» » » Vicofa: Thị trường cà phê 2014 không khả quan

VINAGRI NewsNăm 2014 vẫn được đánh giá là năm đầy khó khăn đối với ngành cà phê khi ông Nguyễn Viết Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), cho rằng diễn biến cung cầu trên thị trường vẫn phức tạp, sản lượng giảm do nhiều diện tích cà phê già cỗi, nhiều nhà sản xuất  và doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa xử lý vấn đề nợ liên quan đến nợ đọng.

Ông Nguyễn Viết Vinh

Năm 2013 được cho là một năm buồn đối với ngành cà phê khi giá giảm, doanh nghiệp thua lỗ. Ngoài nguyên nhân khách quan do cung cầu cà phê thế giới, có nguyên nhân nào từ nội tại ngành cà phê hay không?

- Năm 2013, ngành cà phê phải đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất là tác động tiêu cực của khủng hoảnh kinh tế thế giới kéo dài làm giảm giá nông sản trong đó có cà phê giảm tới 24% do cầu thế giới giảm. Trong đó, giá cà phê chè (arabica) giảm thấp nhất trong vòng 6 năm và cà phê vối (robusta) giảm thấp nhất trong vòng 4 năm. Nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm cùng với việc tăng xu hướng bảo hộ thương mại của thế giới.

Thứ hai là biến đổi khí hậu toàn cầu gây thời tiết bất thường, mưa bão nhiều, dịch bệnh diễn biến phức tạp, tình trạng hạn hán kéo dài khiến khoảng 5.000 héc ta cà phê bị mất trắng và khoảng 4.000 héc ta khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng; chi phí đầu vào tăng; diện tích cà phê già cỗi cho năng suất thấp chiếm đến 30% diện tích của cả nước khiến cho sản lượng cà phê sụt giảm 15%.

Bên cạnh đó, người trồng cà phê còn đối mặt với tình trạng giống kém chất lượng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả. Ngoài ra, vướng mắc từ cơ chế hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” cũng gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. các doanh nghiệp xuất khẩu đã khó khăn về tiếp cận nguồn vốn thì lại bị nợ đọng thuế VAT làm cho doanh nghiệp xuất khẩu càng khó khăn hơn về vốn thu mua và xuất khẩu cà phê.

Xuất khẩu cà phê năm 2013 của Việt Nam chỉ đạt gần 1,3 triệu tấn, đạt gần 2,7 tỉ đô la Mỹ, giảm 26% về lượng và 27% về giá trị (tức giảm gần 1 tỉ đô la Mỹ so với năm 2012).

Vicofa đã đề xuất nhiều giải pháp tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) để tháo gỡ khó khăn cho ngành cà phê, trong đó có giải pháp tạm trữ cà phê. Đề xuất này liệu có hiệu quả và có thể được thực hiện trong năm 2014?

- Trong năm 2013, Vicofa đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành và doanh nghiệp xuất khẩu. Thứ nhất, hiệp hội kiến nghị Chính phủ bổ sung ngành hàng cà phê thuộc đối tượng được giãn nợ 36 tháng và đề nghị cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê có cơ sở sản xuất, chế biến được xem xét khoanh nợ xấu tiếp tục được vay vốn kinh doanh để trả nợ ngân hàng.

Thứ hai, hiệp hội cũng đề nghị Bộ Tài chính cho thành lập Quỹ Phát triển cà phê Việt Nam để tạo nguồn tài chính hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu cà phê; tổ chức đối thoại doanh nghiệp xuất khẩu cà phê với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế xử lý thuế VAT cho doanh nghiệp.

Thứ ba là đề nghị Bộ Công Thương, Chính phủ đưa mặt hàng cà phê vào danh mục kinh doanh có điều kiện như gạo và thủy sản.

Cuối cùng là kiến  nghị Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ cho thực hiện chương trình tạm trữ 200.000 đến 300.000 tấn cà phê nhân để ngăn đà giảm giá cà phê trong niên vụ cà phê 2013/2014.

Hiện nay Chính phủ đang tổng hợp ý kiến các bộ ngành để xem xét quyết định.

Vấn đề tái canh cà phê đã được thực hiện đến đâu, thưa ông?

- Theo đề nghị của hiệp hội, Bộ NN-PTNT đang phối hợp với các tỉnh Tây nguyên triển khai quyết liệt với gói hỗ trợ tài chính của Agribank (trị giá 10.000- 12.000 tỉ đồng Việt Nam), với lãi suất thấp hơn 2% so với lãi suất thông thường. Tuy nhiên, hiệp hội cũng vẫn kiến nghị với Bộ NN-PTNT nên có đề án quốc gia về tái canh cây cà phê cho cả nước có sự tham gia hỗ trợ của Chính phủ, các địa phương, sự vào cuộc của doanh nghiệp và ngân hàng thì mới có kết quả như kinh  nghiệm của các nước sản xuất cà phê đã thực hiện có hiệu quả.

Ông có nhận định gì về triển vọng thị trường cà phê 2014?

- Theo đánh giá của nhiều nguồn thông tin thì thị trường cà phê 2014 không có gì khả quan vì giá vẫn ở mức thấp do cung cầu thị trường biến động thất thường. Dù tồn kho thế giới giảm mạnh nhưng tình hình trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, dự kiến sản lượng cà phê niên vụ 2013/2014 sẽ có khả năng giảm từ 10-15% do ảnh hưởng của thời tiết khí hậu và tình hình cà phê già cỗi tiếp tục tăng. Trong khi đó, người sản xuất  và doanh nghiệp xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn chưa được xử lý, nhất là vấn đề nợ xấu còn tồn đọng qua nhiều năm.

Xin cám ơn ông!

Thùy Dung/ TBKTSG thực hiện

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: