VINAGRI News - So với cùng kỳ 2012, 8 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu gạo giảm cả lượng và giá. Sự sụt giảm này khiến kim ngạch xuất khẩu gạo cũng giảm nghiêm trọng. Sự suy giảm này đang khiến các nhà quản lý lo lắng. Tuy nhiên, những giải pháp đưa ra vẫn chỉ mang tính chất tạm thời. Làm sao để thị trường lúa gạo ổn định, đời sống nông dân không còn bấp bênh, đó vẫn là câu hỏi nhức nhối.
Ảnh: Lê Hà
Ì ạch xuất khẩu
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trong tháng 8, lượng gạo xuất khẩu mới được 521.000 tấn, giá bình quân đã giảm 15%, tương đương giảm 15 USD/tấn. Tính chung 8 tháng năm 2013, lượng gạo xuất khẩu đã giảm tới 15,7% so với cùng kỳ và giá gạo xuất khẩu cũng chung "số phận”. Theo Bộ NN&PTNT, giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng qua chỉ đạt 438,49 USD/tấn, giảm 3,25% so với cùng kỳ năm 2012.
Chỉ lược qua vài con số trên đã có thể thấy rõ, đây là một năm ngành lúa gạo gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên phải nói đến số lượng hợp đồng xuất khẩu gạo bị hủy, dẫn đến các DN bị tồn gần 1 triệu tấn gạo do đối tác đơn phương chấm dứt hợp đồng. Chỉ tính riêng thị trường Trung Quốc đã hủy nhập khẩu gần 600 nghìn tấn gạo. Cùng với những rối ren trong mối quan hệ giữa các đối tác, các DN xuất khẩu gạo cũng đang phải đối mặt với hàng loạt những rào cản đến từ các thị trường Ấn Độ, Thái Lan. Theo các chuyên gia ngành lúa gạo, hiện các nước xuất khẩu gạo nhiều như Thái Lan, Ấn Độ đang tích cực đưa nguồn cung ra thị trường, trong khi sức mua của các nước ngày càng có dấu hiệu giảm, do đó giá gạo ngày một bị kéo xuống thấp. Đó là lý do khiến giá gạo xuất khẩu của ta đang bị suy giảm từng ngày. Thêm vào đó, nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia và nhiều thị trường khác giảm cũng, "góp” nguyên nhân khiến thị trường xuất khẩu gạo thêm chật vật.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá gạo xuất khẩu bình quân giảm 15% - Ảnh: Hoàng Long
Nỗ lực tìm giải pháp
Trước thực trạng xuất khẩu gạo ngày càng chật vật, trong khi đó, trong nước, tình trạng nông dân bỏ hoang ruộng đất vẫn diễn ra rất phức tạp, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đề xuất Chính phủ cho mua tạm trữ thêm 300.000 tấn quy gạo vụ hè thu và vụ thu đông để giữ giá lúa ở thị trường nội địa. Thời gian mua từ ngày 15-9 đến 15-10. VFA cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ lãi suất cho DN mua tạm trữ 300.000 tấn gạo này thời gian là hai tháng (từ 15-9 đến 15-11).
Ngoài ra, VFA cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thêm thời hạn hỗ trợ lãi suất vay mua 1 triệu tấn quy gạo tạm trữ vụ hè thu. Theo đó, thay vì các DN tham gia mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo hè thu phải trả nợ vào ngày 15-9, nay đề nghị được phép kéo dài đến 15-10, giúp DN thoát khỏi tình trạng bán tháo gạo khi đến hạn.
Phía Bộ Công thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cũng cho biết, Bộ đã ban hành Chỉ thị 15 về một số giải pháp nhằm tăng cường biện pháp tiêu thụ gạo. "Cùng với đó, Bộ cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng nỗ lực tìm đầu ra cho lĩnh vực xuất khẩu gạo” – ông Hải cho hay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngành lúa gạo, chính sách thu mua tạm trữ vào thời điểm thu hoạch rộ chỉ là giải pháp đòn bẩy, giúp ngăn giá lúa giảm sâu. Còn về lâu dài, để thị trường lúa gạo phát triển ổn định, đồng thời nâng cao mức thu nhập cho người nông dân, DN và nông dân phải xích lại gần nhau hơn nữa, phải tạo mối liên kết khăng khít để tạo một chuỗi sản xuất khép kín. Bên cạnh đó, bản thân các DN cũng phải đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường, không nên chỉ trông chờ những chính sách từ phía các nhà quản lý.
Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt chương trình sản phẩm quốc gia, trong đó lúa gạo là sản phẩm ưu tiên số một. Được biết, Bộ NN&PTNT đã giao Cục Trồng trọt chủ trì làm đầu mối phối hợp với tất cả viện nghiên cứu, các tỉnh, thành xây dựng khung đề án phát triển sản phẩm quốc gia (lúa, nấm ăn, nấm dược liệu và cá tra). Theo đó, Đề án này sẽ bao gồm các khâu từ chọn tạo, sản xuất kinh doanh giống, sản xuất lúa hàng hóa chất lượng và năng suất cao, ổn định cho tới tổ chức xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam phục vụ xuất khẩu... tạo thành một chuỗi sản xuất - kinh doanh hoàn thiện, chứ không chỉ có mỗi khâu sản xuất. Hy vọng, với những nỗ lực này, ngành lúa gạo sẽ vượt qua được những rào cản và tiến tới phát triển một cách ổn định, bền vững.
Minh Phương/ Báo Đại Đoàn Kết
Không có nhận xét nào: