VINAGRI News - Mía một thời là cây công nghiệp hàng đầu của vùng đất lúa ĐBSCL. Chính loại cây trồng này làm nên nền công nghiệp mía đường lớn nhất nước. Tuy nhiên hiện tại số phận người trồng mía ở đây đang rơi vào cảnh đắng cay khi ngành công nghiệp này trầy trật với bài toán cung cầu và nạn buôn lậu đường qua biên giới.
Mía tồn đọng ngay tại Nhà máy đường Sóc Trăng.
Mía không còn ngọt
Đã vào vụ mía năm 2013 - 2014, nhưng các vùng nguyên liệu mía ĐBSCL vẫn im lìm. Người trồng mía không còn hối hả, hân hoan như cái thời mà các nhà máy đường đua nhau mọc lên, tranh mua tranh bán mía như dạo năm 2000- 2001.
Ông Nguyễn Văn Út, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, Cà Mau có 4ha trồng mía nguyên liệu cho Nhà máy đường Thới Bình thẫn thờ nhìn ra cánh đồng nham nhở những hom mía còn chưa được lên liếp, lắc đầu, ngao ngán: “Năm rồi nhà máy đường mua có 800 đồng/kg hà, thấp hơn năm 2012 đến 200 đồng/kg, trong khi phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm sóc cho đến hom mía, công vận chuyển đều tăng, cứ đà này làm sao nông dân chúng tôi chịu nổi”.
Ông Út gắn bó với cây mía Thới Bình, Cà Mau từ thời chưa có Nhà máy đường Thới Bình. Gia đình ông tự làm lò đường ép mía thủ công đi bán khắp các tỉnh. Cho đến hôm nay ông mới chua xót nhận ra, loại cây công nghiệp này không thể giúp gia đình giàu có. Chính vì vậy, năm nay ông quyết định chuyển đổi một phần diện tích trồng mía sang trồng lúa, dẫu biết rằng cây lúa trên đất mía có năng suất thấp.
Ông thở dài: “Mình trồng mía hoàn toàn phụ thuộc vào nhà máy đường. Hiện tại nhà máy đường làm ăn thua lỗ nặng, đường bán không ai mua thì đừng mong gì giá mía tăng. Mình phải tự cứu mình thôi chớ biết làm sao bây giờ”.
Cà Mau quy hoạch vùng nguyên liệu mía trên 4.300ha diện tích trồng mía, chủ yếu tập trung tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình và xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Niên vụ mía năm 2012 -2013 kết thúc trong sự tức tưởi của người trồng lẫn người mua. Người dân trồng mía quần quật cả năm trời, khi bán, cầm số tiền trên tay mà ngậm ngùi, chua xót, còn nhà máy đường sản xuất ra bán không được, đường tồn đọng. Cù Lao Dung, Sóc Trăng từ lâu được mệnh danh là vùng nguyên liệu mía lớn nhất ĐBSCL, nhiều người đang rơi vào cảnh nợ nần vì cây mía.
Ông Trần Thanh Phong, xã An Thanh Nam vừa mới thu hoạch xong 7 công mía (gần 1ha) bán chỉ được hơn 50 triệu đồng. Hai vợ chồng cộng sổ lại tính toán chi li lãi đúng 3 triệu đồng. Ông nói như mếu: “Giá mía đà này chắc chết nông dân luôn rồi. Vùng đất này quy hoạch trồng mía, đâu trồng gì khác được, không trồng mía thì biết làm gì”.
Chưa có con số thống kê chính thức chuyện lời lỗ của người trồng mía trên mảnh đất cù lao này, nhưng nhìn cảnh chợ huyện tiêu điều, vắng thưa người mua kẻ bán cho thấy thu nhập của người trồng mía không nhiều.
Ông Nguyễn Văn Hải, xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung trồng 3 công mía, thu hoạch được 13 triệu đồng than thở: “Tui đi vay ở Ngân hàng Chính sách xã hội 15 triệu đồng để trồng mía, số tiền thu được không đủ tiền đầu tư vì mía của tui bị nước ngập do hai đợt triều cường trong năm, nay nợ chưa trả được. Mà không trả thì không được vay vốn tái sản xuất cho vụ sau”. Túng quẫn, anh cho đứa con trai lớn đi lao động tại Bình Dương, gửi đứa con nhỏ về nhà bên ngoại đồng thời xin khất nợ. Thấy hoàn cảnh của anh quá khó khăn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện chấp nhận cho vợ chồng anh trả mỗi tháng 100.000 đồng.
Quay lưng với mía
Anh Nguyễn Văn Tâm, xã Trí Lực, huyện Thới Bình quyết định đoạn tuyệt với cây mía sau gần 20 năm gắn bó với loại cây công nghiệp ngọt ngào này. Anh cay đắng: “Vợ chồng tôi đã quyết tâm rồi, không trồng lúa thì nuôi cá và trồng thêm hoa màu. Thời gian gần đây, cây lúa giá tương đối, giá hoa màu cũng không tệ nên không bao lâu gia đình tôi sẽ lấy lại được vốn. Còn nếu đeo đuổi nghề trồng mía thì chắc chắn rằng cháo cũng chẳng có mà ăn chứ đừng nghĩ đến chuyện làm giàu”.
Cùng suy nghĩ với ông Tâm, gia đình ông Tăng Văn Buôl, ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau đã phá bỏ gần 2ha đất để trồng lúa và hoa màu. Tại Cù Lao Dung, người dân đã thật sự không còn mặn mà với cây mía dù nơi đây cây mía đã bén rễ hàng chục năm nay. Vị ngọt của cây mía ngày nào, nay đắng chát trên từng số phận của nông dân. Bà Hoàng Thanh Liên, xã An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung chua chát: “Cây mía càng trồng càng lỗ, làm sao chúng tôi sống được. Người ta có tiền đã chuyển đổi sang trồng cây khác, tui có 3 công lại thiếu tiền nên chưa chuyển đổi được”.
Sau 10 tháng trồng, nông dân trồng mía tại Thới Bình (Cà Mau) lãi chưa đến 7 triệu đồng/ha.
Ông Trần Văn Tâm - Trưởng phòng NNPTNT huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng - nêu con số báo động: “Chỉ trong vòng 3 năm nay, người trồng mía trong huyện đã nói lời đoạn tuyệt với loại cây này. Đã có đến 800ha mía chuyển sang trồng các loại cây ăn trái khác như cam, quýt, xoài... Hiện tại toàn huyện chỉ còn khoảng 2.700ha trồng mía nhưng hầu hết là những người ít đất, không có điều kiện chuyển đổi. Với giá mía tụt giảm như hiện nay (700 đồng/kg), lợi nhuận thu về của người trồng rất thấp, chỉ bằng 25% người trồng cam, quýt và 50% trồng lúa. Lợi thế so sánh của cây trồng, vật nuôi trên cùng một đơn vị diện tích thì cây mía là thấp nhất, chính vì vậy rất khó để khuyến khích người dân trông mía”.
Tại Hậu Giang, phong trào chuyển đổi càng rầm rộ hơn. Ông Nguyễn Thế Tự - Trưởng phòng NNPTNT huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang - nói: “Khi cây mía không còn đem đến sự ngọt ngào cho người trồng thì khó trách nông dân đoạn tuyệt với nó. Họ có quyền tính toán cho từng diện tích đất sản xuất của mình”. Có lẽ vì vậy mà chính quyền huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang không nỡ phạt vạ ông Nguyễn Văn Láng, ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ khi ông chuyển đổi 6ha đất trồng mía sang trồng lúa. Huyện Cù Lao Dung cũng không thèm nhắc nhở trên 200 hộ dân tự chuyển đổi 400ha trồng mía sang cây trồng vật nuôi khác... dù làm vậy là sai chủ trương.
Ai cứu người dân?
Mới đây Hiệp hội Mía đường Việt Nam đề nghị Chính phủ tăng cường công tác kiểm tra đường nhập lậu; giải tỏa số lượng lớn đường đang tồn đọng (trên 400.000 tấn). Chính vì vậy, chắc chắn giá mía sẽ không thể tăng trong một vài năm tới. Trong điều kiện khó khăn này, tỉnh Hậu Giang quyết định giảm diện tích mía đường trong quy hoạch sử dụng đất của tỉnh. Theo đó, từ diện tích quy hoạch 15.000ha, giảm xuống còn 10.000ha cho niên vụ 2013 -2014.
Theo Sở NNPTNT Hậu Giang, diện tích mía của tỉnh là 15.000ha, nhưng trong thực tế hằng năm có đến 9.000ha mía sản xuất trong điều kiện khó khăn do thu hoạch chạy lũ. Mặt khác, diện tích nằm trong vùng trũng, năng suất thấp, chất lượng không đảm bảo, chính vì vậy cần phải giảm diện tích để tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang - phân tích: “ Để cứu diện tích 9.000ha không thu hoạch sớm chạy lũ, tỉnh cần đầu tư thủy lợi rất tốn kém, thay vì mạnh dạn chuyển đổi, giảm diện tích xuống còn 10.000ha để tập trung làm ô đê bao; thay đổi cơ cấu giống sẽ tăng hiệu quả sản xuất hơn”. Tương tự, huyện Thới Bình, Cà Mau có diện tích từ 5.000ha vào năm 2000 nay chỉ còn 1.800ha; Sóc Trăng cố gắng giữ 10.000ha. Mặc dù vậy các địa phương trong vùng nguyên liệu mía cũng không dám khẳng định giá mía sẽ có lợi cho nông dân.
Ông Hồ Quang Cua - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Sóc Trăng - phân tích: “Để cứu người trồng mía trong điều kiện hiện nay là rất khó. Bởi các nhà máy đường đang loay hoay tìm hướng tự cứu mình khỏi thua lỗ, nên giá thu mua mía thế nào để người trồng có lãi vẫn là chuyện xa vời”.
Không chỉ cây mía, cây lúa tại ĐBSCL ngay trong mùa vụ này cũng được Hiệp hội Lương thực miền Nam khuyến cáo người dân giảm diện tích do tình hình xuất khẩu gặp khó khăn. Con cá tra, cá ba sa sau những trầy trật đầu ra, các nhà máy chính thức nói lời đoạn tuyệt với người nuôi không có hợp đồng với nhà máy. Các đàn gia súc, gia cầm tại đây cũng đang đối mặt với việc liên tiếp giảm giá do áp lực từ nhập khẩu và dịch bệnh. Con tôm sú cũng đối mặt với khó khăn do các nhà máy chế biến thủy sản trầy trật tìm đầu ra...
Chưa bao giờ, những cây trồng, vật nuôi làm nên đặc trưng của vùng đất đồng bằng trù phú này lại làm khó người nông dân đến vậy. Liệu họ có quay lưng với con tôm, con cá, cây lúa như đã làm với cây mía khi mà bài toán về quy hoạch vùng nguyên liệu gắn với sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu đưa ra rất lâu vẫn chưa có lời giải đáp?
Nhật Hồ/ Báo Lao Động
Không có nhận xét nào: