VINAGRI News - Năm 2012 khép lại, Thái Lan bị đánh bật khỏi vị trí số 1 về xuất khẩu gạo. Cùng lúc Việt Nam qua mặt Thái Lan khi số lượng xuất khẩu gạo đạt trên 7,7 triệu tấn. Xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2013 có đủ “gam màu” pha trộn khi nhiều thách thức đặt ra nhưng cũng không ít cơ hội để lúa, gạo tạo nên sự đột phá cả về chất và duy trì số lượng gạo xuất khẩu ổn định !
Bước tiến của những con “trâu sắt” !
Ngành nông nghiệp tỏ ra lạc quan khi điểm lại năm 2012 với những dấu mốc giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản cả năm ước tăng 3,4% so với năm 2011, trong đó nông nghiệp tăng 2,8%. Cả diện tích sản xuất, sản lượng lúa, số lượng xuất khẩu gạo tiếp tục tăng ngoạn mục: diện tích gieo trồng lúa trên 7,75 triệu héc-ta, tăng gần 100.000ha so với năm 2011, năng suất lúa đạt 5,63 tấn/ha, sản lượng đạt 43,7 triệu tấn. Vựa lúa đồng bằng sông cửu long (ĐBSCL) tiếp tục là trụ đỡ chính cho ngành nông nghiệp cả nước. Diện tích sản xuất lúa trên 4,1 triệu héc-ta, sản lượng lúa cả năm trên 24,6 triệu tấn, tăng trên 1 triệu tấn so với năm 2011. Trong chuyến làm việc mới đây với tỉnh Đồng Tháp (Kiên Giang, An Giang, Long An, Đồng Tháp là trục sản xuất lúa lớn nhất trong vùng), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Dù đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thế nhưng vai trò của nông nghiệp không thể phủ nhận, bằng chứng là trong cuộc khủng hoảng kinh tế, với sự giảm sút của nhiều lĩnh vực sản xuất nhưng do sự phát triển không ngừng của nông nghiệp đã góp phần duy trì và ổn định nền kinh tế”!
Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa trong sự lo âu giá lúa giảm.
Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hậu Giang đã dùng hình ảnh khá ấn tượng để nhận xét về sự đổi thay của người nông dân trồng lúa ĐBSCL: “Người nông dân trồng lúa ở ĐBSCL đã bớt khom lưng. Khi từ khâu cấy dặm, cắt lúa đều có những thiết bị tiên tiến thay thế”. Cứ vào mùa vụ thu hoạch, hình ảnh máy gặt đập liên hợp (GĐLH) tràn ngập đồng lúa Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp… tạo nên một diện mạo khá hiện đại cho vựa lúa. “Thậm chí máy suốt lúa hiện nay trở nên lỗi thời, khó kiếm, khi nông dân khoái thuê máy GĐLH cắt và suốt lúa làm liền mạch một công đoạn. Giờ các chủ máy GĐLH điều thêm máy chở lúa luôn cho nông dân, khỏi phải tốn công thuê trâu kéo lúa đựng trong bao về nhà” - nông dân Cao Trí Thức, ở xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang tâm đắc nói về những chiếc máy GĐLH. Các nhà khoa học và lãnh đạo ngành nông nghiệp đều nhìn nhận: sự phát triển của máy GĐLH là điểm sáng đáng mừng của ĐBSCL trong vài năm trở lại đây. Có thể nói, sự gia tăng của máy GĐLH đã tạo ra sự gia tăng cộng hưởng của máy sấy lúa khi phần lớn thương lái lúa “nối liền” hai công đoạn này. Vụ Đông xuân, Hè thu, nhiều thương lái đến tận chân ruộng mua luôn lúa tươi của nông dân thu hoạch bằng máy GĐLH, sau đó đem đi sấy, rồi mới xay xát. Vì vậy năm 2005, ĐBSCL chỉ có 6.600 máy sấy lúa, nay tăng lên 9.600 máy. Cùng lúc này, số lượng nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật như chương trình IPM, 3 giảm, 3 tăng… đã giúp nông dân tích lũy thêm hàng chục ngàn tỉ đồng nhờ giảm chi phí đầu vào.
Chia sẻ khó khăn với nông dân !
Năm 2005, ĐBSCL chỉ có khoảng 30 máy GĐLH hiện diện làm dịch vụ cắt lúa trên đồng ruộng, đến năm 2012, con số này đã vọt lên khoảng 13.000 máy gặt lúa. Trong đó có gần 9.000 máy GĐLH, chiếm 71%. Diện tích lúa được gặt bằng máy cả vùng đạt 56%, một số tỉnh có mức độ cơ giới hóa thu hoạch cao như: Đồng Tháp 61%, Long An 95%, Vĩnh Long 76%, Kiên Giang 60%, Sóc Trăng 68%...
“Trồng lúa không tốn nhiều công sức như trước, nhưng người nông dân vẫn chưa thể trút bỏ được gánh nặng khi đầu ra còn bấp bênh. Tôi mong là làm sao có nơi tiêu thụ ổn định để nông dân nhận được thành quả xứng đáng với công sức mình bỏ ra” - ông Trần Văn Bé Tám, xã viên HTX Thắng Lợi ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, tâm sự. Nỗi lo của ông Bé Tám cũng là nỗi lo chung của hàng triệu nông dân trồng lúa ở ĐBSCL. Chính vì vậy, có nhiều người nói: Việt Nam không nên trồng lúa nhiều như thế, nên trồng bắp để khỏi phải nhập khẩu! Vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát lý giải: “Không thể đem ngô, cây trồng cạn xuống ruộng nước để rồi có thu nhập cao hơn. Nếu trồng mà thu nhập cao hơn, nông dân đã trồng rồi. Nông dân lựa chọn cây lúa là hoàn toàn đúng đắn. Không hay ho gì chuyện đứng nhất, nhì thế giới (xuất khẩu gạo - PV). Chúng ta không phải phấn đấu để là thứ nhất, thứ nhì thế giới, mà phấn đấu để phát huy lợi thế làm ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao, đem lại thu nhập cao hơn cho nông dân và đất nước. Phải tìm cách làm cho cây lúa ĐBSCL có năng suất cao hơn, giá thành rẻ hơn, đem lại nhiều thu nhập hơn cho nông dân và đất nước” !
Trong bối cảnh đầu ra của hạt lúa trông cậy rất lớn vào xuất khẩu gạo thì Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cần thể hiện trọng trách với người trồng lúa ĐBSCL. Thị trường xuất khẩu gạo trong năm 2013 khó lường trước được những thách thức và rủi ro. Chính vì vậy, việc VFA chia sẻ khó khăn cùng nông dân là rất quan trọng, chí ít VFA phải thật sự đặt lợi ích nông dân trên những toan tính về lợi nhuận trong xuất khẩu! Cùng lúc này, các địa phương trong vùng cần có những động thái quyết liệt hơn để hoàn thiện cơ chế liên kết, phát triển nhanh mô hình cánh đồng mẫu lớn đã thực hiện khá tốt ở An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp để giúp nông dân gia tăng lợi nhuận.
“Ở ĐBSCL không có vụ sản xuất lúa nào là vụ phụ. Tùy theo điều kiện từng vùng mà hướng dẫn người dân sản xuất. Cây trồng chủ lực ở ĐBSCL là cây lúa, con tôm, cá tra, cây ăn trái. Đừng để nông dân trồng lúa làm tự phát, tương ứng với nó là từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng phù hợp đi theo” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh đến vai trò của cây lúa trong năm 2013.
Bài, ảnh: Vĩnh Tường/ Báo Hậu Giang
Không có nhận xét nào: