» » XK gạo của Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi quyết định của Thái Lan?

VINAGRI NewsViệc Thái Lan quyết định giữ nguyên hay giảm giá thu mua tạm trữ gạo đều không tác động nhiều tới tình hình XK gạo của Việt Nam.

Nâng cao chất lượng, từng bước tăng giá thành là biện pháp quan trọng nhằm tăng giá trị XK gạo Việt Nam. Ảnh internet

Mới đây, ông Boonsong Teriyapirom, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan đã bị cách chức bởi ông là người khởi xướng chương trình thu mua tạm trữ gạo giá cao (ở mức 15.000 baht/tấn đối với gạo thường), khiến giá gạo Thái Lan xuất khẩu (XK) tăng cao, làm mất đi vị thế XK gạo số 1 thế giới của quốc gia này.

Động thái trên của Chính phủ Thái Lan cho thấy, thời gian tới, Thái Lan chắc chắn sẽ rất kiên quyết trong việc thực hiện chủ trương giảm giá thu mua tạm trữ gạo xuống 20% so với giá hiện hành (còn 12.000 baht/tấn), nhằm kéo giá XK gạo Thái Lan giảm xuống, nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng này trên thị trường thế giới. Điều đó sẽ tác động như thế nào tới tình hình XK gạo của Việt Nam? Liệu nó có làm cho gạo Việt XK ngày càng vấp phải nhiều khó khăn?

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan xung quanh câu chuyện này, ông Nguyễn Đình Bích, Phó Trưởng ban Ban Nghiên cứu Chiến lược phát triển thương mại (Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương) cho rằng: Việc Thái Lan quyết định giữ nguyên hay giảm giá thu mua tạm trữ gạo đều không tác động nhiều tới tình hình XK gạo của Việt Nam.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo XK tháng 6 đạt 649 nghìn tấn, giá trị đạt 289 triệu USD, giảm 6,8% về lượng và giảm 9,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều tháng qua, giá gạo XK duy trì ở mức thấp. Giá gạo XK 5 tháng đầu năm đạt 445 USD/tấn, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái.   

Ông Bích phân tích, hiện tại, giá gạo XK trong nước vẫn thấp hơn Thái Lan rất nhiều. Bởi thế, kể cả Thái Lan có giảm giá XK cũng không thể thấp ngang bằng giá Việt Nam xuất đi. Vì thế, quyết định từ phía Thái Lan về cơ bản cũng không gây ra nhiều xáo trộn đối với hoạt động XK gạo Việt Nam.

Theo ông Bích, bản chất của câu chuyện nằm ở chỗ, suốt một thời gian dài, giá gạo XK của Việt Nam đã luôn nằm ở mức thấp hơn nhiều so với các nước XK gạo khác như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan... Điều này khiến gạo XK Việt Nam tự đánh mất vị thế và sức cạnh tranh của mình.

Các đối tác mua gạo của Việt Nam đã quen với mức giá thấp đó và họ không chấp nhận việc tăng giá, khiến cho gạo Việt Nam XK bán với số lượng nhiều mà lợi nhuận lại thấp.

Muốn bức tranh XK gạo khởi sắc hơn, theo ông Bích, cùng với việc đảm bảo chất lượng, phía các doanh nghiệp XK gạo Việt Nam cần từng bước chủ động nâng giá XK lên và kiên quyết giữ vững giá nâng đó, dần dần tạo dựng uy tín và vị thế gạo XK của Việt Nam tại các thị trường. 

Được biết, sau khi có thông tin giảm giá mua gạo tạm trữ từ 15.000 baht/tấn xuống 12.000 baht/tấn, ngày 1-7, Ủy ban Chính sách gạo Quốc gia Thái Lan (NRPC) quyết định, tiếp tục mua gạo ở 15.000 baht/tấn cho giá lúa tẻ thường cho đến 15-9. Riêng tại miền Nam, khu vực trồng lúa lớn nhất tại Thái Lan, mức giá thu mua 15.000 baht được giữ nguyên cho đến hết 30-11.

Thanh Nguyễn/ Báo Hải Quan

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: