VINAGRI News - Để Tân Hội trở thành xã đầu tiên của cả tỉnh đạt được 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới như hôm nay, việc tìm ra những mô hình sản xuất có hiệu quả cao, năng suất và chất lượng nông sản bảo đảm… từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân đã được ngành nông nghiệp tỉnh và huyện Đức Trọng quan tâm từ những năm qua.
Hội thảo đầu bờ về sản xuất rau theo VietGAP tại Đức Trọng
Phát huy thế mạnh cạnh tranh của địa phương là vùng sản xuất rau thương phẩm, Sở NN-PTNT từ đầu năm 2012 tới nay đã đầu tư tại Tân Hội các mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, từng bước gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản, tạo được mối liên kết “4 nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước)…
Ông Nguyễn Trúc Bồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng (Sở NN-PTNT) - cơ quan đang cùng với ngành nông nghiệp huyện Đức Trọng và các hộ nông dân xã Tân Hội triển khai mô hình sản xuất rau theo VietGAP tại địa bàn cho biết, 8 hộ nông dân có vốn đầu tư, có kinh nghiệm sản xuất rau và có đất canh tác tại các thôn Tân An, Tân Hiệp và Tân Phú xã Tân Hội từ đầu năm 2012 đã tham gia sản xuất các giống rau như tần ô, ớt ngọt, cà chua anna, cà chua halay, bông hẹ Đài Loan… theo tiêu chuẩn VietGAP dưới sự hướng dẫn và quản lý kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng và Trung tâm Nông nghiệp Đức Trọng. Để thực hiện mô hình thành công và có tính nhân rộng cao, Sở NN-PTNT tỉnh thông qua Trung tâm Khuyến nông đã hỗ trợ các hộ tham gia mô hình 46% kinh phí mua giống, 50% kinh phí phân bón và 100% kinh phí dùng cho phân tích mẫu (mẫu đất, phân bón, nước tưới và sản phẩm sau thu hoạch) của quá trình sản xuất; phần kinh phí còn lại do nông dân đóng góp thông qua HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hội.
Quy trình kỹ thuật sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn Việt Nam (VietGAP) đã được tuân thủ nghiêm ngặt trong cả quá trình thực hiện mô hình như cây giống phải có nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn và xuống giống đúng thời vụ; phân bón được sử dụng theo đúng thời điểm, đúng chủng loại theo nhu cầu dinh dưỡng của từng giai đoạn phát triển của từng giống rau khác nhau; thuốc BVTV được sử dụng theo nguyên tắc “4 đúng” và chỉ được sử dụng khi thật sự cần thiết; nguồn nước mặt dùng để tưới tại địa điểm thực hiện mô hình không bảo đảm chất lượng (hàm lượng vi sinh vật vượt quá ngưỡng cho phép) đã được thay thế bằng nước lất từ giếng khoan và tưới bằng áp dụng công nghệ tưới phun mưa hoặc tưới nhỏ giọt. Với việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau sạch, các loại rau mới được đưa vào sản xuất tại các mô hình đều đạt tỷ lệ sống trên 96%, ít sâu bệnh, sinh trưởng khá… cho năng suất và chất lượng đạt cao, phát triển phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Tân Hội nói riêng và Đức Trọng nói chung.
Theo tổng hợp của HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hội và Trung tâm Nông nghiệp huyện Đức Trọng thì sau thời gian canh tác mỗi vụ từ 60 ngày (đối với ớt ngọt màu xanh) tới 70 ngày (với cà chua giống anna và cà chua giống halay) và 90 ngày (đối với bắp cải), năng suất bắp cải đã đạt 210 tấn/ha/vụ, ớt ngọt màu xanh đạt 59 tấn/ha/vụ, cà chua từ 82 tới 110 tấn/ha/vụ..; lợi nhuận bình quân đạt từ 77 triệu đồng (cà chua anna) tới 248 triệu đồng/ha/vụ (với giống ớt màu xanh)… cao hơn nhiều so với các giống rau được thâm canh theo phương pháp truyền thống trên cùng địa điểm.
Cùng với việc chuyển giao mô hình sản xuất, việc liên kết tiêu thụ sản phẩm rau sạch sau thu hoạch cũng đã được ngành nông nghiệp Đức Trọng và các cơ quan triển khai mô hình quan tâm. Nhờ sự quan tâm này tất cả sản phẩm được sản xuất từ các mô hình này cũng như từ các mô hình nhân rộng tại xã Tân Hội đều đã được tiêu thụ tại ruộng như cà chua halay được Trang trại Phong Thúy tiêu thụ, Công ty Rau Đà Lạt ký hợp đồng bao tiêu rau sạch với HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Hội, Doanh nghiệp tư nhân Thuận Bông bao tiêu mặt hàng cà rốt. Nhiều cơ sở thu mua - chế biến nông sản khác tại Đức Trọng và Đà Lạt cũng đã tới Tân Hội tìm nguồn hàng… Tuy vậy, theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng thì cái “được lớn nhất” từ thực hiện mô hình sản xuất rau theo VietGAP tại Tân Hội thời gian qua là “Thói quen sản xuất có trách nhiệm với chất lượng nông sản, với môi trường sống… đã được bà con nông dân thực hiện… và mô hình có khả năng nhân rộng cao đưa lại thu nhập cao và bền vững cho người sản xuất”…
Xuân Đức/ Báo Lâm Đồng
Không có nhận xét nào: