VINAGRI News - Nhiều năm qua, nghề nuôi cá mú trong lồng bè trên sông Đầm đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Thế nhưng, gần 1 tháng qua, cá mú chết hàng loạt khiến nông dân khốn đốn, kêu cứu…
Từ giữa tháng 4/2013 đến nay, hơn 16 hộ dân thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận nuôi cá ở khu vực cửa sông Đầm đắng lòng, lôi những lồng cá dưới sông lên vớt cá chết khỏi lồng.
Người nuôi cá, anh Đinh Văn Lợi (31 tuổi), chua xót: Những năm qua đâu có tình trạng cá chết hàng loạt như thế này. Vụ cá mú năm nay gia đình tôi thả nuôi 4 lồng và 2 bè từ trước Tết, không biết cá bị bệnh gì mà thân bị lở loét rồi chết nổi trắng lồng, thiệt hại trên 60 triệu đồng.
Anh Đinh Văn Lợi kiểm tra các lồng cá mú đang nuôi tại sông Đầm
Anh Dương Tấn Đua cũng ở thôn Tuyết Diêm 2, một trong những hộ nuôi nhiều cá mú lồng chia sẻ: Năm 2011, gia đình tôi nuôi 4 lồng cá mú. Sau một năm, tôi thu về gần 40 triệu đồng đã trừ các khoản chi phí. So với những công việc khác của nhà nông thì nghề nuôi cá mú lồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Giữa năm 2012 tôi vay thêm tiền để tiếp tục tăng lồng nuôi. Đến nay, 4 lồng cá mú của tôi chuẩn bị bước vào kỳ thu hoạch. Thế nhưng, cá cứ lở loét rồi chết dần, thiệt hại trên 120 triệu đồng.
Anh Lê Quang Khanh, người có thâm niên trên 10 năm nuôi cá mú lồng buồn bã: Từ giữa tháng 4/2013 đến nay, cá mú lồng, bè nuôi trên sông Đầm chết với tốc độ chóng mặt. Chưa bao giờ tôi gặp tình trạng cá chết nhiều thế này. Giữa năm 2012 nhà tôi thả 6 lồng cá mú, đến đầu tháng 5 cá sắp đến thời kỳ xuất bán bỗng bị bệnh chết gần hết, thiệt hại ước tính hơn 100 triệu đồng.
Hiện nay ở thôn Tuyết Diêm 2, xã Bình Thuận có khoảng 16 hộ nuôi cá mú với gần 100 lồng/diện tích 4 ha mặt nước trên sông Đầm. Chỉ sau một thời gian ngắn bùng phát bệnh thì số lượng cá chết đã chiếm trên 50%, số lượng cá còn lại cũng đang có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Chi hội nghề cá xã Bình Thuận đã có báo cáo gửi các cơ quan liên quan. Hiện địa phương vẫn chưa thấy cơ quan chuyên môn hay ngành chức năng quan tâm lấy mẫu xét nghiệm, kết luận nguyên nhân và hướng dẫn biện pháp khắc phục.
Với giá bán từ 250.000 - 270.000 đồng/kg, cá mú đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nuôi ở vùng ven biển đã nhường đất cho dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhờ nghề nuôi cá mú lồng mà nhiều hộ dân ở xã Bình Thuận có cuộc sống khấm khá hơn. Nhưng giờ đây trước tình trạng cá chết hàng loạt, “cần câu cơm” của nhiều nông dân Bình Thuận mất đất sản xuất này đang gặp khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi, kỹ sư Nguyễn Ngọc Tài - Trưởng phòng kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Trong thời gian gần 1 tháng qua, do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, vùng nuôi lại bị nhiễm bệnh, cá mú bị bệnh ghẻ lở (do vi khuẩn). Chúng tôi khuyến cáo người nuôi cá mú trộn kháng sinh oxytetracyline 200 mg/kg thức ăn và vitamin-C 30 mg/kg thức ăn cho cá ăn 5 - 7 ngày liên tục; kết hợp tắm kháng sinh oxytetracyline 10 - 20 g/m3 cho cá từ 15 - 30 phút.
Hải Yến/ Báo NNVN
Không có nhận xét nào: