VINAGRI News - Bà Nguyễn Thị Kiều, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP Cần Thơ cho biết, đến ngày 9.10.2013, 14 doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ đã đăng ký tham gia xây dựng vùng nguyên liệu và thu mua, tạm trữ, chế biến, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa với tổng diện tích hơn 19.000 ha trong vụ Đông Xuân 2013-2014.
Các doanh nghiệp liên kết đầu tư với các hình thức như ứng trước giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn giá thị trường khoảng 100-200 đồng/kg lúa.
Cách liên kết kiểu Gentraco
Trước đây, Gentraco - công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ đầu tư cánh đồng mẫu lớn, thực hiện hợp đồng bao tiêu lúa khá tốt, nhưng diện tích không lớn lắm.
Nông dân liên kết thành tổ hợp tác hoặc HTX để hoàn thiện hệ thống canh tác và các doanh nghiệp liên kết nhau trong việc hoàn thiện dịch vụ hỗ trợ sẽ làm cho việc tổ chức sản xuất tốt hơn. Ảnh: Lê Hoàng Yến
Bà Lưu Thị Lan, phó tổng giám đốc Gentraco cho biết, hàng năm, Gentraco xuất khẩu khoảng 300.000 tấn gạo, doanh thu trên 3.500 tỉ đồng. Đối với thị trường nội địa, các mặt hàng gạo cao cấp mang nhãn hiệu gạo sạch Miss Cần Thơ, gạo thơm Cò Trắng, gạo sạch Ngọc Đồng, gạo dinh dưỡng Ngọc Đỏ của Gentraco đã vào siêu thị Coopmart, Vinatex , Maximart, Big C,...
Đối với thị trường Australia, New Zealand, Mỹ, Hàn Quốc, Cộng hòa Séc... sản phẩm đóng gói từ các loại túi nhỏ 1-5 kg đến các loại bao bì 50- 25kg theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2008 và HACCP đã đáp ứng các yêu cầu của hệ thống siêu thị.
Để chủ động và quản lý nguồn nguyên liệu gạo thơm đầu vào, đáp ứng nhu cầu và xu hướng sử dụng nông sản an toàn, sau vùng nguyên liệu Hòa Lời, Sóc Trăng, Gentraco đã mở rộng vùng lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ để xây dựng thương hiệu gạo sạch “Miss Cần Thơ”. Ngoài ra, Gentraco còn đầu tư mạnh vào chương trình Cánh đồng mẫu từ năm 2008. Đến năm 2013, tổng diện tích của mô hình này khoảng 3.700 ha tại huyện Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh, Thới Lai (Cần Thơ), Hòa Lời-Ngọc Đông (Sóc Trăng) và Phú Thượng-Phú Tân (An Giang) với những giống lúa thơm chất lượng cao và được thị trường ưa chuộng.
“Nông dân phải tuân thủ hơn 200 tiêu chuẩn về an toàn: an toàn cho người sản xuất, cho người tiêu dùng, an toàn cho môi trường và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm mới được chứng nhận GlobalGAP”, bà Lan nói. Hiện nay, viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL và Gentraco phối hợp thực hiện dự án “Canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính” tại huyện Phú Tân (An Giang) và Vĩnh Thạnh (Cần Thơ) nhằm chuyển giao kỹ thuật giảm chi phí, giá thành sản xuất, tăng năng suất và mang lại lợi ích cho môi trường.
Mô hình này đã liên kết được các công ty hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân như Hóa Nông Hợp Trí, Phân bón Cò Bay, Phân bón Bình Điền, công ty Tân Thành… cung cấp vật tư đầu vào với nhiều “ưu đãi về giá” và “không lãi suất” .
Cải tiến khâu thu mua
Đa số các khó khăn đều tập trung vào giai đoạn thu mua với áp lực rất cao trong giai đoạn chính vụ và thông qua những góp ý từ bà con, bà Lan cho biết, Gentraco cải tiến liên tục công tác thu mua như: mua cả lúa tươi và lúa khô, vấn đề vận chuyển, bao bì cũng như công tác truyền thông qua hệ thống thông tin nhanh chóng đến từng nông hộ.
Sản xuất - tiêu thụ với tỷ lệ lãi ổn định là mong muốn của người trồng lúa. Ảnh: Lê Hoàng Yến
Riêng việc liên kết với Mobifone xây dựng hệ thống tổng đài tin nhắn SMS đến từng nông hộ trong vùng nguyên liệu, Gentraco có thể truyền tải nhanh chóng các thông tin về mùa vụ, cảnh báo dịch hại, sâu bệnh, thời tiết... cũng như giá cả thu mua, qua đó ngày càng gắn chặt mối liên kết với tất cả thành viên tham gia hợp đồng.
Từ việc hợp đồng một vụ chính, năm 2013-2014, Gentraco đã tăng lên liên kết hợp đồng cả 3 vụ trong năm. Tỷ lệ thu mua thường đạt ở mức 70-80% trên tổng diện tích ký hợp đồng. 20-30% còn lại nông dân không bán cho công ty với rất nhiều lý do như: lúa không đạt chất lượng xuất khẩu (độ lẫn cao, độ gãy cao, tạp chất cao..), một số hộ không thỏa thuận được giá, hoặc những khó khăn từ công ty trong giai đoạn mùa vụ tập trung như: chậm giao bao bì, phương tiện vận chuyển… Công ty đang từng bước khắc phục các điểm yếu này để tăng dần tỷ lệ thu mua trên 90% diện tích.
Giám đốc công ty lương thực sông Hậu, ông Lê Minh Trượng, cho rằng: "Mô hình liên kết trong sản xuất cần được hỗ trợ trong thời gian tới là: Một số cán bộ địa phương (ấp, xã) chưa nắm rõ thông tin, thiếu hợp tác với doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng nông thôn còn bất cập, khó khăn để vận chuyển lúa tươi về kho của doanh nghiệp,…”. Ông kiến nghị UBND thành phố sớm xem xét cho doanh nghiệp mua đất, hỗ trợ chuyển đổi từ đất sản xuất sang đất chuyên dùng để doanh nghiệp đầu tư kho sấy tại vùng nguyên liệu.
Ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ khẳng định “UBND sẽ giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND xã, hội nông dân, trưởng ấp có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp, đồng thời tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp đầu tư kho sấy tại vùng nguyên liệu. Nếu có vấn đề gì khó khăn khi triển khai, cứ liên hệ trực tiếp với UBND, để có cách xử lý”.
Theo ông Dũng, các nông hộ cần hình thành các tổ hợp tác để việc ký kết hợp đồng với các doanh nghiệp cũng như việc tổ chức sản xuất theo đặt hàng của doanh nghiệp tốt hơn.
Vân Anh - Ngọc Bích/ Báo SGTT
Không có nhận xét nào: