» » Phương án tạm trữ cà phê có thể bị lỗi hẹn

VINAGRI NewsVào cuối tháng 6, khi giá cà phê trên thị trường liên tục giảm, Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) đã có kiến nghị với Chính phủ cho tạm trữ 200.000-300.000 tấn cà phê trong niên vụ 2013/2014. Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của TBKTSG nhiều khả năng phương án tạm trữ cà phê thêm một lần nữa lỗi hẹn.

Cà phê mới thu hoạch xong. Ảnh: NH

Theo nguồn tin này, việc Vicofa có kiến nghị tạm trữ khi giá cà phê xuống thấp là một cách để giúp người trồng cà phê không bị thua lỗ. Thậm chí lần này, Vicofa còn đưa vào điều khoản là hỗ trợ người dân trồng cà phê được vay vốn ưu đãi để họ tự tạm trữ thay vì chỉ một mình doanh nghiệp tạm trữ như những kiến nghị trước đây.

"Theo tôi biết, để được thông qua chương trình tạm trữ thì một trong những điều kiện bắt buộc là giá bán cà phê trên thị trường phải thấp hơn chi phí sản xuất. Như vậy, mới mức giá cà phê như hiện nay thì khó có một chương trình tạm trữ cà phê", ông nói.

Vào năm 2010, Chính phủ đã đồng ý cho tạm trữ 200.000 tấn cà phê, nhưng khi giao cho doanh nghiệp thì chỉ tạm trữ được 17.000 tấn (vào thời điểm kết thúc tạm trữ là 15-7-2010). Vào thời điểm này, lý giải cho sự thất bại của chương trình mua cà phê tạm trữ, các doanh nghiệp đổ lỗi cho thủ tục vay tiền với ngân hàng khó khăn nên không có đủ tiền để mua tạm trữ.

Một nguyên nhân khác dẫn đến chương trình tạm trữ này không thành công là trước đó để được Chính phủ đồng ý cho tạm trữ cà phê, Vicofa đưa ra đề xuất là đảm bảo cho nông dân trồng cà phê có lợi nhuận tối thiểu 30% như cách làm của Hiệp hội lương thực Việt Nam kiến nghị cho chính sách tạm trữ lúa gạo.

Tuy nhiên, chương trình tạm trữ cà phê trong năm 2010 đã thất bại mà nguyên nhân là các doanh nghiệp tạm trữ cà phê lại mua theo giá thị trường (nghĩa giá thấp thì mua thấp, giá cao thì mua cao) chứ không mua với mức giá đảm bảo cho người trồng cà phê có lợi nhuận tối thiểu 30%.

Sau thất bại này, những vụ cà phê tiếp theo dù Vicofa có kiến nghị tạm trữ để hỗ trợ người trồng cà phê do giá cà phê xuống thấp nhưng không được đồng ý, vì theo Chính phủ tuy giá cà phê xuống thấp nhưng vẫn còn cao hơn chi phí sản xuất nên không cần một chương trình tạm trữ cà phê.

Mặc dù, nguồn tin trên khẳng định, cơ quan quản lý chỉ đề cập đến vấn đề tạm trữ cà phê nếu giá bán thấp hơn chi phí sản xuất. Tuy nhiên, theo tính toán của người dân trồng cà phê thì chi phí sản xuất một kg cà phê đang ở mức tương tương giá bán.

Trao đổi với TBKTSG, ông Nguyễn Văn Tân, một người trồng cà phê ở tỉnh Đăk Nông cho biết, nếu tính tất cả từ tiền phân bón, công lao động đến tiền điện, xăng dầu thì hiện chi phí sản xuất một kg cà phê dao động trong khoảng 32.000-40.000 đồng/kg (xem bảng tính chi phí phía dưới).

"Hiện giá cà phê trong thời gian này đang ở mức trên dưới 36.000 đồng/kg, nghĩa là người trồng cà phê đang bán ngang với giá thành và chỉ có thể nói có lãi khi không đưa công lao động của gia đình để tính giá thành”, ông Tân nói.


Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 6-2013, tổng dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cà phê đạt 27.529 tỉ đồng, tăng 6,5% so với cuối năm 2012. Dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến xuất khẩu thủy sản đến cuối tháng 8-2013 đạt 35.381 tỉ đồng, tăng 0,52% so với thời điểm 31-12-2012.

Ngọc Hùng/ The Saigon Times

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: