» » Nuôi bò sữa lãi gấp 6 - 7 lần trồng lúa

VINAGRI NewsMột ha lúa giỏi lắm mỗi năm (2 vụ) chỉ thu hoạch được 10 tấn thóc, nhưng nếu trồng cỏ thì nuôi được 5 con bò sữa, cho 30 tấn sữa/năm. Giá sữa cao hơn giá lúa, sản xuất ra đến đâu đều tiêu thụ hết ngay đến đấy. Tại sao chúng ta cứ phải trồng nhiều lúa để chật vật tiêu thụ, trong khi mỗi năm phải nhập khẩu hàng triệu tấn sữa?


Ông Nguyễn Xuân Dương – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi nói như vậy tại Đối thoại “Hướng tới phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững” do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 4/12/2013. Tại đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám nhận định, so với thế giới, ngành chăn nuôi bò sữa ở nước ta vẫn còn non trẻ. Nhưng tốc độ phát triển rất nhanh, trong vòng 1 thập kỷ qua số lượng bò sữa của cả nước đã tăng gấp 4 lần, sản lượng sữa tăng gấp 5 lần.

Năng suất sữa mới bằng một nửa thế giới

“Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn nằm trong nhóm 20 quốc gia nhập khẩu sữa nhiều nhất thế giới, mỗi năm nhập 1,2 triệu tấn sữa các loại. Giá thu mua sữa bò tươi của trên phạm vi cả nước dao động 12.000-14.000 đồng/lít đang rất có lợi và khuyến khích người chăn nuôi đầu tư phát triển bò sữa. Nhu cầu về sữa tươi trong nước tăng cao, đây là cơ hội rất tốt để phát triển nhanh hơn đàn bò sữa” – ông Tám nói.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết, năm 2001 tổng đàn bò sữa cả nước mới chỉ có 41 nghìn con, cho 64 ngàn tấn sữa. Đến năm 2013 tổng đàn bò sữa đã đạt trên 174 ngàn con, ước tính sản lượng sữa hơn 400 nghìn tấn. Những địa phương có đàn bò sữa lớn nhất gồm: TP Hồ Chí Minh 84,875 con; Nghệ An 28,187 con; Sơn La 12.830 con; Hà Nội 10,782 con; Long An 7,154 con; Lâm Đồng 5,971 con; Sóc Trăng 4,186 con; Tuyên Quang 2,763 con; Vĩnh Phúc 2,730 con; Bình Dương 2,146 con. Chăn nuôi bò sữa ở nước ta chủ yếu vẫn nông hộ quy mô nhỏ, năng suất thấp. Hiện nay, có trên 19.000 hộ chăn nuôi bò sữa, trung bình 5,3 con/hộ. Cả nước mới chỉ có 384 hộ gia đình và công ty chăn nuôi quy mô đàn từ 20 con trở lên (chiếm 1,95%). Bình quân sản lượng sữa tươi sản xuất trong nước trên đầu người hiện nay là 4,2 kg, mới được 26% lượng sữa tiêu dùng hàng năm.

Theo ông Dương, chăn nuôi bò sữa đang có nhiều thuận lợi. Những năm qua, hàng chục nghìn con bò HF cao sản từ Australia, Newzealand, Mỹ… đã được nhập về Việt Nam. Các dự án giống bò sữa đã hỗ trợ đào tạo, tập huấn giúp người chăn nuôi nâng cao trình độ và kỹ thuật chăn nuôi. Công nghệ chế biến sữa của Việt Nam hiện nay rất phát triển, đứng đầu Đông Nam Á với nhiều nhà máy chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới như Vinamilk, TH true milk, Mộc châu Milk, Sữa quốc tế IDP… các công ty này đều đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm sữa mạnh nổi tiếng ở Châu Á. Chăn nuôi bò sữa cho tỷ suất sinh lợi cao. Tuy nhiên ngành chăn nuôi bò sữa là một nghề mới ở Việt Nam, nên năng suất và chất lượng sữa chưa cao. Năng sữa bình quân cả nước mới chỉ đạt 4.034 kg/con bò/năm, trong khi bình quân trên thế giới hiện đạt 7.620 kg/con bò/năm. Bài toán nan giải nhất đối với chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam là thiếu thức ăn thô xanh. Đất dành cho trồng cỏ chăn nuôi bò sữa thiếu trầm trọng. Theo đánh giá của các chuyên gia chúng ta mới đáp ứng được 6,3% thức ăn xanh, còn lại 93,7% là tận dụng và nhập khẩu. 

TS. Sử Thanh Long- Giảng viên Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho rằng: “Bò sữa không phải là con vật xóa đói giảm nghèo, mà là con vật để làm giàu, nên đòi hỏi nông dân phải có vốn lớn, đầu tư bài bản. Chăn nuôi bò sữa ở nước ta đang có hội chứng bệnh thiếu dinh dưỡng, vì cho bò ăn không đủ chất, nên kéo theo buồng trứng kém phát triển khiến bò không sinh sản được, nhất là từ các lứa thứ 2 trở đi. Chính vì vậy, nhiều nơi người ta tự động mua hooc môn kích dục sinh sản để tiêm cho bò. Nhiều con bò ban đầu không sinh đẻ được sau khi được tiêm hooc môn thì đẻ được ngay. Hiệu quả cao nên hiện nay quá nhiều người chăn nuôi bò lạm dụng hooc môn sinh dục này, dẫn đến bê con được đẻ ra còi cọc, chất lượng đàn giống ngày càng suy thoái”. Năng suất cho sữa bình quân của bò sữa nuôi ở Việt Nam hiện mới chỉ bằng một nửa so với năng suất trung bình của thế giới. Cần phải chọn lọc, loại thải các bò sữa năng suất thấp, sinh sản kém, chất lượng giống xấu. “Sai lầm lớn nhất của Nhà nước ta nhiều năm qua là do thiếu tiền đầu tư, nên chỉ nhập bò đực giống cao sản về, rồi cho đem phối giống với bò vàng địa phương của người dân (giống bò chỉ để cày kéo và lấy thịt), rồi khuyến cáo nông dân dùng con lai đó nuôi lấy sữa. Đó chính là lý do khiến chăn nuôi bò sữa nông hộ cho năng suất sữa thấp, giá thành sản xuất cao” – ông Long nhận xét. 

Theo ông Long, không phủ nhận những năm qua ngành sữa có tốc độ phát triển nhưng nhưng điều đáng lo ngại hiện nay là chất lượng sữa của chúng ta ngày càng đáng báo động. Việc sản xuất sữa sạch đâu đó vẫn có hộ chăn nuôi làm tốt nhưng phần đông đều không đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, việc sử dụng hooc môn tiêm kích dục sinh sản cho bò, đã dẫn đến nhiều lượng hooc môn tồn dư trong sữa, trẻ em sử dụng lâu dài loại sữa này bị hội trứng phát triển sớm, thông thường nữ thập tam, nam thập lục nhưng giờ ngày càng xuất hiện nhiều trẻ em mới 7-8 tuổi đã có biểu hiện dậy thì. Đây là điều mà ngành sữa phải quan tâm giải quyết.

Đề xuất 200 nghìn ha đất để trồng cỏ nuôi bò

Ông Lưu Văn Tân- Chuyên gia của Friesland Campina Vietnam nêu vấn đề: Nhà nước Việt Nam có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi bò sữa quy mô lớn từ 500 con trở lên, cứ mỗi con bò giống cao sản nhập khẩu được hỗ trợ 10 triệu đồng. Nhờ vậy, các doanh nghiệp lớn hưởng lợi, có điều kiện đầu tư con giống tốt. Trong khi nông dân thua thiệt vì họ không được hưởng chính sách này, chỉ dám nuôi con giống lai chi phí vốn đầu tư thấp, năng suất thấp, sẽ không thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn. Vì vậy, cần phải có chính sách thiết thực hơn hỗ trợ hộ nông dân tăng số lượng bò nuôi, tiếp cận với bò giống cao sản ngoại nhập.

Ts Lê Văn Thông- Giám đốc Trung tâm Giống gia súc lớn trung ương kiến nghị, để có cơ cấu giá thua mua sữa khách quan cho người chăn nuôi và cả nhà máy chế biến sữa đảm bảo lợi nhuận công bằng, nên thành lập Ủy ban Sữa quốc gia bao gồm đại diện người sản xuất sữa, nhà chế biến sữa, Hội người tiêu dùng và đại diện cơ quan của Chính phủ. Đồng thời hoàn thiện hệ thống thu mua sữa tại các tỉnh, thành phố. .

Ông Nguyễn Xuân Dương phân tích hiệu quả kinh tế: Trồng lúa chỉ cho thu hoạch mỗi năm 2 vụ được 10 tấn thóc. Một ha đất trồng các giống cỏ cao sản có thể cho năng suất 200 tấn cỏ, đủ nuôi 5 con bò sữa. Nếu tính mỗi con bò cho 6 tấn sữa/năm, thì 1 ha trồng cỏ sẽ cho 30 tấn sữa. Với giá thu mua sữa 12.000 đ/kg thì cho doanh thu 360 triệu đồng/ha, cao gấp 6-7 lần trồng lúa. Nếu cứ chăn nuôi theo hình thức chăn thả trên những bãi cỏ tự nhiên như hiện nay thì lợi nhuận từ bò sữa sẽ không thể cao. Vì vậy, Cục Chăn nuôi đang kiến nghị Bộ NN-PTNT cho chuyển 200 nghìn ha đất lúa sang trồng cỏ chăn nuôi bò sữa. Mục tiêu đến năm 2020 đưa tổng đàn bò sữa đạt 500 ngàn con, tổng sản lượng sữa đạt trên 1 triệu tấn. Đồng thời, áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ sinh học trong chăn nuôi bò sữa đặc biệt các công nghệ sinh học trong công tác giống và sinh sản để tăng nhanh tiến bộ di truyền, năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi bò sữa.

Chu Khôi/ nguoitieudung

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: