» » Một số vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Tiếp theo)

VINAGRI News - "Với công nghệ mới, cứ 5 tấn sinh khối (thân cây, cành ngọn, lá) thì sản xuất được 1 tấn diesel sinh học. Dự báo sản lượng sinh khối nước ta có khả năng hàng năm sản xuất được 50 triệu tấn dầu quy đổi, doanh thu đạt 50 tỷ USD/năm, đem lại nguồn doanh thu tăng đột biến trong tổng giá trị ngành nông lâm nghiệp nước nhà."

Nội dung cụ thể về tái cơ cấu nền nông nghiệp chủ yếu là:

1. Trồng trọt: cần có bước điều chỉnh lớn dựa vào bốn trụ cột chính như sau:

a. Cây lương thực:

An ninh lương thực, thực phẩm bao gồm: Lúa gạo, ngô, thịt, trứng, sữa, đường, dầu ăn… Theo đó, phát triển sản xuất lương thực cần đi theo hai hướng.

- Lúa gạo: Hiện nay diện tích gieo cấy lúa của nước ta khoảng 7,75 triệu ha (năm 2012), sản lượng lúa khoảng 40 triệu tấn. Nhưng ngành sản xuất lúa gạo đang là ngành có doanh thu thấp nhất trong toàn ngành trồng trọt, nông dân thu lời rất ít, kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng sức cạnh tranh kém và hiệu quả thấp,

Bởi vậy chỉ để lại khoảng 5,8 triệu ha đất gieo cấy lúa với sản lượng khoảng 35 triệu tấn/năm, đủ đảm bảo gạo ăn cho số dân 100 đến 130 triệu người, bình quân đầu người 250 kg lúa/năm và khoảng 20% lúa dự trữ để đề phòng mọi bất trắc về thiên tai và những tình huống ngoài dự báo, nếu không dùng hết thì dành để xuất khẩu. Như vậy, ngành sản xuất lúa gạo không còn là ngành sản xuất ưu tiên hướng ra xuất khẩu.

- Cây thức ăn chăn nuôi: Với yêu cầu về cuộc sống văn minh ngành sản xuất thức ăn để phục vụ chăn nuôi cũng có tầm quan trọng ngang với sản xuất lúa gạo, là bộ phận không thể tách rời của nội hàm an ninh lương thực - thực phẩm.

Bởi vậy sẽ điều chỉnh giảm 2 triệu ha gieo trồng lúa, tức khoảng 30% trong tổng số diện tích gieo trồng lúa hiện nay ưu tiên để trồng cây làm thức ăn chăn nuôi, chủ yếu là ngô, và cỏ xanh.

Với sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp hàng năm hiện nay là 26 triệu tấn và còn tăng nhanh trong thời gian tới, trong đó cần tới 16 triệu tấn thức ăn chất bột, là thị trường lớn và ổn định đối với sản phẩm ngô.

Ngoài ra, hiệu quả của ngô cao hơn hẳn lúa. Nếu đất trồng lúa phù hợp để trồng ngô thì năng suất ngô trên đất chuyển đổi có thể đạt 10 – 12 tấn/ha/vụ, doanh thu 70 – 80 triệu đồng/ha/vụ, gấp đôi nghề trồng lúa.

b. Cây công nghiệp lâu năm

Các cây công nghiệp lâu năm đang là nhóm cây có thế mạnh của nước ta gồm: Cao su, cà phê, điều, chè, hồ tiêu, kim ngạch xuất khẩu hiện nay đạt 9,1 tỷ USD, chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước, nhưng phần lớn các cây công nghiệp lâu năm đã phát triển tới ngưỡng tối đa.

Việc chuyển đổi trồng bắp trên đất lúa ở ĐBSCL đem lại hiệu quả cao

Do vậy, ngành sản xuất cây công nghiệp lâu năm phải đi theo hướng nâng cao chuỗi giá trị gia tăng của các sản phẩm này.

c. Rau, hoa, quả

Toàn thế giới đều đánh giá sản nghiệp rau, hoa và cây ăn quả tạo ra sản phẩm có giá trị cao đối với loài người là những sản phẩm bổ, ngon, làm thuốc, làm đẹp và tôn tạo cảnh quan, là ngành sản xuất tinh hoa nhất của nền nông nghiệp công nghệ cao, có tỷ suất lợi nhuận cao.

Với thế mạnh về khí hậu đa dạng, nước ta có điều kiện phát triển các ngành sản xuất này cực kỳ phong phú và hiệu quả cao, có lợi thế cạnh tranh lớn trong khu vực và quốc tế.

Cần tập trung trí tuệ để chọn một số ngành sản xuất chủ lực gồm vài loại rau, hoa cao cấp và khoảng trên 10 loài cây ăn quả quý.

Ngành sản xuất rau, hoa, quả là ngành sản xuất phổ biến ở mọi vùng miền đất nước, tạo cơ hội làm giàu phổ biến cho đông đảo nông dân cả nước, đặc biệt, là những vùng đất chật người đông và những vùng có khí hậu đặc thù.

Theo đó, ngành sản xuất rau, hoa, quả phải trở thành ngành sản xuất chủ lực tạo ra quả đấm mới của ngành trồng trọt phục vụ yêu cầu đời sống nhân dân và có khả năng tạo ra kim ngạch xuất khẩu hàng chục tỷ USD/năm trong tương lai không xa.

d. Cây (kể cả con) làm thuốc

Cây dược liệu rất phù hợp với điều kiện và tập quán canh tác của đồng bào miền núi, cũng có thể coi là cây lâm sản ngoài gỗ quan trọng của ngành lâm nghiệp nước nhà.

2. Chăn nuôi

Là ngành sản xuất quan trọng chiếm khoảng 30% tổng giá trị nông nghiệp. Trong những năm qua ngành chăn nuôi đã có bước phát triển đáng kể nhưng chưa tạo lập được ngành chủ lực có hiệu quả cao.

Trong hơn 10 năm gần đây, ngành chăn nuôi bò sữa của Việt Nam có bước phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng vượt dự kiến ban đầu. Năm 2012 tổng đàn bò sữa đạt 167 nghìn con, tăng 17%, sản lượng sữa 381 ngàn tấn tăng 10,373% so với năm 2011. Với nguồn vốn đầu tư lớn của một số doanh nghiệp lớn, tổng đàn bò sữa và sản lượng sữa bò của nước ta sẽ tăng gấp đôi trong vài ba năm tới.

Ngành chăn nuôi bò sữa đang là một ngành đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ cao của thế giới về chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, như sử dụng giống bò sữa cao sản; ứng dụng công nghệ cấy phôi và sử dụng tinh giới tính; công nghệ nuôi bò sữa trong chuồng và công nghệ vắt sữa hiện đại; sử dụng giống cỏ mới và công nghệ thức ăn hiện đại, đã hội tụ được hầu hết các công nghệ cao của ngành công nghiệp sữa thế giới.

Năng suất sữa/bò năm 2000 chỉ đạt 3,5 tấn, nay đã tăng lên 4,6 tấn/con/chu kỳ vắt sữa, đạt mức trung bình của thế giới. Ngành chăn nuôi bò sữa cũng là ngành có thu nhập cao, đạt trên 500 triệu đồng/ha/năm trở lên, đang là ngành làm giàu cho nông dân ở nhiều vùng.

Nếu tiêu thụ sữa của nước ta đạt 60 lít/người/năm, tương đương mức tiêu thụ sữa của những nước đang phát triển thì nhu cầu sữa của 100 triệu dân hiện nay và 130 triệu dân trong tương lai, sản lượng sữa hàng năm của nước ta cần 6-8 triệu tấn/năm, cần tổng đàn bò sữa khoảng 2 triệu con, trong đó, có 1 triệu con vắt sữa.

Với công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ nuôi bò trong chuồng có thiết bị điều khiển nhiệt độ và độ ẩm thì nhiều vùng của nước ta đều có thể phát triển chăn nuôi bò sữa, dựa vào lợi thế phát triển thức ăn xanh có tốc độ tăng trưởng sinh khối cực lớn.

3. Ngành thủy sản

Tiếp tục phát triển ngành đánh bắt cá biển, nhất là ngành đánh bắt xa bờ, khai thác triệt để mặt nước, trong đó có mặt nước của các hồ chứa lớn. Phát triển nuôi các loại thủy sản quý hiếm, cao cấp, trong đó có ngành nuôi cá nước lạnh gắn với chế biến những sản phẩm cao cấp để xuất khẩu.

Nhanh chóng nắm bắt được công nghệ mới để nuôi tảo xoắn, là loại rau thủy sản cao cấp có năng suất 60-80 tấn/ha/năm, hàm lượng protein 60-70%, giàu chất khoáng và vitamin, được đánh giá là nguồn protein vô tận của loài người trong thế kỷ 21, đã được một số nước trên thế giới nuôi trồng trên diện rộng.

 Tảo xoắn phù hợp môi trường nuôi nước ngọt và nước mặn, khí hậu nhiệt đới, mở ra khả năng phát triển cực kỳ to lớn và rất có thể trở thành ngành thủy sản quan trọng ở các vùng miền cả nước, kể cả những vùng đất bị nước biển nhấn chìm do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

4. Ngành lâm nghiệp

Phải tạo ra chuyển biến bước ngoặt đối với ngành kinh tế lâm nghiệp, khi mà ngành này trong thời gian dài sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, lãng phí nguồn tài nguyên to lớn về đất rừng mà ông cha ta đã cho rằng nước ta là nước “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, biến hàng chục triệu ha đất lâm nghiệp trở thành địa bàn sản xuất làm giàu cho nông dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.

Ưu tiên phát triển ngành trồng cây lấy gỗ và sản xuất đồ gỗ, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, vừa góp phần sản xuất vật liệu tái tạo cho nhu cầu xây dựng mà thế giới đang nâng lên thành chính sách “an ninh gỗ”.

Phát triển các ngành sản xuất lâm nghiệp ngoài gỗ để nâng cao hiệu quả của đất rừng. Trong tương lai không xa, ngành lâm nghiệp hướng tới một sản nghiệp mới hứa hẹn tạo nên bước nhảy vọt về kinh tế lâm nghiệp nước nhà, hướng sử dụng nguyên liệu sinh khối để sản xuất diesel sinh học. (Còn nữa)

Nguyễn Công Tạn/ Báo NNVN

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: