VINAGRI News - Do mưa dầm trong những ngày qua đã làm cho nhiều diện tích lúa Thu đông mới gieo sạ và lúa Hè thu trong giai đoạn thu hoạch trên địa bàn tỉnh Hậu Giang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây nhiều khó khăn và tổn thất cho người dân.
Lúa ngập trong nước
Dọc theo đường nối Vị Thanh - Cần Thơ hay một số khu vực khác có diện tích gieo sạ lúa Thu đông từ 5-15 ngày tuổi, dễ dàng bắt gặp hình ảnh nông dân be bờ hay bơm nước cứu lúa. Vì toàn bộ diện tích lúa trong giai đoạn này đã bị ngập sâu trong nước do những cơn mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua. Đang bì bõm be bờ, ông Đặng Văn Tuấn, nông dân ở ấp 1A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy bộc bạch: “Một hai đám mưa đầu còn có thể bơm được, càng ngày mưa càng nhiều và nước ngập cả bờ mẫu, giờ phải mướn nhân công be bờ để bơm nước giữ lúa”. Trong số 3,6ha lúa của ông Tuấn trong vụ này thì có đến 1,8ha sạ được 15 ngày và diện tích này luôn bị ngập mất đọt sau những trận mưa. Chỉ tính trong 5 ngày qua, ông đã bỏ ra hơn 2 triệu đồng mua dầu bơm nước và số chi phí này sẽ còn tăng trong điều kiện mưa vẫn tiếp tục.
Không riêng gì ông Tuấn, hiện có nhiều hộ dân có lúa Thu đông mới gieo sạ cũng mất ăn, mất ngủ vì lúa bị mưa dầm làm ngập. Anh Nguyễn Tấn Đạt, ở khu vực 2, phường 5, TP.Vị Thanh đứng ngồi không yên khi chứng kiến 8 công lúa được 10 ngày tuổi của mình bị mưa quần tả tơi. “Mưa không thể tưởng tượng được, vừa dứt đám này thì có đám kế tiếp và đám nào cũng lớn. Chỉ 5 ngày, nhưng tôi đặt máy bơm đến 9 lần, mỗi lần tốn gần 200.000 đồng tiền xăng. Mới đầu vụ mà như thế này, xem ra nông dân khó ăn trong vụ lúa này” - anh Đạt than.
Đối với những hộ may mắn sạ lúa từ 10 ngày trở lên và tích cực bơm nước thì khả năng lúa chết sẽ ít, riêng những diện tích sạ dưới 10 ngày thì đã chết khá nhiều, người dân đang đợi nắng trở lại để tiếp tục gieo sạ lần 2. Anh Nguyễn Văn Phương, ở ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy tâm sự: “Tôi có 7 công ruộng vừa sạ được 2 đêm thì mưa suốt cho tới nay. Tuy đã bơm nước ra 2 lần nhưng vẫn không kết quả nên phải chuẩn bị sạ lại. Đối với hộ có giống dự trữ tại nhà còn đỡ, riêng những hộ phải mua giống để sạ như tôi thì gặp nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn”.
Giá công thu hoạch tăng
Mưa dầm trong những ngày qua, không chỉ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lúa Thu đông mà còn làm cho nhiều diện tích lúa Hè thu trong giai đoạn thu hoạch bị đổ ngã, người dân không thể thu hoạch bằng máy mà chuyển sang cắt tay nên giá thuê nhân công đã tăng vùn vụt. Bên 5 công lúa đang thu hoạch, anh Nguyễn Văn Nhỏ, ở ấp 1, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy cho biết: “Lúa đã chín trước đó nhưng gia đình định ăn mùng 5 (Tết Đoan Ngọ) xong sẽ tiến hành cắt, nhưng chưa kịp qua mùng 5 thì trời mưa chụp xuống liên tục và kéo dài cho đến hôm nay. Từ lúa đứng, chuyển sang bị đổ ngã hàng loạt, khiến chi phí thu hoạch tăng cao, cộng với lúa thất thoát nhiều, chất lượng giảm… đồng nghĩa giá bán giảm theo. Vụ này, nông dân coi như lỗ nặng”.
Hiện tại, anh Nhỏ cùng nhiều bà con nơi đây phải mướn nhân công thu hoạch lúa với giá từ 400.000-500.000 đồng/công, tăng gần 100.000 đồng/công so với thời điểm 5 ngày trước đó. Nhưng đây chỉ là giá cắt lúa, nếu cộng thêm tiền trâu kéo và máy suốt thì mỗi công người dân phải tốn khoảng 700.000 đồng, tăng gấp đôi so với thu hoạch bằng máy. Tuy giá công cắt tăng, nhưng nông dân cũng buộc lòng thuê vì nếu càng để lâu lúa càng thất thoát. Việc giá tăng đã đành, nhưng kiếm được người để mướn thu hoạch trong lúc này thì không phải dễ dàng. Anh Nhỏ cho biết thêm: “Mưa dầm khiến việc thu hoạch bị ùn ứ do lúa đổ ngã, ẩm ướt. Lúa gặp mưa làm chất lượng giảm nên bị thương lái chê, từ đó đẩy nông dân vào cảnh khốn đốn vì không tiêu thụ được”.
Nhiều diện tích lúa Thu đông bị nhấn chìm trong nước đang được nông dân khẩn trương bơm thoát nước ra bên ngoài.
Không chỉ có người dân đang thu hoạch lúa mới gặp khó khăn, mà ngay cả những hộ có lúa mới trổ đều hay gần chín thì sự lo lắng càng trở nên nhiều hơn. Bà Mai Hồng Thắm, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ chia sẻ: “Mưa dầm trong những ngày qua khiến tâm trạng tôi như ngồi trên đóng lửa. Bởi, 2,7ha lúa của gia đình trong vụ này còn khoảng 10 ngày nữa sẽ thu hoạch, nhưng nay có gần phân nửa diện tích bị sập từ 30-40%. Do lúa còn xanh nhưng nằm trong nước, nếu để kéo dài sẽ làm giảm chất lượng và năng suất đến khi cắt là điều khó tránh khỏi”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lê Văn Đời cho rằng, mưa đột ngột và liên tục trong những ngày qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh. Nhiều diện tích lúa Hè thu đang trong giai đoạn thu hoạch bị đổ ngã dẫn đến chi phí tăng, trong khi giá thu mua ở mức thấp so với giá định hướng thu mua của Bộ Tài chính làm cho nhiều nông dân gặp khó. Ngành cũng đang chỉ đạo các địa phương tập trung điều tra, thống kê lại những diện tích lúa Thu đông bị ảnh hưởng trong đợt mưa này để tổng hợp và trình lên UBND tỉnh xem xét có hướng hỗ trợ cho nông dân vượt qua khó khăn, an tâm sản xuất…
Ngành nông nghiệp tỉnh cho biết, đến thời điểm này, nông dân đã gieo sạ được 10.488/52.150ha lúa Thu đông và theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì có vài trăm héc-ta ở giai đoạn dưới 10 ngày tuổi nguy cơ phải sạ lại do tình hình mưa kéo dài. Đối với lúa Hè thu, hiện bà con đã thu hoạch được 25.329/76.631ha, nhưng có không ít ruộng lúa sau khi thu hoạch bị lên mộng rất khó bán vì mưa dầm không phơi được.
Bài, ảnh: Hữu Phước/ Báo Hậu Giang
Không có nhận xét nào: