VINAGRI News - Các công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trong nước đang chịu thêm sức ép giảm thị phần khi những doanh nghiệp lớn của nước ngoài bán sản phẩm trực tiếp đến tay người nông dân thay vì qua nhà phân phối.
Ông Leon Van Mullekom (phải) Giám đốc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật khu vực ASEAN, trao đổi với báo chí về chiến lược kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Ngọc Hùng
Đó là ý kiến một thành viên của Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) khi trao đổi với TBKTSG trước thông tin ngày 7-8, tại TPHCM, Tập đoàn hóa chất BASF (Đức) cho biết sẽ chính thức bán trực tiếp các loại thuốc bảo vệ thực vật do tập đoàn này sản xuất đến người nông dân thay vì phải thông qua các nhà phân phối trong nước.
"Theo tôi biết hiện 50% thị phần thuốc bảo vệ thực vật thuộc về 7 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), còn lại là của 300 doanh nghiệp trong nước. Và, giờ có thêm BASF bán hàng trực tiếp thì các doanh ngiệp kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trong nước đứng trước nguy cơ mất thị phần chỉ là vấn đề thời gian", vị này nói.
Quay lại vấn đề của BASF, lý do để tập đoàn này bán hàng trực tiếp đến tay người nông dân, theo ông Leon Van Mullekom, Giám đốc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật khu vực ASEAN của BASF, là do những sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật của tập đoàn nếu muốn sử dụng hiệu quả thì người nông dân phải được huấn luyện kỹ thuật.
Vì thế, BASF sẽ thành lập đội ngũ chuyên gia trên ruộng đồng nhằm tập huấn kỹ thuật cho người nông dân địa phương. Hiện BASF tập trung những sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật cho cây cà phê, lúa và một số hoa màu ở khu vực Tây Nguyên và ĐBSCL.
Ông Raman Ramachandran, Phó chủ tịch cấp cao của BASF phụ trách bảo vệ thực vật tại châu Á - Thái Bình Dương cho biết, thời gian tới, BASF cân nhắc việc thành lập trang trại mẫu (AgSolution Farm). Các trang trại mẫu này sẽ giới thiệu các giải pháp trong nông nghiệp hướng tới người nông dân, các đối tác phân phối và nhân viên BASF. Hiện tập đoàn này đã có các trang trại mẫu Thái Lan, Philippines và Indonesia.
Theo VIPA, đây là chiến lược chỉ có một số công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật lớn trong nước mới có thể làm được như BASF, còn đa phần công ty kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không làm được vì hạn chế về tài chính.
BASF là tập đoàn chuyên sản xuất các loại hóa chất, chất dẻo, sản phẩm chuyên dụng, các sản phẩm bảo vệ mùa màng cho tới dầu và khí đốt. Năm 2012, doanh thu của BASF đạt khoảng 72,1 tỉ euro và hiện có có khoảng 110.000 nhân viên làm việc khắp thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 7 tháng của năm 2013, giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu của Việt Nam là 454 triệu đô la Mỹ, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó, hơn 51% là nhập từ Trung Quốc. Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khoảng 90% thuốc bảo vệ thực vật đang bán trên thị trường là sử dụng nguyên liệu ngoại nhập.
Ngọc Hùng/ TBKTSG
Không có nhận xét nào: