VINAGRI News - Các doanh nghiệp mía đường Việt Nam hiện vẫn đang tồn kho hàng trăm ngàn tấn đường trong khi thị trường trong nước bị ảnh hưởng lớn bởi đường nhập lậu. Về phía cơ quan chức năng thì vẫn chưa tìm ra những giải pháp hiệu quả để đối phó với buôn lậu.
Nông dân đang chăm sóc mía. Ảnh: Hà Minh.
Đó là bức tranh tổng thể mà phóng viên TBKTSG ghi nhận tại buổi giao lưu trực tuyến “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp mía đường Việt Nam” do báo Công thương tổ chức tại Hà Nội ngày 10-7. Thực trạng trên gần như không thay đổi trong những năm gần đây, thậm chí có xu hướng xấu đi.
Theo đánh giá của ông Đoàn Xuân Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm sản và nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, niên vụ 2012-2013, các nhà máy ép được 16,4 triệu tấn mía, sản xuất được 1.510.000 tấn đường. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ước tính niên vụ 2013 cả nước thừa hơn 300.000 tấn so với nhu cầu.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho rằng “cung đã vượt cầu”. Và theo số liệu mới nhất của Hiệp hội Mía đường (VSSA), tính đến hết tháng 6, lượng đường tồn kho từ các doanh nghiệp thuộc hiệp hội đã lên đến 500.000 tấn. Trong khi đó, cũng theo ước tính của VSSA, đường lậu tràn sang Việt Nam từ 400.000 - 500.000 tấn/năm.
Làm thế nào để ngăn chặn đường nhập lậu là băn khoăn của nhiều người. Ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương nêu lên thực tế rằng từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã thu giữ 1.300 tấn đường (buôn lậu), năm 2010 là 200 tấn, 2011 là 331 tấn, 2012 là 700 tấn và trong 6 tháng đầu năm 2013, tại An Giang đã bắt giữ 362 tấn.
“Điều này cho thấy lượng đường nhập lậu ngày một tăng”, ông Lam nói . Nhưng rõ ràng số lượng mà lực lượng chức năng thu giữ là quá nhỏ so với thực tế.
Ông Nguyễn Đỗ Kim, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan xác nhận, đường nhập lậu có hai loại: thẩm lậu qua biên giới và qua hình thức tạm nhập tái xuất. Tuy nhiên ông khẳng định rất khó đối phó với cả hai hình thức này.
Đối với dạng tạm nhập tái xuất, theo ông Kim, lợi dụng sơ hở chính sách nhiều doanh nghiệp đã xuất qua đường mòn lối mở rồi mang hàng quay lại bán nội địa. Cũng có doanh nghiệp đưa luôn đường từ kho ra bán vào nội địa mà không xuất. Có doanh nghiệp tự ý phá niêm phong đem hàng đi tiêu thụ. Luật quy định doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm quản lý hàng hóa nên họ lợi dụng để thực hiện vi phạm. Ưu đãi trong khu kinh tế cửa khẩu không có hàng rào cứng nên không quản lý được, lượng đường đưa vào khu kinh tế cửa khẩu hoàn toàn được miễn thuế, nhiều đối tượng đã mang sâu vào tiêu thụ nội địa…
Còn đối với dạng buôn lậu, ông Kim cho rằng, các đối tượng buôn lậu lợi dụng chức năng sơ hở chuyển hàng sang kho sát biên giới, người nhà bảo vệ nên chống buôn lậu rất khó. Ghe chở lúa của cư dân biên giới dấu đường ở dưới nên lực lượng không kiểm soát hết được.
“Chúng ta phải chấp nhận trong chống buôn lậu có những khó khăn nhất định, nhất là ở khu vực cửa khẩu, biên giới”, ông Kim nói.
M.Đ/ TBKTSG
Không có nhận xét nào: