VINAGRI News - Gia Lai là tỉnh có tỷ trọng nông lâm thủy sản khá, với tổng giá trị sản xuất năm 2011 là 7.675,19 tỷ đồng (giá cố định năm 1994), chiếm 36,4% cơ cấu giá trị sản xuất của nền kinh tế. Riêng trong nông nghiệp, giá trị sản xuất 7.372,3 tỷ đồng, trong đó, tỷ trọng ngành trồng trọt chiếm chủ yếu 6.972,3 tỷ đồng, 94,6%; chăn nuôi 376,6 tỷ đồng, chiếm 5,4%.
Đối với trồng trọt, hiện có 7 nhóm cây trồng chính. Trong số đó, cây trồng có tỷ suất hàng hóa và diện tích lớn là cao su 95.704 ha; cà phê 77.568 ha; lúa 70.449 ha; ngô 50.700 ha; sắn 63.352 ha; mía 29.268 ha; hồ tiêu 8.000 ha.
Hội thảo về môi trường đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ở Gia Lai
Tiềm năng nông nghiệp
Nông nghiệp tỉnh Gia Lai trong những năm qua đã góp phần không nhỏ trong việc ổn định và nâng cao đời sống của người dân, đặc biệt là vùng nông thôn. Những tiềm năng lớn có thể đầu tư là: Nông nghiệp Gia Lai còn nhiều thế mạnh chưa được khai thác như đất trống, đồi trọc còn nhiều, nguồn lao động dồi dào; đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa có sự gắn kết giữa sản xuất nguyên liệu, chế biến và thương mại; tiềm năng tăng năng suất của một số cây trồng, vật nuôi như chăn nuôi bò thịt và mía đường còn rất lớn.
Nếu năng suất cây trồng vật nuôi tăng lên, không những nâng cao được hiệu quả kinh tế mà còn tăng giá trị sản phẩm, mở rộng qui mô sản xuất; các sản phẩm khác như cà phê, tiêu nếu nâng cao được chất lượng sản phẩm thông qua áp dụng các quy trình thực hành canh tác tốt, đặc biệt là cải tiến chất lượng ở khâu chế biến sẽ cho phép nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Giải pháp thu hút đầu tư
Để thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp nông thôn, Sở NN-PTNT cần phải xây dựng đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó trọng tâm là:
- Xác định các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh của địa phương, trên cơ sở đó đầu tư xây dựng các chuỗi giá trị nông sản mạnh.
- Quy hoạch các vùng sản xuất, kêu gọi và hỗ trợ đầu tư xây dựng các vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.
- Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, triển khai các chương trình ứng dụng KHCN nhằm tăng năng suất cây trồng vật nuôi, bảo đảm chất lượng nông sản, chống ô nhiễm môi trường.
- Hỗ trợ các tổ chức hợp tác của nông dân tham gia trong các ngành hàng nông sản nội địa và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới các thủ tục đầu tư theo hướng minh bạch, giản tiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Có thể tham khảo kinh nghiệm của Lào Cai trong việc cụ thể hóa và minh bạch hóa chính sách; đẩy mạnh hơn nữa đầu tư công cho khu vực NNNT ở Gia Lai, tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả đầu tư cho nhà đầu tư sau này, tập trung vào việc chứng nhận chất lượng sản phẩm.
Thiết lập ban chỉ đạo phát triển kinh tế hợp tác và HTX theo chỉ đạo của Chính phủ. Có chính sách hỗ trợ tư vấn thành lập HTX, chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng cho HTX, tổ hợp tác, hỗ trợ cơ sở hạ tầng thiết yếu, chuyển giao KHCN.
Xây dựng các chính sách hỗ trợ người sản xuất bảo hiểm đối với các cây trồng vật nuôi chủ lực của tỉnh như cà phê, tiêu, điều, bắp, chăn nuôi bò, lợn…
Tăng cường đầu tư cho các chương trình, các giải pháp chống biến đổi khí hậu nhằm đối phó với mưa trái mùa; hiện tượng sương muối, rét và hạn hán…
Rừng vẫn là thế mạnh của Gia Lai, cần khuyến khích phát triển kinh tế rừng và bảo vệ môi trường. Từng bước kêu gọi các dự án thí điểm chi trả môi trường và dần dần mở rộng phạm vi áp dụng.
Lam Giang/ Báo NNVN
Không có nhận xét nào: