» » Vụ sau tôi vẫn cho thuê ruộng trồng lúa Trung Quốc

VINAGRI NewsÔng Tư Bền cho biết sẽ vẫn cho thuê ruộng, vì vừa có tiền ngay mà không phải vất vả chăm sóc từng ngày.


Ông Nguyễn Văn Bền (Tư Bền).

Sau hơn 3 giờ đồng hồ vừa đi vừa hỏi đường, chúng tôi cũng tìm được nhà người nông dân nổi tiếng tại tỉnh Long An.

Cả tháng nay, ngày nào nhà ông Nguyễn Văn Bền (Tư Bền) cũng tiếp 3 lượt khách vì cho thuê ruộng trồng lúa Trung Quốc.

“Bữa giờ công an, cán bộ địa phương, nhà báo đến quá trời, đăng hình tui trên báo, tự nhiên tui nổi tiếng, nhưng mà tui rầu lắm”, ông nói. Không để chúng tôi trình bày, ông Bền chỉ tay về đồng lúa và kể đầu đuôi câu chuyện của mình.

Chuyện bắt đầu từ mùng một Tết, cả gia đình ông Tư Bền đến nhà họ hàng chúc Tết, vui miệng ông kể chuyện cho thuê ruộng trồng thử nghiệm giống lúa Trung Quốc. Ngay sau đó, người cháu họ của ông viết báo và mọi chuyện vỡ lở.

Ông Bền là thành viên hội nông dân, vì vậy cứ đến định kỳ, cán bộ huyện lại xuống kiểm tra lúa giống và quá trình phát triển cây lúa. Khi biết có người muốn thuê đất trồng lúa, người cán bộ đó đã giới thiệu họ cho ông Bền. Vì ruộng của ông Bền khá rộng và có lợi thế là ở gần khu dẫn nước.

Ban đầu 2 người Việt Nam nói với ông Bền là cán bộ trên tỉnh (TP.HCM) muốn thuê đất trồng thử nghiệm giống lúa mới. Hai người này được xác định là ông Trần Minh Nhu và Trương Minh Ánh. Sau khi họ thuê đất, một người đàn ông Trung Quốc mới xuất hiện. Từ quá trình gieo giống cho đến nay mọi việc đều do người đàn ông này chỉ đạo. Hiện tên của người đàn ông này được xác định là Lji Wen.


Ước tính, với 1 ha ruộng, mỗi năm cấy 3 vụ, trung bình ông Bền cũng thu được khoảng 45 triệu đồng. Nếu chỉ cho thuê 1 vụ 30 triệu đồng lại không phải lo giống, thuốc thì đã có lợi rồi. Vậy là ông Bền quyết định cho thuê với điều kiện cấy xong lúa phải trả hết tiền.

“Lúc đầu, tôi cũng băn khoăn vì sợ bị họ bỏ của chạy lấy người như vụ lá điều hay vụ thủy sản, nhưng chính cán bộ huyện giới thiệu họ nên tôi cũng yên tâm”, ông Bền cho biết. Lần đầu họ đưa trước một nửa số tiền, cấy xong trả hết số còn lại. Thậm chí, họ còn đưa cho ông một tờ hợp đồng nhưng ông trả lại vì nghĩ mình đã nắm đằng cán.

Lúc cho thuê đất, người nông dân 72 tuổi này suy nghĩ khá đơn giản. Gia đình ông vừa có tiền vừa là gia đình đầu tiên tham gia quá trình thử nghiệm trồng giống lúa mới. Nếu sau này được phép trồng, ông sẽ là người đầu tiên ở vùng này nắm được quy trình và hướng dẫn lại cho bà con.

Theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, quy trình trồng này sẽ cho ra giống lúa lai F1, chủ yếu dùng làm giống bán vì giống lúa này cho năng suất cao, trung bình đạt 5-6 tấn/ha nên miền Bắc cấy nhiều. Tuy nhiên, nếu trồng tiếp đời F2 thì lại không cho năng suất cao nên Việt Nam vẫn phải nhập khẩu giống lai F1.

Giống lúa này khá đặc biệt. Cứ 2 hàng giống lúa đực được gọi là A (thân cao) thì xen kẽ 12 hàng lúa cái được gọi là B (thân thấp), lúa đực cao hơn lúa cái khoảng 10 cm. Bên cạnh đó là một góc nhỏ gieo lúa giống mà ông Bền nói là để lấy giống vụ sau, được đánh dấu bằng chữ R.

Trong lịch theo dõi của ông Bền, giống lúa cao cấy trước lúa thấp 6 ngày, cứ 1 cây giống cao sẽ thụ phấn cho 6 cây giống thấp. Mỗi ha ruộng chỉ gieo 56 kg giống. Trong khi đó, những ruộng xung quanh thường gieo 150 kg giống/ha.

Giáo sư Xuân cho biết giống lúa lai F1 chủ yếu thịnh hành ở miền Bắc, nhưng sản lượng không nhiều, mỗi ha chỉ thu hoạch được khoảng 3 tấn. Hiện miền Bắc phải nhập đến 70% giống lúa này từ Trung Quốc về trồng. Vì vậy, giá lúa giống này khá cao, khoảng 40.000-50.000 đồng/kg, trong khi lúa người dân đang trồng chỉ bán được 6.000 đồng/kg nên một số doanh nghiệp và cán bộ trong ngành nông nghiệp cũng tham gia nhập khẩu loại giống này.

Bài viết trên báo Nông nghiệp Việt Nam của tác giả Trần Cao cho thấy, mỗi năm Việt Nam cần ít nhất 15.000 - 20.000 tấn giống lúa lai F1, trong đó số giống sản xuất được không vượt quá 30%/năm. Do đó, 70% còn lại phải nhập khẩu của Trung Quốc hoặc các công ty đa quốc gia. Nhà nước đã và đang có chính sách ưu đãi khuyến khích trồng giống lúa này. Vì vậy, các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều có quyền tham gia.

Sau khi vụ việc đổ bể, ông Wen không còn đến ruộng thường xuyên. Hai người Việt Nam đứng ra thuê ruộng và tự xưng là cán bộ của ngành nông nghiệp cũng không nghe điện thoại.

Có thể nhận định 2 khả năng xảy ra. Theo ý kiến của Giáo sư Xuân, chính người Trung Quốc này đã lén mang giống lúa lai sang Việt Nam liên kết với một số người (có thể là cán bộ nông nghiệp) trồng thử nghiệm, gây giống bán trực tiếp ra miền Bắc. Nếu khả năng này là đúng thì cũng chỉ là một bài toán kinh doanh của thương nhân Trung Quốc, nhằm giảm bớt chi phí nhập khẩu từ nước họ để tăng lợi nhuận.

Ngược lại, nếu người Việt Nam thuê ruộng và vị kỹ sư nông nghiệp Trung Quốc được thuê sang Việt Nam trồng lúa thì cũng có lợi cho cả doanh nghiệp Việt và người dân.

Trước khi ra về, chúng tôi hỏi ông Tư Bền, nếu vụ tới họ muốn thuê tiếp thì ông tính sao. “Cán bộ huyện dặn tôi nếu vụ tới bác cho thuê ruộng tiếp thì mang giấy tờ lên xã xác nhận sẽ hết phiền phức. Tôi sẽ vẫn cho thuê, vừa có tiền ngay mà không phải vất vả xuống giống, chăm sóc từng ngày”, ông Bền chia sẻ. 

Thanh Hương/ NCĐT

Về Tin tức nông nghiệp

Chuyên tin tức nông nghiệp, chỉ tin tức nông nghiệp. tintucnongnghiep.com là một blog chia sẻ tin tức nông nghiệp Việt Nam và thế giới theo tiêu chí kết nối, chia sẻ và phi lợi nhuận.
«
Trước
Bài đăng Mới hơn
»
Sau
Bài đăng Cũ hơn

Không có nhận xét nào:

Chia sẻ của bạn về bài viết này: