» » Gỡ khó cho lúa gạo và thủy sản vùng ĐBSCL

VINAGRI NewsNgày 5-7, tại Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ chủ trì và chỉ đạo hội nghị.

Khó khăn kéo dài

Báo cáo tại hội nghị về tình hình sản xuất nông nghiệp, Bộ NN-PTNT cho biết: so với quý 1-2012, kim ngạch xuất khẩu nông sản quý 1-2013 giảm 5,4%, thủy sản giảm 5,9%. Sang quý 2-2013, tình hình có khả quan hơn nhưng nhiều mặt hàng xuất khẩu chính như gạo, sắn… đều giảm về giá trị và khối lượng. Có hàng loạt khó khăn trong lĩnh vực thủy sản như giá thuốc thú y, thức ăn, xăng dầu tăng, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp; trị trường tiêu thụ cũng bị sụt giảm mạnh, đặc biệt là sản phẩm cá tra. Giá trị xuất khẩu cá tra 6 tháng đạt khoảng 800 triệu USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2012. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, nhìn nhận: “Ngay từ đầu năm 2013, sản xuất nông nghiệp đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Khó khăn lớn nhất là thị trường, đầu ra nông sản. Nhu cầu và giá cả nhiều mặt hàng nông sản trên thị trường thế giới liên tục giảm, cộng với sức mua trong nước giảm sút gây tồn kho, ứ đọng lớn”. 


Nông dân trồng lúa ở ĐBSCL đang chịu nhiều thiệt thòi.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết: “Các khó khăn này chúng tôi đã có dự báo nhiều lần rồi. Việc thu mua tạm trữ lúa hè thu ban đầu có chậm vì triển khai lúc mưa dầm, chất lượng lúa gạo thấp. Đến nay, các doanh nghiệp đã mua tạm trữ được 350.000 tấn, tốc độ có nhanh hơn. Tình hình trong tháng 8-2013 sẽ có tiến bộ hơn nhưng giá không thể nào tốt nhiều được. Hiện nay, sản lượng lương thực thế giới tồn kho khổng lồ với 173 triệu tấn, gần gấp đôi so với các năm trước. Tình trạng dư thừa lương thực sẽ còn kèo dài nhiều năm nữa”. 

6 tháng đầu năm 2013, toàn vùng ĐBSCL thả nuôi 4.341ha cá tra, giảm 4,1%. Chi phí đầu vào tăng mạnh khiến giá thành cá tra vọt lên 20.000-24.500 đồng/kg. 6 tháng đầu năm đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 800 triệu USD, giảm 7,3% so với năm 2012. Nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường sụt giảm do ảnh hưởng suy thoái kinh tế. Mặt khác, cá tra xuất khẩu của Việt Nam đang bị một số thị trường áp đặt rào cản thương mại, kỹ thuật gây khó khăn kéo dài.

Bám vào nguyên tắc thị trường

Nhiều đại biểu dự hội nghị cho rằng nhu cầu bức xúc nhất hiện nay là phải tổ chức lại sản xuất 2 ngành hàng chủ lực của ĐBSCL theo hướng phát triển bền vững, hiệu quả cao, đảm bảo nâng cao thu nhập cho người nông dân. Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam bộ Nguyễn Phong Quang nhận định: “Chúng ta nên xác định lại cơ cấu mùa vụ, quy trình, cơ cấu, tổ chức sản xuất, tiêu thụ thế nào cho hợp lý. Có nên giữ việc sản xuất lúa 3 vụ lúa như hiện nay hay điều chỉnh 1 số diện tích sang 2 vụ lúa 1 vụ màu là phù hợp. Theo tôi, chúng ta không nên rập khuôn, cơ cấu mùa vụ đến thời điểm này nên 2 vụ lúa. Đối với diện tích màu thì nên tùy điều kiện từng địa phương, tính toán đầu ra cho hợp lý. Đối với cây lúa nhất thiết phải nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết”. 

Để vực dậy ngành cá tra, ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam cho rằng đây vẫn là sản phẩm độc quyền của ĐBSCL có mặt trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng sản xuất tự phát, không theo quy hoạch. Cạnh tranh không lành mạnh, bán giá thấp… gây thiệt hại lớn cho người nuôi từ tháng 3-2012 đến nay. Trước hết, các bộ ngành Trung ương cần kiểm tra nghiêm ngặt tránh tình trạng một số doanh nghiệp liên kết với khách hàng xấu lừa dối người tiêu dùng bằng cách bơm quá nhiều nước vào cá phi lê. 1 tấn cá phi lê có tới 500kg nước thì làm sao chấp nhận được. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Công ty Cafatex (Hậu Giang) kiến nghị nên giảm sản lượng cá tra để cũng cố nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến, tăng giá bán, lợi nhuận… Nhìn nhận vấn đề, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, đối với cây lúa, cá tra đòi hỏi phải có điều chỉnh căn cơ. Bắt đầu từ điều chỉnh cơ cấu sản xuất. Phải rà soát lại, để hướng dẫn nông dân sản xuất cho thu nhập cao. Chuyển mạnh sản xuất các loại nông sản giá cao hơn, nông dân thu nhập nhiều hơn nhưng phải hạ giá thành. 

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là lĩnh vực rất quan trọng, cần có giải pháp nâng cao đời sống nông dân và phát triển bền vững. Biện pháp trước mắt và lâu dài đối với 2 mặt hàng chiến lược là lúa gạo và thủy sản là phải bám vào nguyên tắc thị trường, áp dụng nghiêm các qui định quốc tế. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách đã ban hành như vấn đề tạm trữ 1 triệu tấn gạo; tìm kiếm thị trường; thực hiện tín dụng cho sản xuất, thu mua, xuất khẩu”.

Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương kiểm soát dịch bệnh, cơ cấu lại sản xuất; triển khai các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Các bộ ngành liên quan tiếp tục phối hợp với Hiệp hội đấu tranh với những chính sách phi lý của các nước để sau 1 thời gian nhất định có những chuyển biến cơ bản. Về lâu dài, triển khai thực hiện tốt quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó thực hiện lại quy hoạch sản xuất, đây là vấn đề quan trọng, phải gắn với cung cầu thị trường, gắn vào mục tiêu nâng cao hiệu quả. Cần liên kết trung ương với địa phương, liên kết vùng; liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau và với nông dân nhằm tăng hiệu qủa sản xuất, kinh doanh…

Bình Đại/ Báo SGGP

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: