» » “Vựa heo” Đồng Nai: Tiếp tục gặp khó

VINAGRI NewsHơn một năm qua, ngành chăn nuôi Đồng Nai liên tục gặp khó do giá heo, gà trên thị trường xuống dưới giá thành sản xuất, khiến nông dân càng nuôi càng lỗ. Tình trạng trên được dự báo “còn tiếp diễn đến hết năm nay”, khiến người chăn nuôi rất khó cầm cự và nguy cơ bỏ chuồng là không thể tránh khỏi. 


Ảnh minh hoạ

Heo “ăn” cả sổ đỏ

Tâm sự với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ngũ ở ấp Dốc Mơ III, Gia Tân I (huyện Thống Nhất) cho biết: “Tôi theo nghề chăn nuôi hơn 10 năm nay, trước đây giá heo cũng lên xuống thất thường song vẫn bù qua bù lại được. Nhưng thời gian qua, giá heo xuống quá thấp, lại kéo dài khiến chúng tôi lỗ nặng, khó mà cầm cự nổi. Tuy nhiên, không phải nói bỏ nghề là bỏ luôn được, bởi chúng tôi đã lỡ đầu tư nhiều tiền của vào chuồng trại và gây đàn heo giống. Hơn nữa, ở vùng này nông dân chủ yếu làm nghề chăn nuôi, nay không theo nữa cũng chẳng biết làm gì, đành cố gắng chờ ngày giá heo, gà cải thiện”.

Ông Nguyễn Văn Đức ở xã Gia Tân II cho biết: Mấy năm trước, nhà tôi nuôi gần 30 heo nái, hơn 200 heo thịt và thường xuyên có thu nhập khá vì giá thức ăn còn thấp, giá heo hơi cao. Hơn một năm nay, giá heo hơi chỉ còn 37.000 - 38.000 đồng/kg. Với giá này, nếu ai cho heo ăn toàn cám viên công nghiệp thì lỗ từ 400.000 - 500.000 đồng/tạ heo thịt. Vì thế, chúng tôi đành phải pha trộn cám bắp, cám gạo cho heo ăn nhằm giảm giá thành sản xuất, cố gắng duy trì đàn heo vượt qua thời gian khó khăn này”. 

Cũng theo ông Đức, trước đây, heo được giá nên các đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi cho bà con nợ tiền cám, bán heo xong mới phải trả, nhưng bây giờ các đại lý không cho ghi nợ nữa. Vì vậy, nhiều người phải cắm sổ đỏ để vay tiền ngân hàng mua thức ăn cho heo. 

Chính quyền bất lực

Trao đổi với chúng tôi, ông Lã Văn Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Gia Tân 2 cho hay: “Giá heo hơi xuống thấp một thời gian dài khiến người chăn nuôi trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, nhất là tiền mua thức ăn cho heo hàng ngày (chiếm hơn 70% giá thành sản xuất), chính vì vậy, người nào nuôi nhỏ lẻ, ít vốn rất dễ bỏ chuồng. Dù biết người chăn nuôi đang phải trải qua những ngày gian khó nhưng chúng tôi cũng chỉ biết bày tỏ sự cảm thông, động viên bà con cố gắng bám lấy nghề để chờ giá heo tăng trở lại. Hơn nữa, nhiều năm nay, người dân trong xã chủ yếu theo nghề chăn nuôi nên việc chuyển đổi sang các nghề khác không đơn giản”.

Hiện, trên địa bàn xã Gia Tân II đã hình thành 2 vùng chăn nuôi tập trung, gồm vùng Tây Bạch Lâm diện tích 108ha, với 33 hộ tham gia đầu tư chuồng trại và đã đi vào hoạt động; Đông Đức Long diện tích 100ha, với 50 hộ sản xuất. Toàn xã hiện có hơn 300 hộ làm nghề chăn nuôi, trong đó trên 120 hộ đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm. Tổng đàn heo của xã hiện còn 42.000 con, gà 411.000 con và khoảng 61.000 con chim cút. “Để nông dân có thể theo đuổi nghề chăn nuôi một cách bền vững, chúng tôi đã thành lập hợp tác xã và 4 tổ chăn nuôi heo để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con”, ông Hùng nói. 

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết: Trước thực trạng giá heo xuống thấp và kéo dài hơn một năm nay, chúng tôi đã có kiến nghị lên cấp có thẩm quyền tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân, nhưng đến nay vẫn chưa có lời giải. 

“Thực tế, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hiện đã giảm khoảng 3%. Về gia cầm, tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng chắc chắn số lượng đàn cũng đã giảm, vì nhiều trang trại sau thời gian dài thua lỗ không còn đủ khả năng duy trì, phải chuyển qua nuôi gia công. Nếu giá gà tiếp tục hạ sâu, số lượng đàn gà của tỉnh chắc chắn sẽ tiếp tục giảm”, ông Quang nói. 

Theo ông Trần Minh Phúc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, để “cứu” ngành chăn nuôi thoát khỏi tình trạng hiện nay, đòi hỏi phải có những chính sách cụ thể từ Trung ương. Đơn cử như việc hạ lãi suất cho vay đối với các hộ chăn nuôi thì thuộc thẩm quyền của Chính phủ; việc bình ổn giá thức ăn chăn nuôi cũng sẽ không hiệu quả, vì những cơ sở sản xuất trong nước chiếm thị phần rất nhỏ.

Ông Phúc đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT cần phối hợp với Sở Công Thương và Sở Tài chính tỉnh nghiên cứu đề xuất các phương án và giải pháp cứu ngành chăn nuôi, trong đó cần phân định rõ vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Trung ương và vấn đề nào thuộc thẩm quyền của địa phương để kiến nghị Chính phủ và tỉnh có biện pháp hỗ trợ.

Ngoài ra, để giải quyết khó khăn trước mắt, tới đây, UBND tỉnh Đồng Nai sẽ hỗ trợ xây dựng thí điểm một chuỗi sản xuất khép kín từ chăn nuôi đến giết mổ, tiêu thụ ngoài thị trường, tránh tình trạng giá lợn, gà bán tại trại thấp nhưng khi ra chợ lại cao, từ đó sẽ đánh giá, tổng kết và nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo Tổng cục Thống kê, đàn heo cả nước đến cuối năm 2012 còn 26,49 triệu con, giảm 2,1% so với năm 2011 và giảm 3,2% so với năm 2010. Tổng đàn gia cầm năm 2012 là 308,46 triệu con, giảm 4,4% so với năm 2011. Từ đầu năm 2012, giá thịt heo cũng liên tục giảm (giá heo hơi còn 35.000 đồng/kg), giá gà cũng luôn bấp bênh ở mức thấp, cá biệt có lúc xuống đến “đáy” là 12.000 đồng/kg (gà trắng). Trong khi đó, giá thức ăn luôn ở mức cao, 11.000-12.000 đồng/kg. Vì vậy, người chăn nuôi thua lỗ nặng nề, nhiều người đã bỏ cuộc.

Riêng tại tỉnh Đồng Nai, vựa heo lớn của cả nước, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm số nhiều (44% đối với heo, với gia cầm là 15%) nên gặp khó khăn về công tác quản lý vệ sinh, dịch bệnh. Hiện Đồng Nai có khoảng 200 lò giết mổ lậu không thể kiểm soát được.

Hữu Danh/ Báo KTNT

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: