VINAGRI News - Giá cá tra nguyên liệu vùng đồng bằng sông Cửu Long đã rớt xuống mức thấp nhất trong 3,4 năm trở lại đây, nông dân hầu hết đã treo ao.
Người nuôi đang lỗ nặng
Sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) tăng thuế bán phá giá đối với cá tra Việt Nam, giá cá tra nguyên liệu trong nước đã tăng nhẹ. Thời điểm giữa tháng 4/2013, giá cá ổn định ở mức 21.000- 21.500 đồng/kg, tăng 1.000- 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước đó. Tuy nhiên, tín hiệu vui này không kéo dài bởi những ngày gần đây giá cá lại quay đầu giảm mạnh.
Hiện, cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thịt trắng, trọng lượng 0,8- 1 kg/con được các DN mua bằng tiền mặt với giá chỉ 18.000- 18.500 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi đang lỗ từ 3.500- 5.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Tạch - hộ nuôi cá tra ở huyện Châu Phú, An Giang - chia sẻ: “Giá cá hiện nay xuống quá thấp, đã thế việc nhận được tiền bán cá cũng rất khó khăn, do đó nhiều hộ nuôi hiện nay đã bỏ nghề”.
Chật vật tìm thị trường mới
Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, giá cá tra giảm là do DN ưu tiên sử dụng nguồn cá của công ty, nông dân mất khả năng đàm phám trong các vụ mua bán, buộc họ phải chấp nhận bán cá với giá rẻ. Tuy nhiên, người nuôi lại cho rằng, trên thực tế, dù DN đầu tư vùng nguyên liệu thì vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu chế biến xuất khẩu. Theo đó, vẫn cần phải mua cá của nông dân, nhưng không hiểu sao cá vẫn rớt giá?
Theo ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- sau khi Mỹ áp mức thuế chống bán phá giá cá tra Việt Nam tăng gấp 25- 45 lần thì chỉ còn 9 DN Việt Nam xuất khẩu cá tra vào Mỹ. Lo sợ nguồn cung thiếu nên các nhà nhập khẩu Mỹ đã tăng giá thu mua lên 0,5- 0,7 USD/kg. Thấy giá cả hấp dẫn, cộng với việc các thị trường khác gặp khó, nên sản lượng xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 4 và 5 tăng vọt từ 50- 70% so với cùng kỳ. Đến cuối tháng 5 vừa qua, Mỹ đã chính thức giữ ngôi quán quân về nhập khẩu cá tra Việt Nam với giá trị xuất khẩu hơn 170 triệu USD, trong khi EU rớt xuống vị trí thứ 2.
Theo VASEP, 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam ước đạt 800 triệu USD, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2012.
“Các DN ham ký nhiều hợp đồng nên khi thấy sản lượng bắt đầu dư thừa thì các nhà nhập khẩu Mỹ đã hạ giá và giảm sản lượng nhập khẩu, từ đó ảnh hưởng đến giá cá nguyên liệu trong nước” - ông Hòe giải thích.
Để khắc phục tình trạng trên, hiện nay 9 DN xuất khẩu đã thống nhất, sẽ giảm sản lượng cá tra xuất khẩu sang Mỹ 6 tháng cuối năm để đẩy giá bán lên. Còn tại thị trường EU, để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, hạ chất lượng để giảm giá bán, làm suy giảm hình ảnh và uy tín của cá tra Việt Nam, VASEP cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang bàn giải pháp đưa cá tra lên sàn giao dịch quốc tế Zeebrugge (Bỉ) để bán đấu giá. Tuy nhiên, thông tin trên thực chất mới chỉ ở giai đoạn ý tưởng. Việc nghiên cứu tính khả thi thực tiễn của dự án còn cần nhiều thời gian để xem xét, đánh giá rủi ro. Nhưng điều mà người nông dân thật sự cần bây giờ là làm cách nào để họ có lãi, không phải “treo ao” và tiếp tục gắn bó với “con cá trời ban” của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Sao Mai/ Báo Công Thương
Không có nhận xét nào: