VINAGRI News - Tại cuộc họp mới đây của Bộ NN-PTNT về an toàn thực phẩm, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho biết, qua thu thập và kiểm nghiệm ngẫu nhiên 25 mẫu rau ngót bán tại 7 chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội và TPHCM, đã phát hiện có tới 7 mẫu chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (thuốc trừ sâu) vượt quá giới hạn cho phép, 15 mẫu dưới mức cho phép, chỉ có 3 mẫu không có thuốc bảo vệ thực vật.
Ảnh minh họa
Rau ngót, khổ qua cũng dính thuốc
Tương tự, trong 25 mẫu khổ qua (mướp đắng) ở TPHCM được lấy kiểm nghiệm cũng phát hiện 2 mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Sau khi nghe thông tin trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát lo ngại: “Mặc dù có 15 mẫu dưới mức cho phép nhưng như vậy là có tới 22 mẫu rau ngót, chiếm 80% có thuốc bảo vệ thực vật rồi, đây là điều rất đáng lo ngại”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đặt ra câu hỏi: cần phải xem lại vì sao nông dân lại sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật như thế? Theo Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng, rau ngót, khổ qua, nho, táo nhập khẩu là những loại đang được xếp vào nguy cơ về dư lượng thuốc bảo quản, bảo vệ thực vật vượt ngưỡng.
Để tìm hiểu thực hư, PV Báo SGGP đã có mặt tại những cánh đồng chuyên về rau ngót ở quanh TP Hà Nội như: Vân Nội (Đông Anh), Đa Phúc (Sóc Sơn), Văn Đức (Gia Lâm), Tiền Lệ (Hoài Đức)... Ở những nơi này, người dân trồng với quy mô lớn, không phải để bán trong làng, xã mà chuyên phục vụ cho các chợ đầu mối ở nội thành. Trên cánh đồng 2 phường Yên Nghĩa và Đồng Mai thuộc quận Hà Đông (Hà Nội), rau ngót bạt ngàn cả vùng bãi, mỗi nhà phải trồng khoảng 1 - 3 sào Bắc bộ (360m2/sào). Phần lớn diện tích trồng lúa đều chuyển sang rau màu, trong đó chủ yếu vẫn là rau ngót, đu đủ, táo…
Hỏi chuyện một nông dân ở thôn Yên về rau ngót, bà Nguyễn Thị Thuần, ở tổ 5, phường Yên Nghĩa thật thà: “Chỉ trồng ít như nhà tôi thì chẳng cần phun thuốc, còn những nhà trồng nhiều, vài ba sào thì họ phải phun mới kịp”. Theo bà Thuần, họ không chỉ phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích lá mà còn phun cả thuốc diệt cỏ nữa. Nếu không phun thuốc diệt cỏ, chỉ sau vài ngày, cỏ đã mọc kín ruộng vườn. “Không chỉ rau ngót, ngay cả rau cải (hiện đang bắt đầu vào mùa) cũng phải phun thuốc để diệt bọ nhảy, không phun thì chỉ 1 tuần là chúng phá nát cả ruộng rau” - chị Nguyễn Thị Hằng, một nông dân ở thôn Nghĩa cho biết thêm.
Không sâu cũng phun
Lên vựa rau Đa Phúc của huyện Sóc Sơn, bà con nông dân ở đây cho biết, các loại rau khác như rau muống, cải xanh, cải cay, rau bí… phải trồng nửa tháng trở lên mới cho thu hoạch. Nhưng với rau ngót nếu phun thuốc kích thích, thuốc trừ sâu tốt thì chỉ cần 10 - 12 ngày là thu hoạch được.
Để rút ngắn chu kỳ, hầu như nhà nào trồng rau đều phải dùng thuốc. Song nhiều nông dân thanh minh: “Sau khi cắt một lượt, chúng tôi mới tính ngày để “đánh” thuốc chứ không “đánh” gần ngày thu hoạch”. Từ Đa Phúc, rau được chở về Vân Trì (Đông Anh) và từ đây, từng ô tô lại chở về các chợ đầu mối ở Hà Nội như: Dịch Vọng, Ngã Tư Sở, Đền Lừ, Long Biên… để buôn bán.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho biết, qua điều tra khảo sát, lý do người nông dân phun thuốc lên rau ngót vì rau có nhện, đồng thời một loại virus làm cho rau bị bệnh xoăn lá. Thật ra, chúng không ảnh hưởng tới chất lượng rau nhưng vì muốn đẹp nên bà con vẫn cứ phun thuốc. Ông Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, bổ sung: “Hiện nay, có thông tin cho rằng trong thuốc trừ sâu có cả chất kích thích tăng trưởng nên đang có tình trạng rau không có sâu bà con cũng vẫn phun thuốc”.
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu phải quản lý chặt danh mục các thuốc bảo vệ thực vật, ngăn chặn thuốc lậu, đồng thời các cơ quan có trách nhiệm thuộc Bộ NN-PTNT phải xem lại quy trình sản xuất, sớm giúp nông dân về kỹ thuật trồng rau sạch, không cần dùng thuốc hoặc nếu dùng thuốc là loại thuốc an toàn, phải nói rõ để người tiêu dùng an tâm.
Văn Phúc/ Báo SGGP
Không có nhận xét nào: