VINAGRI News - Không chỉ gặp khó khăn, phải tự bươn chải trong tìm kiếm đầu ra mà những người nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam còn phải đối phó với tình trạng hàng lậu đang “bức tử” nông sản nội địa. Trong khi sự chủ động của các cơ quan chức năng để phát hiện, phối hợp, xử lý các vụ buôn lậu hàng nông sản còn nhiều bất cập.
Cá tầm thương phẩm Việt Nam. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Gần đây, câu chuyện về những doanh nghiệp nuôi cá tầm Việt Nam đang tự loay hoay với công tác chống buôn lậu là một điển hình.
Long đong “thử nghiệm” cả chục năm
Cá tầm đang được biết đến là loại cá giàu chất dinh dưỡng (cả trứng cá đen và thịt cá tầm) đem lại giá trị cao cho người nuôi. Thịt cá tầm Việt Nam được bán ra khoảng 200.000 đồng/kg, còn trứng cá tầm được bán thấp nhất 1.700 USD/kg (tùy loại).
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết giá trị kinh tế của chăn nuôi và sản xuất cá tầm với Việt Nam không chỉ nằm ở giá thịt, trứng cá và nhu cầu thị trường, mà trước mắt việc nuôi cá tầm có thể giải quyết được công ăn việc làm cho rất nhiều hộ gia đình trong diện tái định cư khi xây dựng các nhà máy thủy điện.
Với tiềm năng về giá trị kinh tế cao, là nguồn thực phẩm bổ dưỡng, chất lượng nhưng hơn 10 năm nay các đơn vị nuôi và kinh doanh cá tầm vẫn ẩn dật dưới mác nuôi thử nghiệm, dù đã nuôi được cá lấy thịt, lấy trứng cá đen, và thậm chí là ấp nở giống thành công. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP than phiền: “Trong 27 loài cá tầm thì ở Việt Nam mới cấp phép cho nuôi 1 loại mà loại này không có giá trị nên chẳng ai nuôi!”
Con cá tầm ở Việt Nam có lẽ còn tiếp tục ẩn dật nếu không có những cảnh báo về sự lộn xộn trên thị trường cá tầm thời gian qua, nhất là tình trạng cá tầm nhập lậu đang "đe doạ" sự tồn vong của các doanh nghiệp nuôi cá tầm trong nước.
Ông Lê Anh Đức, Chủ tịch Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam, cho biết cá tầm không rõ nguồn gốc được bày bán không chỉ tại các chợ mà nhiều siêu thị cũng xuất hiện tình trạng lập lờ trong tiêu thụ mặt hàng này. Cụ thể, nhiều siêu thị chỉ nhập cá tầm của doanh nghiệp trong nước với số lượng ít nhưng thực tế lại bày bán gấp nhiều lần cá nhập từ các nguồn khác nhưng vẫn dưới mác cá tầm của doanh nghiệp trong nước. Sau khi có phản ứng từ các doanh nghiệp trong nước thì các siêu thị lại bày bán với nhãn hiệu chung chung là cá tầm Việt Nam.
Còn kiểm tra của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản (Bộ NNPTNT), tháng 5/2013, cho thấy cá tầm, cá trê, cá quả bán tại một số chợ đầu mối ở Hà Nội có nguồn gốc không rõ ràng, thậm chí một số mẫu cá còn chứa kháng sinh cấm.
Nhu cầu tiêu thụ cá tầm đang ngày lớn, nhưng để có được vị trí nhất định trên thị trường thì sự “tự thân vận động” của các doanh nghiệp cá tầm trong nước là chưa đủ, bởi còn cần đến sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn của cơ quan quản lý.
Trăm dâu đổ đầu tằm
Sau khi có đơn gửi lên Thủ tướng để xem xét xử lý vấn đề cá tầm nhập lậu. Hiệp hội cá nước lạnh, Tập đoàn Cá Tầm Việt Nam, cùng với sự có mặt của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có cuộc gặp mặt với giới báo chí… Câu chuyện cá tầm nhập lậu bỗng nóng lên cùng những bức xức của các doanh nghiệp trong ngành cá nước lạnh khi họ cảm thấy đơn độc từ sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho đến cả chống hàng lậu.
Ươm giống cá tầm ở Đà Lạt. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Ông Trần Yên, Giám đốc Công ty cổ phần Nuôi trồng và xuất nhập khẩu thủy sản Tây Bắc, cho biết tháng 5/2013, ông Yên có ý kiến với Bộ NNPTNT bằng văn bản việc ông phát giác một doanh nghiệp ở Lai Châu có dấu hiệu nhập lậu giống cá tầm vào cùng nuôi với cá hồi và cá tầm Việt Nam để “rửa” thương hiệu cá, đánh lận con đen cá tầm Việt Nam với cá tầm nước khác.
Sau một thời gian thúc đẩy thông tin vụ việc để mong các nhà quản lý vào cuộc, xác minh rõ nguồn gốc các loại giống cá tầm ở công ty trên thì ngày 11/6 vừa qua ông nhận được một tờ phiếu chuyển đơn từ Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) tới Giám đốc sở NNPTNT Lai Châu. Nội dung tờ phiếu chuyển đơn có ghi rõ “…Tổng cục Thủy sản chuyển thư này đến Giám đốc Sở NNPTNT Long An để chỉ đạo làm rõ…”
Câu chuyện của ông Trần Yên đưa ra có thể là lỗi kỹ thuật về mặt văn bản, nhưng rõ ràng, cách ông Yên trao cho giới báo chí văn bản này kèm những bức xức về sự tắc trách của cơ quan công quyền và mối lo về công tác chống hàng hóa nhập lậu, đặc biệt là giống gia cầm và giống thủy sản là có thật.
Ngày 10/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an) có văn bản báo cáo trước ngày 15/7/2013 về tình hình vận chuyển (chở qua đường hàng không vào TPHCM), buôn bán công khai thủy sản (cá tầm) nhập lậu vào Việt Nam.
Sau đó, ngày 13/7, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường đã có báo cáo về vấn đề này. Trong báo cáo cũng nêu rõ thực trạng buôn lậu cá tầm qua biên giới hiện nay. Nghiêm trọng hơn, sau khi các cơ quan chức năng kiểm soát chặt hơn bằng các loại giấy kiểm dịch thì xuất hiện hiện tượng cá tầm nhập lậu vào Việt Nam được đưa vào các trang trại nuôi cá tầm gần biên giới để “hóa thân” thành cá Việt Nam, ung dung đi ra thị trường với đầy đủ giấy tờ theo yêu cầu.
Trong báo cáo này, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cũng nêu lên nhiều vướng mắc, trong đó có việc “ chưa được giao đầy đủ, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền” để xử lý các vụ việc về an toàn thực phẩm như thế này. Hơn nữa “cơ chế phối hợp giữa các lực lượng (đặc biệt với thú y, quản lý thị trường...) còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ...”
Ngành nuôi cá tầm Việt đang đứng trước cơ hội kép cho cả nông dân và doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế hiện nay nhưng dòng chảy nuôi cá tầm đang chững lại và có nguy cơ tắc nghẽn nếu không khơi thông được bằng việc chống hàng lậu đang có dấu hiệu gia tăng và "bóp nghẹt" ngành cá tầm trong nước cũng như thương hiệu cá tầm Việt Nam.
Vụ việc cá tầm chưa có hồi kết, nhưng rõ ràng cách làm chưa thực sự quyết liệt trong công tác chống buôn lậu của cơ quan chức năng đã khiến người dân và doanh nghiệp hoang mang và chỉ còn biết kêu cứu lên Chính phủ. Đây không hẳn là mẫu số chung trong công tác chống buôn lậu nông sản nhưng chỉ một chút thờ ơ của những đơn vị chức năng liên quan trong công tác chống buôn lậu, nông sản Việt sẽ phải đối diện với cái chết yểu ngay trên sân nhà.
Đỗ Hương/ chinhphu.vn
Không có nhận xét nào: