VINAGRI News - Giá cà phê đang có xu hướng nhích lên sau khi tụt dốc mạnh xuống 37-38 ngàn đồng/kg hồi tháng 6. Ông Nguyễn Nam Hải – Tổng giám đốc Tổng Công ty cà phê Việt Nam trao đổi với PetroTimes xung quanh diễn biến thị trường cà phê thời gian gần đây.
Thị trường cà phê 6 tháng cuối năm vẫn rất khó dự đoán.
Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kì tháng 6 vừa được ban hành đầu tuần này, Chính phủ đồng ý gia hạn cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê và một số mặt hàng nông sản xuất khẩu từ 12 tháng lên 36 tháng. Ông đánh giá thế nào về việc Chính phủ đồng ý gia hạn tín dụng xuất khẩu cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê?
- Theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, thời gian cho vay vốn tín dụng xuất khẩu với một số mặt hàng lương thực là 36 tháng, riêng cà phê không được áp dụng chính sách đó. Điều này đã tạo áp lực về trả nợ ngân hàng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Bởi vì kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê có hạn chế là thời gian cho vay ngắn quá thì áp lực trả nợ vay là rất lớn.
Nguyên nhân là doanh nghiệp không phải mua ngay bán ngay mà phải bán hàng chất lượng cao, mà hàng chất lượng cao từ thu mua nguyên liệu đến chế biến thành chất lượng cao phải mất thời gian từ 1-2 tháng hoặc nhiều hơn. Cho nên khi chưa quay vòng được vốn đã phải chịu áp lực trả nợ thì tạo khó khăn cho doanh nghiệp.
Vì vậy việc Chính phủ đồng ý gia hạn tín dụng xuất khẩu cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lên 36 tháng là hợp lí nhất.
Vậy thời gian quay vòng vốn của các doanh nghiệp cà phê là khoảng bao lâu, thưa ông?
- Tùy các doanh nghiệp. Ví dụ doanh nghiệp chỉ xuất khẩu những loại cà phê bình thường thì thời gian quay vòng vốn nhanh, các doanh nghiệp chế biến hàng chất lượng cao thì thời gian quay vòng vốn chậm hơn. Việc Chính phủ đồng ý gia hạn tín dụng cho doanh nghiệp cà phê là tích cực nhưng chính sách cũng phải làm thế nào để giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp. So với thực tế xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, lãi suất hiện nay ở mức 9-10% vẫn còn cao dù có giảm trong thời gian qua.
Nhiều ý kiến cho rằng, gia hạn tín dụng chỉ là một giải pháp, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực quản trị, khả năng dự báo thị trường, cũng như dòng tiền để vượt qua được khó khăn. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Đúng rồi, đó là yếu tố quan trọng, các doanh nghiệp không nên hoàn toàn phụ thuộc vào gia hạn tín dụng xuất khẩu vì đi vay rồi cũng có lúc phải trả.
Có nhiều ý kiến lo ngại các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực cà phê sẽ lấn lướt, thâu tóm thị trường cà phê Việt Nam. Ở góc độ doanh nghiệp, ông có xem điều này là đáng phải băn khoăn?
- Ở góc độ doanh nghiệp, cách đây hơn 1 năm, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài có tỉ lệ xuất khẩu chiếm 55-50% tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê. Tuy nhiên hiện nay bản thân các doanh nghiệp FDI cũng khó khăn do nước sở tại cũng gặp phải những vấn đề như nước ta nên cũng khó khăn. Vì thế tỉ lệ xuất khẩu của doanh nghiệp cà phê trong nước đã chiếm 70%, còn doanh nghiệp FDI chiếm 30% trong tỉ lệ xuất khẩu cà phê cả nước hiện nay.
Ông đánh giá thế nào về triển vọng thị trường cà phê từ nay đến cuối năm?
- Triển vọng thị trường 6 tháng cuối năm khó dự đoán. Mấy hôm nay giá cà phê có biến động. Có hai xu hướng, một là tình hình thu hoạch ở Indonesia quá chậm do mưa. Hai là một số dự báo có sương giá ở Brazil, thời tiết ở thủ phủ cà phê Brazil là Sao Paolo nhiệt độ có thể xuống -3 độ nên 2 tuần nay giá cà phê đang tăng. Trước đây giá cà phê là 38 nghìn đồng/kg thì nay tăng lên khoảng 42 nghìn đồng/kg.
Ngoài ra, hiện nay nhiều doanh nghiệp cà phê là các nhà cung ứng cà phê Việt Nam trốn thuế nên đã gây khó khăn không nhỏ cho nhà xuất khẩu. Họ mua cà phê vào giá cao rồi bán ra với giá rẻ, cho nên các doanh nghiệp xuất khẩu không thể cạnh tranh nổi nên lượng cà phê xuất khẩu chắc chắn giảm những tháng này.
Xin cảm ơn ông!
Lương Thu Mai/ Petrotimes (thực hiện)
Không có nhận xét nào: