VINAGRI News - Hầu hết nông dân đang đối mặt với khó khăn kinh tế khi trụ lại sinh sống và sản xuất ở nông thôn, và ngay cả những người thân của họ di cư ra thành phố cũng không có tương lai tươi sáng hơn.
Hầu hết nông dân đang gặp khó khăn. Ảnh TL SGT Online.
Đây là phát hiện chính của nghiên cứu mang tên Đặc điểm kinh tế nông thôn Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Viện Chính sách chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện Khoa học lao động và xã hội công bố ngày 7-8.
Báo cáo này phỏng vấn 3.700 hộ gia đình ở 12 tỉnh của Việt Nam trong tháng 6, tháng 7 năm 2012, và được sự hỗ trợ của Trường Đại học Tổng hợp Copenhagen, Đan Mạch.
Theo báo cáo, tỷ lệ hộ nghèo đã tăng lên 17,2% trong năm 2012 so với 13,1% trong năm 2010, khi nghiên cứu gần nhất của các cơ quan trên được tiến hành. Xu hướng tăng hộ nghèo diễn ra ở phần lớn các tỉnh được điều tra.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bình luận tại buổi công bố sáng nay: “Tỷ lệ nghèo năm 2012 tăng lên so với năm 2010 là xác đáng. Tuy nhiên, nếu điều tra được tiến hành vào năm nay (2013) thì có lẽ bức tranh đói nghèo còn nặng nề và ảm đạm hơn. Nông nghiệp nông thôn gặp khó khăn nghiêm trọng, đời sống nhân dân rơi vào bế tắc, khó khăn hơn nhiều”.
Theo khảo sát, có tới 4% tổng số hộ không tiêu thụ bất cứ nguồn protein nào trong vòng 24 giờ trước khi được khảo sát. Tỷ lệ này cao nhất là 25% ở Lai Châu, và 16% ở Điện Biên.
Báo cáo cho biết, có khoảng 10% hộ gia đình trong điều tra không có bất kỳ mảnh đất nông nghiệp nào.
Hiện nay, Việt Nam có 33,1 triệu ha đất, là quốc gia có đất đai bình quân đầu người thấp nhất thế giới, khoảng 0,38 ha, trong khi đất sản xuất bình quân đầu người xấp xỉ 0,3 ha.
Ông Lưu Đức Khải, Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn CIEM nói: “Đất của chúng ta rất manh mún, thể hiện ở tỷ lệ số mảnh đất trong các hộ rất nhiều. Điều này gây cản trở cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn”.
Trong khi đó, những người nông dân di cư ra thành phố cũng không có cuộc sống tốt hơn.
Báo cáo cho biết, gần 20% hộ gia đình khảo sát có ít nhất 1 thành viên di cư.
Có hơn 22% hộ gia đình có một người di cư lâu dài, và gần 64% những người di cư khỏi hộ gia đình là tạm thời.
Báo cáo cho biết, thu nhập bình quân từ việc làm của người di cư trong khảo sát là 43,5 triệu đồng một năm. Người di cư tuổi trẻ có thu nhập thấp hơn nhiều so với người lớn tuổi.
Bà Lan cho rằng, mức thu nhập của người di cư như vậy là rất thấp, và khó lòng tích luỹ, chứ đừng nói đến việc giúp những người ở lại đầu tư vào nông nghiệp. “Tóm lại thì họ có di cư thì nghèo vẫn hoàn nghèo”, bà nói.
Báo cáo cho biết, tới 77% các hộ gia đình không được đào tạo về nghề nghiệp chuyên môn kỹ thuật.
Viện trưởng CIEM Lê Xuân Bá cho rằng, trong mấy năm kinh tế khủng hoảng vừa rồi mà Việt Nam vẫn “bình chân như vại” do khu vực nông thôn hấp thụ hầu hết những lao động di cư.
“Dù những người này chỉ ăn củ khoai, củ sắn qua ngày thì điều đó cho thấy vai trò của nông nghiệp vẫn lớn như thế nào ở đất nước này. Vì thế, Nhà nước cần lưu tâm hơn cho khu vực này”, ông kết luận.
Tư Hoàng/ TBKTSG
Không có nhận xét nào: