» » Đường nhập lậu đe dọa vụ mía mới

VINAGRI NewsHiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), cho biết niên vụ tới (niên vụ 2013-2014 ở ĐBSCL sẽ thu hoạch vào giữa tháng 9-2013) ngành mía đường Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn, khi lượng đường tồn kho trong nước đang cao, đường nhập lậu vẫn chưa được kiểm soát.

Mía trong nhà máy đường chuẩn bị ép - Ảnh: TC.

Đường nhập lậu tăng 235 lần

Tại buổi họp “Giao ban công tác quản lý thị trường các tỉnh Nam bộ” tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm nay (19-7), ông Trương Quang Hoài Nam, Cục trưởng Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương), cho biết tình hình nhập lậu, đặc biệt nhập lậu đường trong nửa đầu năm 2013 ở Nam bộ vẫn diễn biến phức tạp.

“Mặc dù có sự khác nhau về số vụ lẫn quy mô, có địa phương tăng, có địa phương giảm nhưng nhìn chung vẫn còn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Đỗ Hữu Quang, Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường cho biết.

Theo ông Quang, nếu như 6 tháng đầu năm 2012 lượng đượng nhập lậu bị bắt giữ ở Nam bộ chỉ 2,13 tấn, thì trong 6 tháng đầu năm 2013 lên tới 501,8 tấn, tăng khoảng 235 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong một báo cáo khác của Bộ Công Thương, cho biết đường nhập lậu vào Việt Nam liên tục tăng kể từ năm 2010 đến nay. Cụ thể, nếu năm 2010, tổng lượng đường nhập lậu vào Việt Nam bị bắt giữ là 200 tấn, thì sang năm 2011 lên 331 tấn và trong năm 2012 lên đến 700 tấn.

Riêng trong năm 2013, dự báo tổng lượng đường nhập lậu vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và vượt qua con số 700 tấn của năm 2012.

Theo ông Quang, nhập lậu đường vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến ở các tỉnh ĐBSCL, tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay tập trung nhiều nhất ở Vĩnh Long với 260 tấn đường thành phẩm và 60 tấn đường thô bị bắt giữ; An Giang trên 182 tấn…

“Thủ đoạn hoạt động của những đối tượng nhập lậu đường vào Việt Nam khá tinh vi. Họ cho người đi trước nắm tình hình, nếu thấy lực lượng kiểm tra sẽ điện thoại báo cho đồng bọn phía sau di chuyển sang đường khác hoặc trốn để chờ lực lượng kiểm tra đi qua, tiếp tục vận chuyển”, ông Phan Lợi, Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường An Giang cho biết.

Bấp bênh vụ mía mới

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA, cho biết khả năng giá đường thành phẩm lẫn mía nguyên liệu sẽ còn giảm mạnh thời gian tới. “Nguyên nhân được xác định là do đường nhập lậu vào Việt Nam lớn, trong khi đó, niên vụ mía 2013-2014 ở ĐBSCL sắp thu hoạch, do đó, đường tồn kho (tính đến giữa tháng 7-2013 tồn kho khoảng 450.000 tấn) sẽ tiếp tục tăng, doanh nghiệp bán không được dẫn đến giá giảm”, ông Long cho biết.

Thực tế, trong niên vụ mía 2012-2013 này, giá bảo hiểm mua mía nguyên liệu được các doanh nghiệp mía đường tại ĐBSCL ký kết bao tiêu cho nông dân huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang chỉ đạt 830 đồng/kí lô gam (đối với loại mía đạt 10 chữ đường, giao tại cầu cảng nhà máy), giảm 70 đồng/kí lô gam so với niên vụ trước.

Trao đổi qua điện thoại với TBKTSG, ông Nguyễn Văn Đua, ấp Phó Đường, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang, cho biết tình hình giá mía nguyên liệu niên vụ năm nay cũng không sáng gì hơn so với niên vụ trước.

“Dù hiện tại chưa vào vụ thu hoạch nhưng so với năm ngoái, hiện chúng tôi coi như đã lỗ 70 đồng/kí lô gam rồi”, ông Đua cho biết.

Theo Cục quản lý thị trường (Bộ Công Thương), trong 6 tháng đầu năm 2013, 19 chi cục quản lý thị trường khu vực Nam bộ đã kiểm tra 22.636 vụ (chiếm gần 25% so với cả nước), phát hiện và xử lý 11.107 vụ vi phạm (chiếm gần 23% cả nước), với tổng số tiền xử phạt và nộp ngân sách đạt 76,19 tỉ đồng, chiếm gần 43% so với cả nước.

Trung Chánh/ TBKTSG

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: