VINAGRI News - Mặc dù xuất khẩu cá ngừ của nước ta những tháng đầu năm 2013 vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức tăng chậm lại và đó chỉ là “dư âm” của sự tăng trưởng mạnh năm 2012. Từ quý II/2013, xu hướng sụt giảm thể hiện rõ nét, khi mà lượng tồn kho cá ngừ trên thế giới tăng, nhu cầu NK giảm và nguồn cung trong nước không đáp ứng được yêu cầu chất lượng của thị trường và nhà NK.
Mặc dù cá ngừ của Việt Nam được xuất sang 90 thị trường, tăng 10 thị trường so với năm trước nhưng tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2013 vẫn giảm 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do sự sụt giảm mạnh ở 2 thị trường chính là Mỹ và Nhật Bản.
Mặc dù XK sản phẩm cá ngừ đóng hộp và chế biến khác vẫn tăng khả quan, nhưng không đủ bù đắp cho sự sụt giảm 2 dòng sản phẩm chính là cá ngừ tươi/đông lạnh (HS03).
Mỹ: Năm nay xu hướng XK cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Mỹ ngược lại so với năm trước. Năm 2012, những tháng đầu năm, XK cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ liên tục sụt giảm cho đến hết tháng 4 mới có sự tăng trưởng kéo dài tới những tháng cuối năm. Nhưng bước sang năm 2013, giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ lại tăng trưởng liên tục qua các tháng tới hết quý 1 và bước sang quý 2 mới bắt đầu có sự sụt giảm. Và xu hướng này hiện đang kéo dài tới tận thời điểm này.
Tính đến hết tháng 8, tốc độ sụt giảm giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ đã lên tới 2 con số. Tất cả các mặt hàng cá ngừ của Việt Nam xuất sang đây (trừ các sản phẩm cá ngừ chế biến khác) đều giảm so vo với cùng kỳ. Đáng chú ý nhất cá ngừ đóng hộp sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam sang đây đang có dấu hiệu sụt giảm so với cùng kỳ. Điều này cho thấy các sản phẩm cá ngừ đóng hộp của Việt Nam không thể cạnh tranh được với các các sản phẩm cùng loại đến từ Thái Lan.
Nhật Bản: XK cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản liên tục sụt giảm trong những tháng gần đây vì sự siết chặt kiểm tra chất lượng của cơ quan quản lý Nhật Bản. Qua các tháng, mức độ sụt giảm ngày càng sâu. . Riêng tháng 8, XK cá ngừ của Việt Nam sang đây giảm mạnh 41,2%.
Xét về cơ cấu mặt hàng, giảm mạnh nhất vẫn là mặt hàng cá ngừ tươi/sống/đông lạnh, giảm 30% so với cùng kỳ. Mặt hàng thăn cá ngừ mã 0304 và cá ngừ chế biến khác mặc dù có sự tăng trưởng nhưng vẫn không đủ bù đắp lại sự sụt giảm của mặt hàng cá ngừ tươi/sống/đông lạnh.
Italia: XK sang thị trường EU mặc dù vẫn đạt tăng trưởng gần 28% trong 8 tháng qua, nhưng thị trường chính trong khối là Italia (chiếm 18% tổng NK cá ngừ Việt Nam vào EU) lại giảm NK cá ngừ của Việt Nam. Có những tháng tốc độ tăng trưởng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang Italia lên tới 820% và có những tháng lại giảm tới hơn 85% so với tháng cùng kỳ. Nguyên nhân là do thời gian qua Italia tăng cường NK thăn cá ngừ của Việt Nam nhằm hưởng lợi từ quy định ưu đãi thuế quan của EU cho mặt hàng thăn cá ngừ. Và sau khi sử dụng hết hạn ngạch ưu đãi này, NK thăn cá ngừ của Italia đã bắt đầu có sự sụt giảm. Do đó, kéo theo tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang đây trong 8 tháng đầu năm giảm 3% so với cùng kỳ.
Bên cạnh sự sụt giảm của Italia, trong tháng 8, NK cá ngừ của Tây Ban Nha từ Việt Nam cũng có sự sụt giảm, điều này mặc dù chỉ khiến cho tốc độ tăng trưởng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam sang đây chậm lại. Nhưng cho thấy việc ưu đãi thuế quan của EU đối với mặt hàng thăn cá ngừ cho các nước Châu Á thời gian qua ảnh hưởng rất lớn tới XK cá ngừ của Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là trong bối cảnh các nước đối thủ như Philippines và Thái lan đang nỗ lực đẩy mạnh tiến trình gia nhập GSP+ cho các sản phẩm cá ngừ của họ thì liệu chăng các cơ quan nhà nước của Việt Nam cũng cần phải quan tâm hơn tới điều này.
Dự báo thời gian tới, XK cá ngừ của Việt Nam cũng sẽ không có sự khả quan. Trong quý 3 và quý IV, XK cá ngừ sẽ tiếp tục giảm so với cùng kỳ, nhất là XK sang hai thị trường chính là Mỹ và Nhật Bản.
Nguyễn Hà/ vasep
Không có nhận xét nào: