nam trong vòng năm, sáu năm tới vẫn thua sản lượng của Bờ biển Ngà gấp cả trăm lần hiện nay.

Dù vậy, ngành ca cao thế giới vẫn kiên nhẫn chờ Việt Nam. Đã có nhiều nước và tổ chức quốc tế hỗ trợ nông dân nước ta trồng và tăng nhanh diện tích cũng như sản lượng ca cao dưới nhiều hình thức: chọn giống, hỗ trợ kỹ thuật, phương pháp chế biến, quản lý chuỗi cung ứng ca cao với hy vọng ngành ca cao Việt Nam lên ngôi như đã từng xảy ra tại các ngành nông sản khác.

Không đơn giản như các loại nông sản khác, yêu cầu chất lượng xuất khẩu của ca cao thông qua quá trình lên men rất nghiêm ngặt. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia ca cao trong nước, đây lại là khâu yếu nhất của nước ta vì sản lượng đã nhỏ, kỹ thuật chưa rành rọt, ai cũng đòi tự lên men riêng tại nhà. Chính vì vậy, khi lên men không thành công, hao hụt sau thu hoạch gây tổn thất trong xuất khẩu khá lớn. 

Nên chăng, dù chưa thể mong cao cao có những bước nhảy thần kỳ, ngành này không thể theo cách tổ chức sản xuất-kinh doanh như cà phê, tiêu còn rất manh mún và nhỏ lẻ.

Sản phẩm ca cao cần chế biến tập trung, đúng qui trình, mới có những hạt ca cao xuất khẩu có giá trị , không bị thị trường ép giá.

Có thể hợp tác xã hay “cánh đồng mẫu lớn” hội tụ người trồng ca cao là yêu cầu thực tế của mặt hàng và mới mong xảy ra chuyện lớn được, chứ còn đi theo cách làm hiện nay của nông dân trồng cà phê hay tiêu thì lại rơi vào cảnh thiếu tổ chức trong sản xuất và kinh doanh, khâu quản lý chuỗi cung ứng thiếu đồng bộ.

Viễn cảnh thị trường và giá cả ca cao phía trước rất rộng và đầy hứa hẹn. Tuy chưa thế soán ngôi được từ tay các nước xuất khẩu ca cao tốp đầu hiện nay, cây ca cao cũng đáng được quan tâm vì vốn đầu tư ban đầu ít, chăm sóc không nặng nhọc và đặc biệt, cây ca cao có thể là lối ra hợp lý nhất trong việc đa dạng hóa sản phẩm nông sản và thị trường hiện nay.

Nguyễn Quang Bình/ TBKTSG

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: