» » Giảm diện tích lúa để tăng thu nhập nông dân

VINAGRI NewsKéo giảm diện tích sản xuất lúa ở Nam bộ nói chung và ĐBSCL nói riêng là mục tiêu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra để giúp tăng thu nhập người trồng lúa thời gian tới. Trong khi đó, diễn biến thị trường lúa gạo trong nước và xuất khẩu những tháng cuối năm được dự báo tiếp tục ảm đạm.

Theo một số nhà chuyên môn, giảm diện tích chưa hẳn thu nhập của người trồng lúa sẽ tăng. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa - Ảnh: Trung Chánh

Giảm diện tích, thu nhập nông dân tăng?

Đánh giá kết quả sản xuất lúa năm 2013, ông Lê Thanh Tùng, chuyên viên Cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, năm 2013, ngành lúa gạo khu vực Nam bộ có diện tích sản xuất vụ đông xuân 2012-2013 tăng hơn 20.800 héc ta so với năm ngoái và sản lượng ước tăng 650.000 tấn so với năm 2012 nhưng còn gặp khó khăn về tình hình xuất khẩu, thu nhập của người trồng lúa chưa được bảo đảm.

Nguyên nhân dẫn đến xuất khẩu gạo gặp khó được ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho biết do sản lượng gạo trong nước dư thừa; tồn kho của Ấn Độ và Thái Lan lớn (lần lượt là 26 và 15 triệu tấn); trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của một số thị trường, đặc biệt là Philippines, Indonesia… không nhiều.

Tại hội nghị “Sơ kết sản xuất vụ hè thu, thu đông và vụ mùa năm 2013; triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2013-2014 ở Nam bộ” được tổ chức ở Trà Vinh vào ngày 23-9 , Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra mục tiêu kéo giảm diện để tăng thu nhập cho người nông dân.

Theo đó, diện tích sản xuất lúa khu vực Nam bộ trong năm 2014 sẽ được kéo giảm khoảng 3.260 héc ta so với năm 2013.

Tuy nhiên, trao đổi với TBKTSG bên lề hội nghị này, một số nhà chuyên môn khẳng định giảm diện tích không phải là yếu tố quyết định đến tăng thu nhập của nông dân.

“Theo tôi, yếu tổ tác động đến thu nhập của người nông dân không phải ở việc tăng hay giảm diện tích mà do cung cầu thị trường quyết định”, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết

Theo ông Bảnh, cái gốc của vấn đề do khâu tổ chức sản xuất hiện có quá nhiều “lổ hỏng”. “Về lâu dài, doanh nghiệp phải nắm được quốc gia nào cần loại gạo gì, nhu cầu bao nhiêu? Từ đó, doanh nghiệp chào hàng, ký hợp đồng rồi quay lại đặt hàng nông dân sản xuất, nếu loại gạo đó chưa có thì doanh nghiệp phải đặt hàng với nhà khoa học”, ông Bảnh nêu lên giải pháp.

Xuất khẩu giảm, nội địa rớt mạnh

Ông Phong của VFA, cho biết xuất khẩu gạo năm 2013 rất khó để đạt được mục tiêu 7,5 triệu tấn và tổ chức này đã điều chỉnh giảm dự báo xuất khẩu năm nay xuống còn 7,2 triệu tấn.

“Mục tiêu xuất khẩu đạt 2,5 triệu tấn ở quí 4 là rất nặng nề bởi các doanh nghiệp trong nước đang bị cạnh tranh gay gắt bởi Thái Lan và Ấn Độ”, ông Phong cho biết.

Theo ông Phong, châu Phi hiện chiếm đến 23-24% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng đầu năm nay (gần 4,8 triệu tấn, tính đến ngày 12-9-2013), tuy nhiên, chủ yếu xuất gạo chất lượng cao, gạo thơm, còn gạo cấp thấp không cạnh tranh lại với Ấn Độ do phí vận chuyển quá cao, đến 50 – 55 đô la Mỹ/tấn.

Trao đổi qua điện thoại với TBKTSG vào chiều 23-9, ông Dương Văn Mến, thương nhân kinh doanh lúa gạo tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, cho biết hiện lúa IR 50404 tươi thu hoạch bằng máy gặt liên hợp tại ĐBSCL có giá 4.000 – 4.100 đồng/kí lô gam và 4.200 – 4.300 đồng/kí lô gam đối với lúa hạt dài (tươi), giảm 400 – 500 đồng/kí lô gam so với mức giá hồi đầu tháng 8.

Gạo nguyên liệu hiện được các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu ở ĐBSCL mua vào chỉ 6.400 – 6.450 đồng/kí lô gam đối với giống IR 50404 và 6.500 – 6.600 đồng/kí lô gam đối với các giống hạt dài, giảm 500 – 700 đồng/kí lô gam so với mức giá đầu tháng 8 rồi.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho biết tính đến ngày 12-9-2013, xuất khẩu gạo thơm đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm đến 14% trong tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Trung Chánh/ The Saigon Times

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: