VINAGRI News - Ở độ cao 1.600m, lượng mưa ít, mùa khô kéo dài, nhiệt độ thấp chỉ từ 16-19 độ C vào ban đêm, và 20-22 độ C vào ban ngày, quanh năm sương mù bao phủ, có thể vì thế mà hàm lượng chất kết tinh trong lá trà cao, hương vị đậm đà, thơm ngon hơn hẳn nơi khác.
Sau những xôn xao “trà bẩn”, chúng tôi tìm về vùng trà Cầu Đất (Đà Lạt), vẫn thấy ở đây sự bình yên. Ở độ cao 1.600m, không gian thật trong lành, sương giăng trắng trên những đồi trà xanh, hương thơm phảng phất…
Đồi trà Cầu Đất
Nếu vùng trà B’Lao (Bảo Lộc, Lâm Đồng) nhộn nhịp phố phường với rất nhiều danh trà, thì ở Cầu Đất, nơi cây trà đã cắm rễ hàng trăm năm nay, vẫn trầm lắng với vùng nguyên liệu đặc trưng cao nguyên. Nhà máy chè Cầu Đất (ở thôn Trường Thọ, xã Trạm Hành) nay thu hẹp lại như một xưởng sản xuất, không ồn ào náo nhiệt, chỉ có những công nhân đang lặng lẽ làm việc, những chuyến xe chở trà vào ra… Chị Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc công ty giản dị áo bà ba, nón lá cùng làm với công nhân. Nơi tiếp khách cũng chỉ là một căn phòng nhỏ, một bộ bàn ghế, các mẫu trà và ly tách uống nước. Chị Bích rót trà mời chúng tôi. Đúng là thưởng thức, đưa ly trà lên, nhìn màu nước, hà hít hương thơm và trầm ngâm cảm nhận vị ngọt đọng lại… Nói chuyện văn hóa trà tao nhã, tinh túy, càng thấy chuyện làm “trà bẩn” ở một vài cơ sở vừa rồi là “không thể chấp nhận”. Chị Bích nói: Tôi cũng không hiểu họ nghĩ sao mà lại dám làm như vậy. Lời lãi bao nhiêu mà dám bán rẻ cả cơ nghiệp nhà mình. Rồi chị giới thiệu về quy trình làm trà, chào hàng, bán hàng: Các anh chị thấy đấy, mình uống còn phải nhìn nước trà trong, xanh, cảm nhận hương vị. Trà xuất khẩu còn qua nhiều khâu kiểm nghiệm hơn nữa. Lần đầu, mình gửi cho họ mẫu nhỏ khoảng 300gam, họ test, kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tính chất hóa lý, tạp chất; test lần 1, lần 2, “ok” rồi mình mới gửi lô hàng, lại kiểm nghiệm, nếu không đúng như mẫu thì họ trả về. Một “công” (container) đơn 9,8 tấn, “công” đôi 19 tấn, nếu làm ẩu họ trả về là chết, sạt nghiệp. Để đạt tiêu chuẩn, phải “sạch” phải từ khâu đầu đến khâu cuối, từ khâu chăm bón đến khâu chế biến trong nhà máy. Hiện công ty có hơn 120ha trà, trong đó có 30ha trà Ôlong. Hiện giờ Ôlong đang là sản phẩm chính của nhà máy, được xuất đi Đức, Đài Loan, Apganixtan…
“Hàng xóm” Công ty chè Cầu Đất là Công ty HaiYih. Giám đốc công ty cũng là một phụ nữ còn trẻ - chị Hà Thúy Linh. Chị hào hứng nói về những giống trà Ôlong, Kim Tuyên, Tứ Quý, Thúy Ngọc. Theo như chị thì cách chăm sóc trà Ôlong kỹ như “chăm em bé”; cách hái trà cũng rất riêng, người hái kẹp mảnh dao lam vào kẽ tay và cắt ngọt búp trà để cho cây đỡ “đau”… Trà ô long HaiYih có tiếng lâu nay. Với khoảng 120ha, mỗi năm công ty sản xuất được trên 100 tấn trà thành phẩm. 80% số này xuất đi nước ngoài. Ngoài số công nhân lao động thường xuyên, công ty còn ký hợp đồng với nông dân, bao tiêu sản phẩm trà búp tươi của nông dân với giá 45.000đ/kg Ôlong, 27.000đ/kg như Kim Tuyên, Tứ Quý, Thúy Ngọc… Nông dân làm trà cũng rất chuyên nghiệp, có kỹ thuật, ý thức rõ việc phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu chất lượng, vì đây chính là “nồi cơm” của mình, không thể làm ẩu được.
Chế biến trà ở Công ty HaiYih
Những người công nhân, nông dân ở đây tự hào về thương hiệu trà Cầu Đất đã gần thế kỷ. Từ năm 1927, người Pháp đã đưa cây trà đến đây và lập Sở trà Cầu Đất. Một vùng trà rộng lớn 600ha với cả ngàn công nhân. Cho đến giờ vẫn là nghề “gia truyền” của nhiều nhà, có nhà đến mấy đời làm trà. Ở độ cao 1.600m, lượng mưa ít, mùa khô kéo dài, nhiệt độ thấp chỉ từ 16-19 độ C vào ban đêm, và 20-22 độ C vào ban ngày, quanh năm sương mù bao phủ, có thể vì thế mà hàm lượng chất kết tinh trong lá trà cao, hương vị đậm đà, thơm ngon hơn hẳn nơi khác. Sau trà xanh, trà đen, bây giờ các đơn vị phát triển giống trà Ôlong để đáp ứng thị trường xuất khẩu… Mọi người nói về trà như cái nghiệp của mình, gắn bó, sống chết cùng nhau. Ai cũng nghĩ phải giữ gìn và nâng cao giá trị thương hiệu trà Cầu Đất.
Thanh Hằng/ Báo Lâm Đồng
Không có nhận xét nào: