VINAGRI News - Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu 200.000 tấn đường qua đường tiểu ngạch từ tháng 3 đến 20/6/2013, thế nhưng đến nay, các nhà máy đường chỉ xuất khẩu được chừng 25.000 tấn. Trong khi đó, đường Thái Lan đổ bộ vào Việt Nam theo dạng “tạm nhập tái xuất” rồi sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Ai ăn dày?
TS. Hà Hữu Phái, Trưởng văn phòng Hiệp hội Mía đường Việt Nam tại Hà Nội cho biết, tính từ đầu niên vụ đến ngày 13/5/2013, toàn ngành mía đường đã ép được 15,5 triệu tấn mía, sản lượng 1.442.800 tấn đường. Đến thời điểm này, hầu hết 41 nhà máy đường đã kết thúc vụ sản xuất, chỉ còn 6 nhà máy tiếp tục hoạt động đến hết tháng 5. Dự tính cả niên vụ sẽ sản xuất được khoảng 1,5 triệu tấn đường. Tồn kho đường đã lên cao nhất từ trước tới nay, tính đến ngày 3/5/2013, còn 579.818 tấn.
Do tiêu thụ khó khăn nên giá bán của các nhà máy thấp hơn 30% so với thời điểm này năm 2012. Tháng 3/2013, giá đường bán buôn tại kho các nhà máy chỉ đạt 13.000 - 13.500 đồng/kg. Từ đầu tháng 5 đến nay, tuy giá đường đã nhích lên nhưng vẫn rất thấp, hiện đường kính trắng ở mức 14.500-14.900 đồng/kg, đường tinh luyện 15.500-16.000 đồng/kg. Tuy nhiên, có một nghịch lý là giá đường bán lẻ vẫn không giảm. Tại các siêu thị ở Hà Nội, đường tinh luyện vẫn đứng ở mức 21.000 - 22.000 đồng/kg. Còn tại các chợ và cửa hàng bán lẻ, giá đường tinh luyện từ 22.000-24.000 đồng/kg.
Theo phản ánh, hệ thống siêu thị ở Hà Nội gần như không tiếp cận, mua được đường từ nhà máy mà chỉ mua qua các đại lý cấp 1, cấp 2 với giá lên tới 18.000 - 19.000 đồng/kg. Đại diện hệ thống siêu thị Big C cho biết, họ chưa bao giờ mua được trực tiếp từ các nhà máy, mà phải mua qua các đại lý tiêu thụ đường.
Từ lâu chúng ta đã hình thành một hệ thống đại lý chuyên bao thầu đầu ra cho tất cả các nhà máy đường, đồng thời thâu tóm toàn bộ hệ thống tiêu thụ đường trong nước. Các nhà máy đường buộc phải tuân thủ những quy định do hệ thống đại lý đưa ra, chỉ được bán hàng cho các đại lý này, không được phép bán cho bất kỳ nhà bán lẻ nào. Nhà máy nào vi phạm sẽ bị tẩy chay và không thể tiêu thụ được sản phẩm.
Bị đường Thái Lan chèn ép
Ông Phái nhận định, lượng tồn kho hiện nay đã tới đỉnh, trong những tháng tới sẽ giảm dần do hết vụ sản xuất. Tuy nhiên, từ nay đến hết tháng 8/2013, lượng đường tồn kho này khó có thể tiêu thụ hết trước khi vào niên vụ mới. Bởi, trung bình mỗi tháng, cả nước chỉ tiêu thụ khoảng 100.000 tấn. Hai lối thoát duy nhất để giải quyết bài toán tiêu thụ cho ngành đường là, một mặt phải chặn triệt để dòng đường nhập lậu ở biên giới Tây Nam, mặt khác phải thúc đẩy xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch.
Ngày 8/3/2013, Bộ Công Thương có Văn bản số 130/BCT-TMMN về việc cho xuất khẩu đường kính trắng qua cửa khẩu phụ Bản Vược (Bát Xát - Lào Cai). Đường xuất tiểu ngạch chỉ được thực hiện từ tháng 3 đến 20/6/2013, với khối lượng 200.000 tấn đường. Đến nay, các nhà máy đường xuất khẩu được chừng 25.000 tấn. Trong khi đó, đường Thái Lan đã đổ bộ vào Việt Nam theo dạng “tạm nhập tái xuất”, họ vận chuyển bằng tàu thủy đến cảng Hải Phòng, sau đó đưa bằng đường bộ lên Lào Cai rồi sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ Bản Vược.
“Đường Thái Lan luôn là “khắc tinh” của đường Việt Nam, mỗi năm nhập lậu qua biên giới Tây Nam lên tới 400.000 - 500.000 tấn, khiến sản phẩm đường Việt Nam mất đáng kể thị trường trong nước. Vì vậy, Hiệp hội phải xin được xuất khẩu qua chính sách đối với cư dân biên giới”, ông Phái than thở.
Trong công văn của Hiệp hội Mía đường gửi lên Chính phủ vào cuối tháng 4/2013, nêu rõ: Nếu cho tạm nhập tái xuất mặt hàng đường sang Trung Quốc theo tuyến biên giới, chắc chắn đường của Thái Lan sẽ thay đường sản xuất trong nước để sang Trung Quốc, đồng nghĩa với việc Việt Nam vừa mất thị trường nội địa, vừa mất luôn thị trường xuất khẩu gần như duy nhất của nước ta. Do vậy, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị Chính phủ không cho phép tạm nhập tái xuất đường, đặc biệt là tạm nhập tái xuất qua cửa khẩu phụ Bản Vược và các địa phương có biên giới giáp với Trung Quốc.
Chu Khôi/ Báo KTNT
Không có nhận xét nào: