» » » Xuất khẩu gạo 2014: Cạnh tranh khốc liệt về giá

VINAGRI NewsNăm 2014, các chuyên gia và doanh nghiệp ngành lương thực đánh giá rằng sẽ còn khó khăn hơn năm 2013 nên Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chỉ đặt mục tiêu xuất khẩu gạo bằng năm 2013, tức đạt khoảng 6,7 - 7 triệu tấn.

Cạnh tranh khốc liệt về giá 

Năm 2014, Tổ chức Lương thực thế giới (FAO) dự báo sản lượng gạo thế giới không thay đổi nhiều so với năm 2013 với 494,1 triệu tấn, tăng chưa tới 1%; trong khi tiêu thụ là 489 triệu tấn, tăng 2,6%. Thế nhưng, lượng gạo tồn kho lại tăng đáng kể 8,4% và ở mức cao với gần 180 triệu tấn. Điều đó chứng tỏ nguồn cung tiếp tục thừa, đặc biệt gạo Thái Lan sẽ tạo sức ép lên thị trường thế giới. 

Dự báo sản lượng gạo Thái Lan vụ mùa 2013 – 2014 đạt 20 – 21 triệu tấn, tăng 1 – 2% so với năm trước và mức tồn kho có thể tăng lên 20 triệu tấn trong năm 2014. Thái Lan dự kiến sẽ xả hàng ra với giá cạnh tranh để tăng mức xuất khẩu năm 2014 lên 8,5 triệu tấn, so với khoảng 6,8 triệu tấn năm 2013. 


“Giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện còn có 365 – 375 USD/tấn, thấp hơn giá Việt Nam tới 30 - 40 USD và dự kiến năm 2014 sẽ còn giảm nữa để giải quyết tồn kho ngày càng tăng. Với mức giá quá cạnh tranh này từ tháng 11.2013 đến nay chúng ta đã không bán được tấn gạo 5% tấm nào ra thị trường thế giới, nên tình hình thực sự sẽ càng khó khăn hơn trong năm 2014” – ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA lo lắng.

Các nguồn cung cấp chính khác như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar cũng dự báo sẽ tăng lượng gạo xuất khẩu trong năm 2014. Trong khi đó, nguồn tiêu thụ, các nước nhập khẩu dự báo nhu cầu không thay đổi nhiều so với năm 2013.

Theo đánh giá của VFA, VN phải chấp nhận cạnh tranh quyết liệt về giá với Thái Lan. Lợi thế của VN là khả năng cạnh tranh của gạo thơm, gạo trắng chất lượng cao ở thị trường châu Phi và nhu cầu từ các thị trường gần, giao hàng nhanh ở Đông Nam Á, đặc biệt là Trung Quốc. 

“Trung Quốc là thị trường gạo lớn nhất của VN trong 2 năm qua, chiếm 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu với 2,1 triệu tấn trong năm 2013. Đặc biệt sản lượng gạo xuất khẩu qua biên giới, khoảng 1,5 triệu tấn nữa, đã góp phần tiêu thụ lúa gạo hàng hóa khi các thị trường khác sút giảm trong năm qua. Đây là một lợi thế mà chúng ta không nên bỏ qua, chỉ cần tăng cường kiểm tra, giám sát tốt hơn ” – ông Nguyễn Văn Tiến - Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex), phân tích.

Tập trung xuất khẩu gạo thơm, nếp

Trong năm 2013, sản lượng gạo thơm VN xuất khẩu được đạt mốc 1 triệu tấn, tăng vọt hơn 76% so với năm 2012 và tỷ trọng thị phần từ 7% đã tăng lên gần 15%. VFA đánh giá năm 2014 VN sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu gạo thơm vì gạo thơm có khả năng cạnh tranh về giá với gạo thơm Thái Lan ở các thị trường châu Phi, châu Á.

“Năm 2014 VFA không đặt mục tiêu tăng sản lượng xuất khẩu mà tập trung củng cố chất lượng. Mặc dù năm rồi chúng ta xuất khẩu gạo thơm tốt nhưng vẫn còn có phản ánh về chất lượng gạo còn pha tạp nhiều và dư lượng hóa chất vẫn có trong gạo VN. Chúng tôi đang bàn tuyển chọn lại dòng lúa jasmine 85 để tập trung nâng cao chất lượng gạo, tạo thương hiệu xuất khẩu vì jasmine hiện nay còn có nhiều dòng quá, không thuần nhất. Ngoài gạo thơm thì nếp, gạo đồ và gạo trắng chất lượng cao cũng sẽ tập trung xuất khẩu trong năm 2014 do có thị trường, chúng ta sẽ không đi vào làm gạo cấp thấp nữa” – ông Phong định hướng thị trường.

Để tăng khả năng cạnh tranh của gạo VN, các doanh nghiệp đều nhấn mạnh rằng VN phải tăng cường kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt gạo để VN thâm nhập vào được các thị trường khó tính nhưng có giá bán cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. “Năm 2012, chúng tôi xuất khẩu được tới 30.000 tấn gạo trắng qua Nhật Bản nhưng năm 2013 thì không được kg nào vì vướng rào cản hóa chất. Thực sự đây là thị trường rất tiềm năng mà chúng ta đánh mất thì rất uổng” – ông Nguyễn Văn Tiến tiếc rẻ.

Năm 2013, VN chỉ xuất khẩu được 6,68 triệu tấn gạo, giảm gần 1 triệu tấn so với năm 2012. Từ vị trí xuất khẩu nhiều thứ hai thế giới trong mấy chục năm qua, VN đã bị rớt xuống vị trí thứ ba trong năm 2013. Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch VFA cho rằng mặc dù rớt xuống vị trí thứ ba, nhưng việc vẫn đảm bảo tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa cho nông dân và nông dân có lãi hơn 30% mới là mục tiêu lớn nhất của ngành trong năm qua. Ông lo lắng năm 2014 tình hình càng khó khăn hơn, sự cạnh tranh về giá càng khốc liệt hơn, giá xuống thấp sẽ gây khó khăn cho bà con nông dân. Do đó, Nhà nước cần có những biện pháp khẩn cấp để điều chỉnh thị trường, hỗ trợ cho bà con bằng các giải pháp tổng hợp hiệu quả hơn chứ không chỉ hỗ trợ giá đầu ra như các năm qua. 

Ngọc Minh/ Báo NTNN

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: