VINAGRI News - Khá bất ngờ trước thông tin Thái Lan “xả” hàng tồn kho, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều đưa ra những dự báo khá xấu đối với xuất khẩu trong thời gian tới.
Sau vụ đông xuân, hè thu, VFA tiếp tục kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tạm trữ gạo vụ thu đông. Ảnh minh họa: TC.
Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) trong tuần này đưa ra thông tin về việc Thái Lan xả kho tạm trữ và giảm mạnh giá bán gạo với loại gạo 100B (tốt hơn gạo 5% tấm của Việt Nam) từ mức 430 đô la Mỹ/tấn trước đó xuống 380 đô la Mỹ/tấn. Giá bán này khác với giá chào 420 đô la Mỹ/tấn của Thái Lan trên thị trường.
Ông Trần Thanh Vân, Phó giám đốc Công ty cổ phần Gentraco (Cần Thơ) bất ngờ trước thông tin trên. Ông cho biết nhiều ngày gần đây có hiện tượng khách mua gạo xuất khẩu sang Trung Quốc, châu Phi, một vài nước châu Á… đều tạm ngưng mua bán để “nghe ngóng” thị trường.
Theo ông Vân, Thái Lan giảm giá gạo xuống ngang ngửa giá gạo phẩm cấp cao 5% tấm của Việt Nam là bất lợi lớn cho các doanh nghiệp vì khách hàng sẽ quay sang mua gạo Thái.
Ông Lê Trường Sơn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Docimexco, Đồng Tháp cho biết nếu Thái Lan bán gạo với giá đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh nổi. Mặc dù Thái Lan xả hàng tồn kho nhưng chất lượng gạo vẫn rất cao.
Giá gạo 5% tấm xuất khẩu dạng đóng trong container xuất khẩu đi Trung Quốc có giá 395 đô la Mỹ/tấn, còn gạo xuất khẩu sang các nước châu Phi thông qua thương nhân trung gian có giá dao động 380-385 đô la Mỹ/tấn. Mức giá này thấp hơn so với đầu tháng.
Doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết các khách hàng Trung Quốc, khách hàng lớn nhất của Việt Nam đang giảm nhập gạo do nước này đang bước vào vụ thu hoạch, bên cạnh đó, hạn ngạch nhập khẩu gạo cũng hạn chế phần nào nhập khẩu gạo từ Việt Nam, chờ giá gạo tiếp tục giảm.
Ông Nguyễn Đình Bích, một chuyên gia chuyên nghiên cứu thị trường lúa gạo cho biết, nếu như trước đây khác biệt về giá cả đã giúp các nước xuất khẩu có những thị trường thế mạnh riêng, ví dụ khách hàng Trung Quốc thì chuộng gạo Việt Nam hơn Thái Lan, còn gạo Ấn Độ có lợi thế về chi phí vận chuyển thấp khi xuất sang thị trường châu Phi.
Tuy nhiên, một vài tháng trở lại, thị trường gạo thế giới đã xuất hiện xu hướng giá bán của các nước xuất khẩu gạo chính gồm Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan thu hẹp dần khoảng cách. Giữa tháng 8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng lên, trong khi 3 nước còn lại đồng loạt giảm. Xu hướng được ông Bích gọi là “điểm hội tụ” về giá này sẽ gây nhiều khó khăn cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam do các doanh nghiệp Việt Nam cho đến nay vẫn sử dụng chiến lược cạnh tranh giá rẻ để đưa gạo ra thị trường, với việc các nước đối thủ giảm giá, doanh nghiệp sẽ khó tiếp tục sử dụng chiến lược giá rẻ này.
Theo trang thông tin về thị trường gạo Oryza, đến cuối tháng 8, giá gạo Thái Lan giảm mạnh đã kéo theo giá gạo các nước khác. Cụ thể, giá chào gạo 5% tấm của Thái Lan là 420 đô la Mỹ/tấn, giảm 5 đô la Mỹ/tấn so với 1 tuần trước, giảm 40 đô la Mỹ/tấn so với một tháng trước đó và giảm đến 150 đô la Mỹ/tấn so với cùng kỳ năm trước.
Các nước như Ấn Độ cũng giảm giá chào gạo 5% tấm xuống 30 đô la Mỹ/tấn so với tháng trước, Pakistan giảm 20 đô la Mỹ/tấn so với tháng trước.
Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) trong tuần đã trình Chính phủ kiến nghị kéo dài thêm 1 tháng lãi suất (15-10-2013), nhằm tránh cho doanh nghiệp tình trạng bán tháo gạo khi đáo hạn. Theo quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo hè thu, Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp 3 tháng lãi suất, đến hạn trả nợ là ngày 15-9.
Tiếp đó, VFA cũng kiến nghị Chính phủ cho triển khai mua tạm trữ thêm 300.000 tấn gạo vụ hè thu và thu đông để giữ giá lúa ở thị trường nội địa. Thời gian triển khai thực hiện từ 15-9 đến 15-10. Thời gian hỗ trợ lãi suất cho đợt tạm trữ này là 2 tháng.
Phạm Thái/ The Saigon Times
Không có nhận xét nào: