VINAGRI News - Hiện nay, các dịch vụ sản xuất kinh doanh rau an toàn (RAT) phần lớn bị "héo úa", thậm chí phải đóng cửa, do rất nhiều nguyên nhân như giá thành cao, người tiêu dùng chưa quen, kênh phân phối kém...
Những điểm bán RAT còn hoạt động cũng đang ở trong tình trạng vắng khách, ế ẩm, còn người dân trồng rau thì đang phải chịu lỗ bởi thị trường rau rơi vào thời điểm rớt giá, rẻ gấp 2 lần so với thời điểm trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ.
"Tắc" đầu ra
Theo Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), khi khảo sát 6 tỉnh thành phía Bắc, gồm: Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hải Phòng, có 90% người tiêu dùng (NTD) khi được hỏi về cách nhận biết, phân biệt RAT đều có chung câu trả lời là không phân biệt được RAT với các loại rau, quả thông thường, bằng mắt thường. Họ chỉ phân biệt, nhận diện được RAT qua các hệ thống bán lẻ có các chứng nhận tiêu chuẩn cụ thể. Tuy nhiên, trên thực tế lại có rất ít NTD tiếp cận được thông tin chính xác về điểm bán RAT.
Bên cạnh việc thiếu thông tin, giá bán RAT cũng là một rào cản không nhỏ. Có một thực tế, trong khi chợ cóc, chợ đầu mối của thành phố tiêu thụ hàng tấn rau, quả không rõ nguồn gốc mỗi ngày, các đại lý, cơ sở sản xuất kinh doanh RAT lại ế ẩm, "héo úa".
Đơn cử như các đại lý, cơ sở sản xuất của Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng chỉ tiêu thụ được 200 – 300 kg RAT/ngày. Theo lý giải của Hapro, giá thành sản xuất RAT cao vẫn là trở ngại lớn, khiến RAT khó cạnh tranh với các loại rau bày bán ở chợ bởi RAT thường cao hơn rau cùng loại bán ngoài chợ cóc từ 1 – 2 lần. Do đó, NTD chưa thể thay đổi thói quen mua rau từ những cửa hàng bán RAT, thay vì mua từ các chợ truyền thống.
Ông Khanh, Chủ nhiệm HTX Đặng Xá, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm cho biết, với 9ha diện tích trồng RAT, chỉ một phần rất nhỏ số lượng rau này được thu mua để đưa vào siêu thị. Nên dù được sản xuất theo phương pháp RAT nhưng rau của HTX Đặng Xá lại chủ yếu được bán lẫn lộn tại các chợ đầu mối và tất nhiên với mức giá cũng rẻ tương đương rau thường, cho dù họ vẫn đảm bảo đúng kỹ thuật đã được hướng dẫn trồng RAT.
Sản xuất rau an toàn ở HTX Đặng Xá
Công ty Việt Long mỗi ngày sản xuất được 2 tấn RAT, nhưng chỉ tiêu thụ được 1,5 tấn. Theo đại diện Công ty Việt Long, NTD vẫn còn dè dặt với RAT, bởi chính họ cũng chưa nhận thức phân biệt được đâu là RAT, rau sạch. Nhiều người cho rằng rau xanh, tươi, không bị sâu là RAT.
Tìm hướng đi mới
Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có khoảng 15 doanh nghiệp, 25 HTX đang tham gia sản xuất, kinh doanh RAT. Vì vậy, để giúp NTD dễ dàng nhận biết, lựa chọn sản phẩm RAT, bên cạnh việc gắn nhãn nhận diện, từ tháng 9/2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục chỉ đạo việc triển khai dán tem nhận diện RAT Hà Nội cho sản phẩm bán lẻ ở các cửa hàng, siêu thị, chợ…
Để gỡ khó cho sản xuất và tiêu thụ RAT, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Trần Xuân Việt chỉ đạo, ngành nông nghiệp cần hỗ trợ tích cực giúp đỡ người dân về quy hoạch, quy trình, kỹ thuật sản xuất, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, nghiệm thu RAT. Cùng với đó, người dân phải nâng cao ý thức bảo đảm chất lượng, tuân thủ quy trình sản xuất RAT. Thành phố tiếp tục hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo
thương hiệu, mở rộng mạng lưới tiêu thụ giúp người dân yên tâm sản xuất RAT.
Trước mắt, để giải quyết bài toán hệ thống phân phối cho sản phẩm, kinh nghiệm mà Công ty TNHH Hương Cảnh – doanh nghiệp sản xuất RAT tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội chia sẻ: do gặp nhiều khó khăn trong việc mở địa điểm, nên đến nay, sản phẩm của công ty chủ yếu là "ký gửi" tại các siêu thị. Việc ký gửi này không chỉ giúp giải bài toán tìm hệ thống phân phối cho sản phẩm mà còn giúp sản phẩm dễ tiếp cận với NTD hơn việc tự mở một cửa hàng phân phối.
Tuy nhiên, để RAT được NTD lựa chọn tin dùng, đòi hỏi các cơ quan chức năng cũng như đơn vị sản xuất, kinh doanh cần đồng loạt vào cuộc một cách tích cực hơn nữa, nhằm tìm ra những hướng đi mới, cách thức kinh doanh hiệu quả.
Lê Thúy/ Thời báo kinh doanh
Không có nhận xét nào: