VINAGRI News - Với kết quả đạt được trong chương trình thu mua và tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ đông xuân vừa qua tại Đồng bằng sông Cửu Long có thể thấy quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề nâng cao hiệu quả xuất khẩu lúa gạo và thu nhập của nông dân. Tuy nhiên, cũng dễ dàng nhận ra một điều, chưa bao giờ giữa mục tiêu và triển vọng lại gặp nhiều khó khăn và thách thức như hiện nay.
Thách thức thị trường và sản xuất
Năm 2012, Việt Nam trở thành nước đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo thì bước sang đầu năm 2013, thị trường đã có dấu hiệu thay đổi đáng kể, đó là việc các chuyên gia dự đoán Thái Lan sẽ trở lại, thay vị trí Ấn Độ, trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Đặc biệt là gần đây, Myanma - nước xuất khẩu gạo lớn - đang tung ra những sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với những mặt hàng được coi là thế mạnh từ trước đến nay của Việt Nam. Có thể nói, đây không chỉ là thách thức trước mắt mà còn mang tính lâu dài.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, sản lượng gạo xuất khẩu của nước ta tính đến 30/4/2013 đạt 2,151 triệu tấn, tăng 23,49% về lượng so với cùng kỳ năm 2012 nhưng giá xuất khẩu bình quân giảm 28,16USD/tấn, khiến kim ngạch giảm.
Đối với việc sản xuất lúa gạo, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất và thu mua nhằm đảm bảo thu nhập tối thiểu cho nông dân, nhưng trước tình hình xuất khẩu lúa gạo gặp nhiều khó khăn khiến một số mục tiêu của chính sách không đạt kết quả như mong muốn. Với thu nhập thực tế hiện không đạt 30% lợi nhuận tối thiểu, thậm chí có nơi thu nhập còn dưới cả mức chuẩn nghèo (dưới 400.000 đồng/người/tháng) thì nông dân khó có thể mặn mà dài lâu với cây lúa.
Bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận trong việc hiện đại hóa nông nghiệp, như 94% diện tích được tưới tiêu bằng thủy lợi, 70% sử dụng máy móc cũng như nhiều tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng hiệu quả vào sản xuất, về cơ bản, sản xuất lúa ở nước ta vẫn chưa thoát khỏi tình trạng nhỏ lẻ, phân tán, mang tính hộ gia đình, canh tác theo phương thức truyền thống… nên giá lúa vẫn kém sức cạnh tranh so với sản phẩm của các nước khác.
Ngoài các yếu tố liên quan trực tiếp trên phải kể đến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và trồng lúa nói riêng, tuy đã có, nhưng có nơi, có lúc chính sách hỗ trợ này chưa thực sự phát huy hiệu quả, đặc biệt là còn thiếu vắng các chính sách hỗ trợ liên kết giữa sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ… Có thể nói đó là những khó khăn không nhỏ và đang rất cần sự tháo gỡ kịp thời từ các cơ quan chức năng để việc sản xuất lúa đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Một thách thức không thể không kể đến, đó là những chính sách đòn bẩy trong các mục tiêu phát triển văn hóa - xã hội cho một vùng đồng bằng với 18 triệu dân, đồng thời là chủ thể chính của các hoạt động nông nghiệp tại đây. Có một con số đau lòng, nhưng đó là sự thật, vì ít ai ngờ rằng chính ở nơi sản xuất lúa gạo đứng đầu cả nước và có vai trò không nhỏ trong việc đảm bảo an ninh lương thực của thế giới trong 2 thập kỷ qua, lại là nơi có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 11,36% (chỉ dưới vùng Duyên hải miền Trung, năm 2012), và cũng là nơi chịu tiếng nghèo về con chữ.
Cơ hội và giải pháp
Tuy bức tranh xuất khẩu gạo thế giới đang sẫm màu, nhưng ý kiến chung của giới chuyên môn đều cho rằng, cho dù khó khăn hay thuận lợi thì thị trường vẫn luôn là yếu tố tiềm ẩn cả cơ hội lẫn thách thức. Do vậy, một mặt chúng ta cần kiên trì giữ vững các mục tiêu, mặt khác cần chủ động nắm vững tình hình nhằm tạo ra điều kiện và thời cơ mới. Có thể nói, đó chính là phương châm lớn nhất cho công tác xuất khẩu gạo hiện nay.
Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ đã đề ra chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2012, đồng thời cũng đề ra những giải pháp cụ thể trong việc sản xuất và xuất khẩu gạo, tóm tắt gồm: bảo vệ và giữ 3,8 triệu hecta đất trồng lúa; đẩy mạnh các biện pháp thâm canh và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm tăng năng suất và chất lượng lúa; thực hiện một cách hiệu quả các biện pháp hỗ trợ, nhất là về vốn tín dụng cho việc trồng lúa xuất khẩu; thực hiện các mục tiêu quốc gia về XDNTM và xây dựng các đề án giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển văn hóa - xã hội ở nông thôn.
Với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và sự nỗ lực của nhân dân, với thành tích rất đáng tự hào đạt được trong 20 năm tham gia thị trường xuất khẩu gạo thế giới, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn thách thức để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu gạo đã đề ra trong năm nay.
Đoàn Thế Sáng/ Báo KTNT
Không có nhận xét nào: