VINAGRI News - Ngày 7-8, tại tỉnh Ninh Thuận đã diễn ra lễ nghiệm thu “Hệ thống tưới tiêu hoa màu sử dụng ánh sáng mặt trời ở nông thôn” do nhóm sinh viên Trường Đại học Bách Khoa TPHCM triển khai sau khi đoạt giải đặc biệt cuộc thi Holcim prize 2012.
Hệ thống tưới tiêu hoa màu đang được triển khai tại xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Lan Phương
Giai đoạn một của dự án được khởi động từ tháng 11-2012, tại xã Phước Hải, huyện Ninh Phước và hoạt động thử nghiệm hồi tháng 5-2013, trên diện tích đất 1.000 mét vuông chuyên canh cây đậu phộng.
Dự án sử dụng năng lượng mặt trời để bơm nước thay vì sử dụng điện sinh hoạt sẽ góp phần giải quyết nước tưới tiêu cho nông dân, đặc biệt trong mùa khô.
Hệ thống nước tưới tiêu hoa màu được thiết kế theo phương pháp giúp giảm bớt năng lượng điện cung cấp điện cho động cơ. Ngoài ra, hệ thống có thể cho phép nông dân kết hợp tưới tiêu với bón phân, phun thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ.
Nguyên vật liệu sử dụng trong dự án là những loại vật liệu xanh như tận dụng phin mặt trời làm mái lợp giúp tận dụng nguồn năng lượng tự nhiên không gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, công trình này sẽ hỗ trợ cho nông dân tăng năng suất lao động vì có thể trồng cây hoa màu vào mùa khô mà không lo thiếu nước tưới tiêu. Nếu được cải tiến và nâng cấp, mô hình này còn có thể cải tiến để cung cấp nước cho chăn nuôi, phục vụ sinh hoạt và nhiều hoạt động hữu ích khác.
Từ nay đến cuối năm 2013, giai đoạn hai của dự án “Hệ thống tưới tiêu hoa màu sử dụng ánh sáng mặt trời ở nông thôn” tiếp tục triển khai trên tổng diện tích là 2.000 mét vuông.
Chi phí triển khai dự án trên là 200 triệu đồng, được tài trợ bởi Công ty Xi măng Holcim. Riêng phần thưởng riêng dành cho nhóm sinh viên Trường Đại học Bách Khoa TPHCM đoạt giải xuất sắc là 60 triệu đồng.
Ninh Thuận là tỉnh "thiếu mưa nhưng thừa nắng", với tổng số ngày nắng và nguồn bức xạ nhiệt cao, vào khoảng 5,5 kWh/mét vuông/ngày, thuộc loại cao nhất nước.
Cuộc thi Holcim Prize lần đầu tiên được tổ chức năm 2009, đã thu hút hàng trăm đề tài nghiên cứu của sinh viên đến từ 7 trường đại học (ĐH): ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Kiến trúc TPHCM, ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Cần Thơ, ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TPHCM.
Tiêu chí chấm điểm của cuộc thi là những sáng kiến ứng dụng xuất sắc nhất kết hợp hài hòa ba yếu tố: phát triển cộng đồng, bảo vệ môi trường và xây dựng bền vững, để hướng tới phát triển bền vững.
Giải thưởng Holcim Prize 2013 sẽ được khởi động trong tháng 10 và 11 tới tại 7 trường đại học nêu trên. Thời hạn chót để đăng ký đề tài là ngày 30-12-2013. Tổng giá trị giải thưởng năm nay là 600 triệu đồng (trong đó 200 triệu đồng hỗ trợ triển khai dự án đoạt giải đặc biệt vào thực tế) so với 400 triệu đồng giải thưởng của năm 2012.
Tường Nguyên/ TBKTSG
Không có nhận xét nào: