» » Nông nghiệp chuyển mình

VINAGRI News - Trồng lúa khó lãi, lãi ít trong khi chuyển sang trồng ngô, trồng đậu nành người nông dân có thể có lợi nhiều hơn. Đã đến lúc cần có sự đột phá trong việc chuyển đổi cây trồng thay thế cây lúa cứu giúp người nông dân.

Được mùa - Ảnh: Hồng Vĩnh

TS Mai Thành Phụng: "Cây trồng chuyển đổi cần ưu tiên loại cây ngắn ngày, sức cạnh tranh cao, thay thế nhập khẩu như: ngô, đậu tương, lạc… Đặc biệt là cây ngô, bởi từ kết quả thực tế thu được sau 2 năm thực hiện mô hình chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng ngô lai Dekalb cho thấy, năng suất đạt trung bình từ 10 - 12 tấn ngô hạt/ha, cá biệt có hộ đạt năng suất 14,2 tấn/ha; thu nhập bình quân đạt gần 50 triệu đồng/ha. Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi ha ngô thu lãi gần 24 triệu đồng, lợi nhuận trung bình gần gấp 3 lần so với trồng lúa. Đây là một mô hình rất hiệu quả, cần được nhân rộng”.

Đột phá thay thế cây lúa

Trong thành tích 23 năm xuất khẩu gạo của Việt Nam, người nông dân được được lợi không ít. Nhưng tới nay, tình thế đã đổi khác.

Đầu vào của sản xuất mà trước hết là sản xuất nông ngư nghiệp tăng rất mạnh như: phân bón, điện nước, xăng dầu, chi phí vận chuyển... nhưng giá bán của những sản phẩm nông nghiệp làm ra thì không tăng do người nông dân thiếu thông tin, thiếu thị trường, lại bị ép giá. Nhà nước đã có một số chính sách như mua tạm trữ, lợi nhuận tối thiểu của người trồng lúa tối thiểu đạt 30%, nhưng dường như phần hỗ trợ này người nông dân chưa bao giờ được hưởng trọn vẹn. Nhu cầu và giá nông sản trên thị trường thế giới giữ xu hướng giảm trong khi nguồn cung lại có xu hướng tăng, điển hình là mặt hàng gạo.

Để sát cánh cùng người nông dân, thì không có cách nào khác là phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, đa dạng hóa cây trồng. Và việc thay thế giống lúa là điều tất yếu. Cạnh đó, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chủ trương sẽ đưa khoảng 200.000 ha đất lúa được chuyển đổi sang trồng ngô, đỗ tương. 

Hiện giá lúa là 5.000 đồng/kg trong khi giá ngô là 7.000 đồng/kg. Nếu chuyển từ lúa sang ngô, người nông dân sẽ có thêm thu nhập. Hơn nữa, theo tính toán, Việt Nam đang phải nhập ngô nguyên liệu, đậu nành nguyên liệu chủ yếu từ Mỹ với số lượng khá lớn để làm thức ăn chăn nuôi. Cụ thể hàng năm nước ta phải nhập khẩu từ 1,5 - 1,6 triệu tấn ngô hạt, 2,4 triệu tấn khô dầu đậu nành, 600.000 tấn hạt đậu nành. Tổng ngoại tệ chi cho việc nhập khẩu này ước đạt gần 3 tỷ USD gần tương đương với tổng kim ngạch xuất khẩu gạo. 

Từ đó, TS Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định, việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác  ngô, đậu nành là rất cấp thiết. 

Nhưng giới chuyên gia trong ngành cũng lưu ý, tuyệt đối tránh kiểu "chạy theo phong trào”. Sợ nhất là cảnh từ đất lúa chuyển sang trồng ngô, đến khi trồng ngô chán rồi lại quay lại trồng lúa. Chúng ta đã từng có bài học nhãn tiền đổ xô trồng mía, trồng sắn, trồng cao su... rồi lại theo nhau chặt bỏ.

Tuy nhiên, từ góc nhìn một địa phương cụ thể, ông Phạm Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, việc giảm lúa, chuyển sang trồng các loại cây màu đã đến lúc cần phải được quan tâm. Hiện nước ta đang thiếu ít nhất là 1,5 triệu tấn ngô hạt mỗi năm, vì vậy mục tiêu đến năm 2020 sẽ nâng sản lượng ngô hạt từ 6 triệu tấn lên 7,5 triệu tấn là có thể. Hướng chuyển đổi, theo ông Dương là vẫn ổn định diện tích đất lúa 2 vụ ăn chắc, nhưng bên cạnh đó là hình thành vùng sản xuất hàng hoá ngô, đậu nành.

Ngô đang là một giải pháp tăng thu nhập cho người nông dân cùng với cây lúa - Ảnh: Minh Hạnh

Tập trung gỡ khó  

Mới đây, ngày 11-7 tại An Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi  làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh: An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp để tháo gỡ khó khăn cho vùng nông nghiệp lớn nhất cả nước.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương báo cáo với Thủ tướng, 2 năm gần đây giá xuất khẩu gạo giảm liên tục, bình quân 10% - 15%; thu nhập của người trồng lúa đang giảm dần do giá bán đầu ra không tăng nhưng chi phí đầu vào như vật tư, phân bón lại tăng liên tục. Đối với cá tra, người nuôi và DN đang sản xuất cầm chừng, thậm chí một số hộ thu hoạch xong không thả nuôi lại vì giá thành cao, đầu ra hẹp và DN thu mua nợ tiền mua cá của nông dân. 

Chia sẻ với khó khăn của các địa phương vùng ĐBSCL, Thủ Tướng cho rằng, đã đến lúc không thể kéo dài mô hình kinh tế hộ nhỏ lẻ mà phải đi lên theo hướng sản xuất lớn; phải đổi mới tư duy, phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, liên kết chặt chẽ trong sản xuất. Thủ tướng đề nghị các tỉnh trong vùng ĐBSCL cần quan tâm đến chuyển dịch, phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung gắn với xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó đẩy mạnh quan tâm tới hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; quan tâm làm tốt công tác quy hoạch nông nghiệp gắn liền với cơ sở chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

Thủ tướng cũng đặt ra nhiều vấn đề để các nhà khoa học, nhà quản lý chuyên môn, các DN, tổng công ty lương thực cùng bàn thảo; đặc biệt là vai trò của Viện Lúa ĐBSCL. 

Còn Bộ trưởng NNPTNT Cao Đức Phát lưu ý, các địa phương nên chủ động chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cây khác có hiệu quả cao hơn, như trồng màu, cây ăn quả… Còn về lâu dài, các địa phương cần tiếp tục rà soát lại quy hoạch sản xuất lúa, xác định cơ cấu cây trồng, mùa vụ, từng vùng đất, phù hợp với thị trường, điều kiện canh tác. 

* Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam: "việc chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô hoàn toàn có thể thực hiện được, vấn đề là cách chúng ta thực hiện ra sao. Nhược điểm của ngô Việt Nam đó là phôi của hạt ngô quá lớn, dễ gây thối mốc. Do vậy các nhà khoa học cần nghiên cứu để khắc phục điểm này. Đã có hướng chuyển đổi thì Chính phủ nên ra quyết định, để từ đó có điểm tựa để người nông dân làm”.

* TS Phan Huy Thông: "Đặt vấn đề chuyển đổi từ cây lúa sang cây ngô, đậu nành là không chỉ chuyển đổi trên đất lúa kém hiệu quả mà cả chuyển đổi cây trồng trên đất lúa thuận lợi để cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất lúa thành các vùng sản xuất hàng hóa, vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm phải theo hướng phát triển bền vững”.

Thúy Hằng - Trung Kiên/ Báo Đại Đoàn Kết

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: