VINAGRI News - Cà phê xuống tàu từ Indonesia, nước sản xuất cà phê Robusta lớn thứ ba thế giới, có thể sẽ giảm nhiều nhất trong sáu năm do thời tiết ẩm ướt làm thối hạt và thu hoạch sụt giảm.
Nông dân Indonesia thu hoạch cà phê ở các trang trại
Lượng hàng bán trong năm nay có thể giảm 19 % xuống còn 6 triệu bao, theo một khảo sát của Bloomberg. Đó là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2007, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Trung ương Indonesia. Sản lượng có thể giảm từ 11,04 triệu bao xuống còn 9,58 triệu bao, một khảo sát khác cho thấy. Trong một khảo sát cũng của Bloomberg hồi tháng Sáu, dự báo xuất khẩu ở mức 6,42 triệu bao và sản lượng ở mức 9,92 triệu bao.
Nguồn cung từ Indonesia sụt giảm, do thu hoạch được bắt đầu muộn một tháng so với bình thường là tháng Năm, vào thời điểm nông dân Việt Nam đang hạn chế bán hàng. Điều đó có thể khiến cho giá cả tiếp tục gia tăng từ mức thấp nhất 32 tháng trong tháng Sáu. Hàng giao từ các trang trại ở Indonesia đã giảm 28 % so với vụ mùa trước vì thời tiết ẩm ướt, theo thương nhân Nedcoffee BVcó trụ sở tạiAmsterdamcho biết.
“Hạt cà phê đang bị thối rửa hoặc chuyển sang màu đen,” Mulyono Soesilo, một nhà quản lý tại công ty kinh doanh PT Taman Delta ở Semarang, miền Trung Java, Indonesia cho biết. ”Hầu hết nông dân đều dựa vào mặt trời để sấy khô, mà trời hiện giờ hầu như ngày nào cũng mưa.”
Cà phê Robusta kỳ hạn đã tăng 12 % lên 1.921 USD/tấn trên sàn NYSE Liffe từ mức 1.704 USD vào ngày 14/6, mức thấp nhất kể từ tháng Mười năm 2010. Giá có thể tiến tới 2.100 USD vào cuối năm 2013, Mathijs Deguelle, một nhà phân tích hàng hóa mềm & thực phẩm tại Ngân hàng ABN Amro NV, cho biết trong một báo cáo ngày 25/7.
Giao hàng giảm
Xuất khẩu từ Việt Nam có thể giảm 21 % xuống còn 90.000 tấn trong tháng này so với tháng 7 năm 2012, dữ liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy. Nông dân bán hàng chậm lại thúc đẩy mức giá cộng gia tăng trước khi bắt đầu vụ thu hoạch kỷ lục thứ hai kể từ tháng Mười sắp tới.
Giao hàng cà phê tại Bandar Lampung, cảng xuất khẩu cà phê chính của Indonesia, đạt 77.719 tấn kể từ đầu vụ cho đến ngày 05/7, so với 108.342 tấn cùng kỳ một năm trước đó, Nedcoffee cho biết hôm ngày 16/7. Lượng hàng giao tới kho ở Lampung trung bình đạt 3.000 tấn/ngày trong tuần tính đến ngày 19/7, giảm so với 5.000 tấn/ngày trong cùng kỳ năm ngoái, Soesilo của Taman Delta cho biết. Một số các nhà kho tại đây có trang bị lò để sấy khô cà phê.
“Nếu cà phê được chuyển giao nhanh chóng đến kho của nhà xuất khẩu để có thể sử dụng lò sấy, đó là cách duy nhất để duy trì chất lượng”, theo ông Mochtar Luthfie, người đứng đầu nhóm nghiên cứu và phát triển của Hiệp hội các nhà Xuất khẩu và ngành Công nghiệp Cà phê Indonesia ở Lampung. ”Nếu được thực hiện, chỉ có thể giúp phần nào do không có đủ lò sấy.”
Mưa quá nhiều
Lượng mưa ở các tỉnh Lampung, Bengkulu và Nam Sumatra, chiếm khoảng 75 % sản lượng và doanh thu cà phê của Indonesia, cao hơn mức trung bình 30 năm vào tháng Sáu và tháng Bảy, ông Nurhayati, người phụ trách về khí hậu nông nghiệp và hàng hải tại Cơ quan Khí tượng , Khí hậu và Địa vật lý cho biết qua điện thoại hôm 24/7. Mưa quá nhiều có thể kéo dài qua tháng Tám.
“Đây thực sự là điều tồi tệ, lặp lại giống như năm 2010 một lần nữa.” Thời tiết ẩm ướt của năm đó đã làm giảm 18% lượng xuất khẩu xuống còn 6,97 triệu bao, dữ liệu thống kê cho biết.
Mưa dai dẳng khiến cho hầu hết nông dân, những người phơi khô cà phê bằng ánh nắng mặt trời, đã ngừng hái, nông dân Sunyoto ở huyện Way Tenong, Tây Lampung cho biết. Sự chậm trễ trong việc thu hái sẽ làm giảm chất lượng và có thể làm cho một số nông dân bán cà phê vừa thu hoạch của họ với giá giảm, ông nói.
Các nhà xuất khẩu đang cung cấp cà phê hạt giao tháng Tám với mức cộng 100 USD/tấn theo giá trên sàn NYSE Liffe, giảm từ mức cộng 150 – 180 USD vào đầu tháng Bảy, theo ước tính trung bình của các nhà xuất khẩu cho biết.
Theo GCP
Không có nhận xét nào: