VINAGRI News - Hiện cả nước chỉ có tỉnh Đắk Lắk đang có dịch bệnh heo tai xanh, tuy nhiên, Cục Thú y lo ngại rằng khả năng những tháng cuối năm dịch bệnh trên gia súc, gia cầm sẽ bùng phát mạnh, đặc biệt là tại những địa phương từng có ổ dịch xuất hiện trong thời gian qua.
Heo đang nuôi ở một trang trại. Ảnh: Ngọc Hùng
Ngày 10-7, tại TPHCM, Cục Thú y- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm công tác phòng chống dịch gia súc, gia cầm.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Cơ quan thú y vùng 6, Cục Thú y lý giải rằng, vào thời điểm cuối năm do nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm tăng nên số lượng vận chuyển từ địa phương này đến địa phương khác lớn, do đó có nguy cơ mang dịch bệnh ở những nơi từng có dịch sang địa phương khác. Thêm vào đó, do cuối năm thời tiết biến đổi bất thường khiến vi rút gây bệnh dễ phát triển hơn.
“Trước đây có doanh nghiệp nhập một số heo giống từ nước ngoài theo đường hàng không được kiểm tra là không mang mầm bệnh nhưng khi vận chuyển qua một tỉnh đang có dịch lở mồm long móng thì số heo giống này cũng bị nhiễm nên chúng tôi buộc phải tiêu hủy”, ông Bình nói.
Theo Cục Thú y, trong 6 tháng đầu năm 2012 đa phần các ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tập trung ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc thì 6 tháng đầu năm 2013 ổ dịch xuất hiện ở các tỉnh phía Nam. Còn bệnh tai xanh ở heo trong 6 tháng đầu năm 2012 chỉ xuất hiện ở các tỉnh phía Bắc và phía Nam thì nay đã xuất hiện khắp cả nước.
Số liệu của Cục Thú y cho thấy, trong khi dịch cúm gia cầm có giảm so với cùng kỳ năm 2012 thì bệnh lở mồm long móng và tai xanh trong 6 tháng qua lại bùng phát nhiều hơn, khi số xã có dịch nhiều hơn so với cùng kỳ. (xem bảng)
Nguyên nhân, theo Cục Thú y là do các địa phương giấu dịch không công bố mà một phần là do trình độ của cán bộ thú y xã thấp nên không biết heo, gà, trâu bò bị bệnh gì để báo cáo lên cấp cao hơn.
Thống kê của Cục thú y cho biết, hiện có khoảng 50% cán bộ thú y tại các xã không có bằng cấp, 30% được đào tào về kiến thức sơ khai về thú y, ngoài ra, cán bộ thú y xã cũng viện lý do phụ cấp thấp, không có tiền đổ xăng để đi kiểm tra, khi biết thông tin lại không có tiền điện thoại gọi báo lên cấp cao hơn.
Theo Cơ quan thú y vùng 6, trong 6 tháng đầu năm lượng thịt nhập khẩu vào Việt Nam khoảng 30.000 tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khoảng 70% là thịt gà, còn lại là thịt bò, cừu…
Ngọc Hùng/ TBKTSG
Không có nhận xét nào: