» » Nông dân được bán lúa theo... ’giá độc quyền’!

VINAGRI NewsNhận xét về chính sách nông nghiệp hiện nay, GS.TS. Phạm Vân Đình cho rằng, công tác quản lý nhà nước của mình kém, đưa ra nhưng không quản lý nổi, còn doanh nghiệp ở mình là ma mãnh, cò con, chứ không phải thông mình của các nhà thương mại lớn.

Kinh tế thế giới khủng hoảng, đầu ra sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, lập tức nền nông nghiệp Việt Nam bộc lộ rõ những yếu kém, tồn tại bấy lâu được tổ điểm, che khuất bằng bộ mặt đẹp đẽ, đặc biệt khâu sau thu hoạch.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS. Phạm Vân Đình, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển (trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) về vấn đề này.

Giá độc quyền

Thưa ông, có một thực tế trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là: doanh nghiệp rất hồ hởi ứng tiền cho nông dân vay mua giống, phân bón, thuốc  trừ sâu... nhưng đến khi thu hoạch thì lại ép giá, nông dân không bán thì “cho vịt ăn” - theo lời của một doanh nghiệp thu mua. Người nông dân bị vướng vào cái thòng lọng chẳng có cách nào khác là bán lúa với giá rẻ mạt, cam chịu phận nghèo khó đủ đường. Ông bình luận như thế nào về cách “bẫy” nông dân như vậy? Đây có phải là hiện tượng mới xuất hiện trong sản xuất nông nghiệp hay không và nguyên nhân của tình trạng trên là gì?

- Nói là "bẫy" thì hơi quá, nhưng thực tế là có như thế, vì người nông dân có rất ít quyền trong chuyện mặc cả mua bán, chủ yếu là phía doanh nghiệp quyết định. Nguyên tắc thị trường là thuận mua, vừa bán, nhưng với nông dân không được như vậy.

Muốn không xảy ra tình trạng đó thì thị trường phải có nhiều người bán và nhiều người mua, bên cạnh doanh nghiệp là đội ngũ thương lái, nhưng thương lái phải có tổ chức, hoạt động có quy củ. Còn hiện nay thương lái hoạt động rất tùy tiện.

Nông dân bị doanh nghiệp ép giá, còn chính sách Nhà nước đưa ra hỗ trợ nông dân lại không kiểm soát được để doanh nghiệp lợi dụng làm lợi cho mình.

Ngoài ra, mối liên hệ giữa nông dân với doanh nghiệp cần chặt chẽ hơn, hợp đồng ký với nhau phải có mặc cả, doanh nghiệp ổn định nguồn nguyên liệu, còn nông dân bán sản phẩm được giá. Điều này khó làm vì những tồn tại trong nhiều năm không giải quyết được, nói rất nhiều, chính sách cũng nhiều.

Để xảy ra tình trạng này chủ yếu là do vấn đề kiểm tra, giám sát, ngay cả việc thực hiện hợp đồng theo quyết định 80 giữa nông dân và doanh nghiệp, có hợp đồng nhưng cả nông dân và doanh nghiệp đều không thực hiện theo, nhưng chế tài xử lý không có, còn ra tòa thì cả hai bên đều ngại. Ý thức tùy tiện quen rồi, cả nông dân và doanh nghiệp đều thế.

Doanh nghiệp thì cứ có lợi nhuận là họ làm, còn người nông dân thì muốn tìm bạn hàng mới để bán nhưng không có nên mới bị doanh nghiệp ép giá, chứ nếu thị trường có nhiều người mua bán, không có độc quyền thì giá cả trở về với giá thị trường. Hiện nay giá không phải giá thị trường, mà là giá độc quyền.

Cách giải quyết là để tự do kinh doanh trong nông nghiệp, nhà nước phải có chính sách kiểm soát và hỗ trợ đội ngũ thu mua.

Làm một đằng nói một nẻo cho Nhà nước nghe

Dễ nhận thấy, chính sách của Nhà nước không hỗ trợ nông dân ở đầu vào (chọn giống) và đầu ra (công nghệ sau thu hoạch). Nhà nước hàng năm trích tiền để doanh nghiệp mua tạm trữ, hi vọng người nông dân gián tiếp được lợi nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia nông nghiệp, lợi ích không chỉ hoàn toàn chảy về doanh nghiệp mà nó còn giúp doanh nghiệp đẩy giá gạo Việt Nam xuống mức rẻ nhất thế giới (vì bán với giá đó họ đã có lãi rồi). Nghịch lý này phải được hiểu như thế nào, thưa ông? Tại sao chính sách khiến nông dân khó lại càng khó lại có thể tồn tại đến lâu như vậy, do tầm nhìn hạn hẹp hay do thao túng của nhóm lợi ích?

- Hỗ trợ thì có hai chính sách, thứ nhất là khuyến nông, thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp để doanh nghiệp tác động tới nông dân. Mục đích là thế nhưng doanh nghiệp lợi dụng hỗ trợ này, còn Nhà nước thì không kiểm soát được, trình độ kiểm soát yếu, nên để mặc doanh nghiệp làm. Họ làm một đằng nói một nẻo nhà nước chỉ nghe vậy.

Còn chính sách tạm trữ, đáng lẽ anh phải mua với giá định hướng của Nhà nước, dù giá thị trường có thể thấp hơn nhưng anh phải mua giá cao, Nhà nước sẽ trả cho anh tiền chênh lệch đó, số gạo đó để anh tạm trữ.

Nhưng doanh nghiệp không thực hiện như vậy mà chỉ mua theo giá thị trường, thậm chí càng thấp càng tốt, đương nhiên lời đấy bỏ túi doanh nghiệp, nông dân thiệt hại, còn Nhà nước không quản lý được.

Công tác quản lý Nhà nước của mình kém, đưa ra nhưng không quản lý nổi, còn doanh nghiệp ở mình ma mãnh, cò con, chứ không phải thông minh của các nhà thương mại lớn.

Nói lợi ích nhóm hay không thì cũng vô cùng lắm. Thực tế doanh nghiệp không phải tự nhiên mà làm được như vậy, cũng có nhiều sai lầm trong chỉ đạo, hoặc không biết, hoặc biết nhưng vẫn để cho làm. Cũng không loại trừ có tiêu cực trong đó.

Thêm nữa là ý thức chấp hành pháp luật. Thái Lan làm tốt vì người dân họ chấp hành pháp luật nghiêm, còn mình thì đâu có thế. Làm thì vướng ông nọ, bà kia, điện thoại ông kia can thiệp.

Tất cả mọi cái, phải làm triệt để, đúng quy luật thị trường và luật pháp quy định thì mới được. Còn mình thì quy luật thị trường cũng không đúng, luật pháp không được chấp hành nghiêm, nên sinh ra tình trạng tùy tiện, lộn xộn, mỗi người làm sai một tý, rất khó.

Nhà nước đã có chủ trương coi nông nghiệp, nông thôn là mặt trận quan trọng, tuy nhiên, trên thực tế, chủ trương này đang không được thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả, thậm chí có người còn nói thẳng, nhà nước bỏ rơi nông dân, hay nông dân là vật hy sinh cho thành tích xuất khẩu. Để xảy ra thực tế này, nguyên nhân là vì đâu và trách nhiệm thuộc về ai, thưa ông?

- Cái chủ trương nói mấy chục năm rồi, nhưng thực tế thì nông dân thiệt thòi vẫn thiệt thòi, rủi ro vẫn rủi ro. Nói chung vẫn là khâu quản lý quá kém, đưa ra bỏ đấy ai thích làm sao thì làm.

Trách nhiệm thì đã nói rất nhiều, bộ nọ, bộ kia, Quốc hội cũng đã bàn nhiều rồi.

Xin cảm ơn ông!

Lê Việt/ Báo Đất Việt (thực hiện)

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: